280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, TP.HCM
ĐT: (+84) - (8) - 38352020 - Fax: (+84) - (8) - 38398946
  
Phòng Công tác Chính trị và Học sinh, sinh viên
Hưởng ứng tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2012. PDF. In Email
Thứ ba, 22 Tháng 5 2012 09:35

Ngày Môi trường thế giới 2012: “Gieo mầm” Kinh tế Xanh

(VOV) - Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nền Kinh tế Xanh mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Năm 2012, Liên Hợp Quốc lấy chủ đề cho Ngày Môi trường Thế giới là “Kinh tế Xanh: Có vai trò của bạn”. Việc chọn chủ đề này nhằm phản ánh nhận thức sâu rộng đối với Kinh tế Xanh như là bước đi tiếp theo hướng tới thế kỷ XXI bền vững.

Quan trọng hơn, khi mà các quốc gia trên thế giới đang vực dậy sau khủng hoảng kinh tế, chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết rằng, nền Kinh tế Xanh không chỉ mang ý nghĩa bao quát mà còn mang lại những kết quả tích cực cho sự phát triển kinh tế, công bằng xã hội và sự tiến bộ trong quản lý môi trường.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Kinh tế Xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống, tạo việc làm và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Trong nền Kinh tế Xanh, sự tăng trưởng kinh tế phải gắn với giảm phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.

Thực tế, kể từ khi thuật ngữ “Kinh tế Xanh” được công nhận năm 2008 thì chỉ 1 năm sau, theo tính toán của UNEP, cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2 – 3,5 triệu việc làm khi xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Và Brazil - quốc gia Nam Mỹ đi đầu trong việc xây dựng một nền Kinh tế Xanh có ngành công nghiệp tái chế với nguồn thu 2 tỷ USD/năm, đồng thời giảm 10 triệu tấn khí nhà kính thải ra môi trường.

Đấy là tại những nước và khu vực phát triển, còn ở nhóm nước đang phát triển, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Kinh tế Xanh như xây dựng, năng lượng, vận tải có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu.

Những thống kê này cho thấy, “gieo mầm” Kinh tế Xanh, tạo nên tăng trưởng xanh là chiến lược cho phát triển bền vững ở tương lai.

Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh tạo ra tiềm năng lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm nghèo đói với tốc độ chưa từng thấy. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “Ô nhiễm trước, xử lý sau”.

So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam hội tụ nhiều lợi thế để phát triển Kinh tế Xanh. Việt Nam có vị trí địa lý nằm trung tâm châu Á, một châu lục được đánh giá là đang và sẽ phát triển năng động nhất thế giới. Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, nền nông nghiệp phát triển với nhiều sản phẩm đứng trong Top 5 thế giới. Việt Nam có nền chính trị ổn định, xã hội thân thiện, thuần nhất và người dân ôn hòa. Đây là những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Tuy nhiên, để hướng tới sự phát triển này, Việt Nam phải khắc phục những hạn chế về trình độ phát triển, công nghệ sản xuất, trình độ phát triển khoa học cũng như thể chế pháp luật… Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) cũng cần thay đổi nhằm xóa bỏ thói quen cũ trong sản xuất và quản lý.

Theo các chuyên gia, đứng trước thời cơ mới, Việt Nam cần phát huy các lợi thế so sánh, khắc phục các yếu kém để phát triển đất nước. Phương thức tăng trưởng xanh là con đường tốt nhất để giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển trong thời gian tương đối ngắn, nhờ sử dụng hiệu quả nội lực và toàn cầu hóa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: Mục tiêu hướng tới chất lượng tăng trưởng của Việt Nam sẽ tập trung phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, có sử dụng công nghệ cao để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

Điều này thể hiện trong Dự thảo chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soản thảo. Chiến lược nêu rõ “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực tiễn tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ vài cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Như vậy, tăng trưởng xanh là phù hợp với chiến lược dài hạn của Việt Nam và định hướng phát triển bền vững nói chung, phù hợp với những lợi thế so sánh mà Việt Nam cần phát huy trong thế giới toàn cầu hóa./.

Việt Đức/VOV online

 

____________________________________________________________________________

Hướng tới một nền Kinh tế Xanh vì hạnh phúc con người -

 

Ngày Môi trường thế giới năm 2012 với chủ đề “Kinh tế Xanh: Có vai trò của bạn” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNCEP) triển khai với nhiều hoạt động tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, nội hàm của khái niệm Kinh tế Xanh đã được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khái quát hóa bằng quan điểm phát triển: “Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững”.

