Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Tại sao Trung Quốc lại rắn với Triều Tiên?
Tại sao Trung Quốc lại rắn với Triều Tiên? PDF. In Email
Thứ năm, 16 Tháng 12 2010 21:30

Cập nhật lúc 16h28" , ngày 03/07/2009


(VnMedia) - Đáng nhẽ ra năm nay sẽ là năm đánh dấu tình bạn “gắn bó keo sơn” giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên khi hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại một buổi lễ tuyên bố về năm đặc biệt này ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói rằng Trung Quốc và Triều Tiên có một tình bạn vô cùng sâu sắc.

Tuy nhiên, một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa hồi cuối tháng 5 vừa rồi của Triều Tiên dường như đã phá hỏng tất cả. Bình Nhưỡng và Bắc Kinh giờ đã không còn thân thiết như trước nữa.


Trong vài tháng qua, thái độ của Trung Quốc với đồng minh Triều Tiên đã khác hẳn. Bắc Kinh đã thể hiện một lập trường cứng rắn khi ủng hộ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào “người bạn” Triều Tiên vì nước này đã thử hạt nhân và tên lửa. Trước đây, trong những vụ việc như thế, Trung Quốc thường đứng về phía Triều Tiên.


Các nhà phân tích cho rằng sở dĩ lần này Trung Quốc thay đổi thái độ với Triều Tiên là do họ đã bắt đầu tin rằng Bình Nhưỡng thực sự muốn phát triển vũ khí hạt nhân.


Cứng rắn


Trước đây, Bắc Kinh luôn nghĩ rằng Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il chỉ đang chơi trò hạt nhân với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng những diễn biến mới nhất gần đây trên bán đảo Triều Tiên đã buộc Trung Quốc phải thay đổi suy nghĩ. Giờ đây, họ đã tin rằng ông Kim thực sự muốn sở hữu một kho vũ khí hạt nhân.


Theo nhiều nhà phân tích, Chủ tịch Kim đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân để bảo đảm cho sự kế nhiệm của con trai út của ông ta là Kim Jong-un. Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao Trung Quốc lại không tiếp tục bảo vệ Triều Tiên như họ đã từng làm trước đây? Có hai lý do để giải thích cho sự thay đổi này.


Thứ nhất, việc Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đã làm mất mặt Bắc Kinh. Trong khi Trung Quốc đã tốn không biết bao nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vào các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân thì những hành động mới đây của Bình Nhưỡng như là một “gáo nước lạnh” hắt thẳng vào mặt Bắc Kinh. Nói trắng ra, Bình Nhưỡng đã không nể mặt Bắc Kinh.


"Vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên đã khiến Trung Quốc hoàn toàn thất vọng," ông Brian Bridges, một nhà phân tích chính trị chuyên về vấn đề Triều Tiên thuộc trường Đại học Lingnan ở Hong Kong, nhận định. "Vụ việc đó đã chứng tỏ Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên như họ mong muốn hoặc là như thế giới bên ngoài nghĩ."


Bắc Kinh không thích nói nhiều về bản chất quan hệ của họ với Bình Nhưỡng. Nhưng trên thực tế, quan hệ giữa hai nước khá sâu sắc vì Trung Quốc đã bảo vệ CHDCND Triều Tiên kể từ cuộc chiến Triều Tiên những năm 1950 đến giờ. Khi được hỏi về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu chỉ nói rằng Bắc Kinh không muốn tìm kiếm ảnh hưởng đối với bất kỳ nước nào.


Tuy vậy, Bắc Kinh đã tỏ rõ thái độ không hài lòng với Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng 6, Trung Quốc đã hoãn chuyến thăm của một quan chức cấp cao của nước này đến CHDCND Triều Tiên.


Lý do thứ hai khiến Trung Quốc thay đổi thái độ với Triều Tiên là Trung Quốc hoàn toàn không muốn có một nước láng giềng có vũ khí hạt nhân ở ngay bên cạnh, nhất lại là một nước có tính khí thất thường như Triều Tiên. Trung Quốc chỉ muốn một nước Triều Tiên ổn định làm vùng đệm cho nước này chứ không muốn một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và thất thường ngay sát nách mình.


… nhưng vẫn thận trọng


Mặc dù tỏ thái độ cứng rắn với CHDCND Triều Tiên nhưng Bắc Kinh vẫn rất thận trọng trong cách đối xử với người bạn láng giềng của mình. Điều này được thể hiện qua việc dù ủng hộ các nước thành viên Liên Hợp Quốc có quyền giám sát và kiểm tra các tàu hàng đáng nghi ra vào Triều Tiên nhưng Trung Quốc vẫn khuyên các nước phải thận trọng. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ vật chất cho Triều Tiên, bao gồm lương thực và nhiên liệu.


Sở dĩ Bắc Kinh có thái độ như trên là vì Bắc Kinh e ngại nếu quá mạnh tay sẽ dẫn đến sự sụp đổ của CHDCND Triều Tiên. Và điều này hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc. Một sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ dẫn đến tình trạng hàng triệu người dân nước này chạy sang tị nạn ở Trung Quốc, làm tăng sức mạnh cho người thiểu số Triều Tiên đang sinh sống ở Trung Quốc đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề thất nghiệp trong nước.


Quan trọng hơn, Bắc Kinh không mong muốn chứng kiến sự bất ổn ở Triều Tiên bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực sát nách Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sẽ mất đi một vùng đệm an toàn.


Chính vì những lý do trên mà Trung Quốc sẵn sàng gây áp lực với Triều Tiên nhưng ở mức độ vừa phải để sao cho có thể cân bằng giữa phản ứng của nước này với Triều Tiên trong khi vẫn giữ được lợi ích an ninh lâu dài.


Kiệt Linh - (Tổng hợp)

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học