Theo UNCEP, Kinh tế Xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Trong nền Kinh tế Xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải cácbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh. Cũng như phần lớn các nước trên thế giới, nước ta đang phải dựa chủ yếu vào việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên với cường độ cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, trình độ công nghiệp còn lạc hậu, chậm đổi mới nên tỷ lệ tiêu tốn năng lượng, nước, nguyên vật liệu trên một đơn vị sản phẩm vẫn còn ở mức khá cao. Bên cạnh đó, tình trạng suy kiệt nguồn nước đang diễn ra, nhiều loại khoáng sản đang dần dần bị cạn kiệt. Đa dạng sinh học bị suy giảm và môi trường tiếp tục bị xuống cấp trong khi các thảm họa do thiên tai và những diễn biến về thay đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra phức tạp với tần suất và mức độ tàn phá ngày càng tăng nhanh. Trong một thời gian dài, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn đối với Việt Nam trong thế kỷ 21. Trong quá trình phát triển, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý, lãng phí nhiều đã làm cho môi trường ở nhiều nơi tiếp tục bị xuống cấp, một số nơi đã đến mức báo động. Tình trạng đó dẫn đến hậu quả ô nhiễm không khí, nguồn nước, suy thoái đất… ảnh hưởng xấu đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Đối mặt với những thách thức đặt ra về môi trường, xu hướng phát triển chung của nhiều nước trên thế giới hiện nay là phát triển kinh tế đảm bảo bền vững về môi trường, hướng tới nền Kinh tế Xanh. Đây cũng là một trong những cơ hội mà Việt Nam cần nắm bắt để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh qua điểm phát triển: “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Vì vậy, việc lựa chọn và hướng tới xây dựng mô hình phát triển Kinh tế Xanh ở nước ta là một tất yếu để đạt được phát triển bền vững.

Nước ta có vùng khí hậu đặc trưng nhiệt đới và cận ôn đới, vì thế sản vật rất đa dạng, phong phú. Nền nông nghiệp đang phát triển rất ấn tượng với nhiều sản phẩm đứng trong nhóm hàng đầu thế giới. Nhiều sản phẩm công nghiệp cũng đạt đến Top 5 hoặc Top 10 như da giầy, may mặc, sản phẩm trang trí nội thất... Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền chính trị, xã hội được cộng đồng quốc tế đánh giá là “ổn định, thân thiện, thuần nhất” và người dân ôn hòa. Đây là những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được. Phát triển Kinh tế Xanh nghĩa là chúng ta biết quy hoạch, khai thác, sử dụng hợp lý những tiềm năng và thế mạnh đó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Từ nhiều năm nay, vấn đề bảo vệ môi trường gắn chặt với tăng trưởng kinh tế đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng. Nghị quyết Đại hội XI đã nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và ứng phó với sự biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên. Tăng cường quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”.

Tại Diễn đàn “Kinh tế Xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam”, tổ chức vào tháng 11/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra Khung Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và Tầm nhìn đến 2050. Trong Khung chiến lược, ba mục tiêu chính được nhấn mạnh là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống và tiêu dùng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể như giảm chất lượng phát khí thải nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% cho giai đoạn 2011 – 2020 và từ 35% - 45% cho giai đoạn 2020 – 2030; giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt khoảng 42% - 45% trong giai đoạn 2010 – 2020 và 80% trong giai đoạn 2020 – 2030. Ngoài ra, 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải...

Tháng 11-2010, khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, Giáo sư Micheal Porter, một trong những giáo sư nổi tiếng về chiến lược cạnh tranh của Trường Đại học Harvard (Mỹ) đã phát biểu: “Xu hướng tương lai của người tiêu dùng toàn cầu là chăm sóc sức khỏe, ăn sạch, ở sạch, được sống trong môi trường trong lành và an ninh. Xu hướng tiêu dùng cũng chính là xu hướng của nền kinh tế vì phát triển kinh tế để phục vụ nhu cầu của con người”. Phát biểu đó trùng với định hướng “Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.” vì con người, lấy con người làm trung tâm của Việt Nam.


Với quan điểm phát triển đúng đắn, với sự đồng thuận cao trong xã hội, với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, hướng tới một nền Kinh tế Xanh vì hạnh phúc con người./.

Nguyễn Vũ Cân

Theo dangcongsan

____________________________________________________________________________

Lịch sử ngày Ngày Môi trường thế giới 5 tháng 6

 

- Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường Thế giới 5 tháng 6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.

Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.


Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và lôgô sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu. Ngày Môi trường thế giới ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước, bằng chứng là số nước hưởng ứng sự kiện này ngày càng tăng, danh sách các thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng ngày càng nhiều.

Các thành phố đăng cai tổ chức các hoạt động quốc tế nhân Ngày Môi trường thế giới (tính từ năm 1987)Các thành phố đăng cai tổ chức các hoạt động quốc tế nhân Ngày Môi trường thế giới (tính từ năm 1987)

2006 Angiê Angiêri
2005 San Francisco Hoa Kỳ
2004 Bacelona Tây Ban Nha
2003 Beirut Li băng
2002 Thẩm Quyến Trung Quốc
2001 Torino/Habana Italia/Cuba
2000 Adelaide Ôxtrâylia
1999 Tokyo Nhật Bản

1998 Moscow Liên Bang Nga
1997 Seoul Hàn Quốc
1996 Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ
1995 Pretoria Nam Phi
1994 London Vương Quốc Anh

1993 Bắc Kinh Trung Quốc
1992 Rio de Janeiro Braxin
1991 Stockholm Thuỵ Điển
1990 Mexico City Mehicô
1989 Brussels Bỉ
1998 Băng cốc Thái Lan
1987 Nairobi Kenya

 


Các hoạt động được lập kế hoạch từ trước hoặc trong quá trình tổ chức Ngày Môi trường thế giới rất đa dạng. Ngày Môi trường thế giới “chính là sự kiện của người dân” với các hoạt động đa dạng, phong phú, như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thi và làm sạch môi trường.


Ngày Môi trường thế giới còn là một sự kiện “trí tuệ”, nó tạo cơ hội để tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn về việc gìn giữ sự trong lành của môi trường vì lợi ích của các thế hệ mai sau. Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò quan trọng; sự kiện này còn tạo cảm hứng cho hàng nghìn nhà báo trên thế giới để viết về môi trường.

Nhiều cam kết đã được long trọng tuyên bố, kết qủa là nhiều cơ quan quản lý môi trường và quy hoạch kinh tế của chính phủ đã được thành lập.

Ngày Môi trường thế giới còn tạo cơ hội để ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế về lĩnh vực môi trường. Đồng thời, tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Các công chức địa phương, vùng và chính phủ, các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng môi trường sẽ đưa ra các công bố và cam kết chăm sóc trái đất của chúng ta.

Ví dụ, năm 1994, Tổng thống Fidel Ramos của Philipin đã kêu gọi người dân nước mình tạm dừng trong chốc lát vào 12 giờ trưa ngày 5 tháng 6 để “nghĩ tới việc làm sạch môi trường, nghĩ tới màu xanh, với sinh lực vốn có và niềm phấn khích, phục hồi lại nguồn năng lượng mà chúng ta vay của thiên nhiên.”

  • Kiều Minh

_________________________________________________________________________________________________

 

Hoàng Sa - Trường Sa biển đảo thiêng liêng” của người Việt Nam. (25/05/2012)

 

- THÀNH LUÂN (Báo điện tử - Đại đoàn kết)

 

Trong khán phòng nhỏ, chỉ khoảng vài chục sinh viên cùng một số nhà khoa học và sử gia, tuy nhiên không khí buổi tọa đàm luôn nóng bỏng với các chia sẻ, tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cùng các diễn biến mới nhất trên Biển Đông.

PGS.TS Đặng Văn Thắng: "Rất cần những buổi tọa đàm để sinh viên có điều kiện trau dồi kiến thức

lịch sử xây dựng và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”

Ảnh: HỒNG PHÚC

Ngày 24-5, Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Khoa Lịch sử (ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) tổ chức buổi tọa đàm: "Hoàng Sa – Trường Sa biển đảo thiêng liêng”. Đây là buổi tọa đàm đặc biệt, vì diễn giả đồng thời chính là nhân vật trực tiếp tham gia chuyến công tác tại Trường Sa vào dịp cuối tháng 4-2012 vừa qua.

Trước đông đảo sinh viên có mặt tại buổi tọa đàm, PGS.TS Hà Minh Hồng – Chủ nhiệm khoa Lịch sử ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh cho biết: ông rất vinh dự khi được mời tham gia chuyến công tác Trường Sa vừa qua. Thầy Hồng tâm sự: dù đã nghiên cứu rất nhiều về biển đảo trên Biển Đông trước đây, nhưng chuyến đi đã cho thầy những trải nghiệm vô cùng quý giá. "Chúng tôi được tham gia lễ chào cờ xúc động trước cột mốc chủ quyền; dự lễ viếng chùa, viếng mộ liệt sĩ; đến thắp hương trước tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sau đó, đoàn lên đèn biển để quan sát toàn cảnh; có nhóm lại phát hiện cột chủ quyền cũ do chính quyền Sài Gòn xây dựng từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, giờ vẫn được gìn giữ trong khuôn viên trạm khí tượng dưới bóng những cây chuối, đủ đủ xanh um...”.

Được trực tiếp lắng nghe những trải nghiệm thực tế ở Trường Sa, nhiều sinh viên có mặt tại buổi tọa đàm hết sức phấn khởi. Khán phòng mỗi lúc một đông hơn, những bạn trẻ chăm chú theo dõi và mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình. Trương Tấn Minh - Sinh viên năm 1, Khoa Lịch sử, chia sẻ: hiện nay trên nhiều diễn đàn mạng có rất nhiều các thông tin xung quanh các tranh chấp trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, những thông tin không thống nhất về số liệu và sinh viên khi muốn tìm hiểu thì không biết nên tin tưởng vào nguồn thông tin nào.

Phạm Thị Minh Trang (20 tuổi) - Hội viên Chi hội Khoa học Lịch sử Lê Quý Đôn (Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh) thì tâm sự: hằng ngày được xem các phóng sự truyền hình liên quan đến quần đảo Trường Sa thì em đều say sưa theo dõi. Thời gian gần đây, căng thẳng tại bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng phức tạp, trong khi các nước ASEAN vẫn chưa có các chính kiến. Em lo ngại nếu các nước trong khu vực không đoàn kết đấu tranh trực diện trên cơ sở luật pháp quốc tế đã công nhận thì tương lai của tự do hàng lưu thông hải quốc tế sẽ bị tác động rất lớn.

Cùng quan tâm tới những vấn đề nóng bỏng hiện nay trên Biển Đông, Nguyễn Văn Chiến - Sinh viên năm 2, Khoa Lịch sử, thắc mắc về khả năng liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh trên Biển Đông hay không, khi Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động khai thác hải sản, dầu khí, tuần tra kiểm soát trên Biển Đông... Nhiều sinh viên cũng đề nghị được biết thêm các thông tin xung quanh điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành các quần đảo, cũng như cuộc sống của lính đảo Trường Sa, về nhiệm vụ của các anh nơi đầu sóng ngọn gió...

Chia sẻ với sinh viên, PGS. TS Hà Minh Hồng cho biết: tình hình hiện nay tiềm ẩn khả năng tranh chấp ở quy mô nhỏ giữa nhiều bên, nhưng khó xảy ra chiến tranh vì các bên đều ý thức nếu xảy ra thì bên nào cũng thiệt. Đáng quan ngại là hiện giữa các nước có tranh chấp thiếu một cách giải quyết chung, phương hướng chung (do quyền lợi dân tộc cao hơn quyền lợi chung ở biển). Chính vì vậy, xu hướng duy trì tình trạng hiện tại và chạy đua vũ trang sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, các bạn trẻ cũng được lắng nghe những chia sẻ quý báu của PGS. TS Đặng Văn Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá xung quanh các kiến thức lịch sử xây dựng và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như đời sống cư dân và sinh hoạt của những người lính đảo hiện nay. Theo anh Chung Đại Vũ – Chi hội trưởng Chi hội Khoa học Lịch sử Lê Quý Đôn, trong thời gian tới các chương trình tọa đàm, giao lưu với sinh viên về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa sẽ tiếp tục được Chi hội tổ chức nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên ngày càng ý thức hơn nữa về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.


___________________________________________________________

 

Những “mầm sống” ở Trường Sa

Hồng Ngọc (Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam)


(ĐCSVN) – Lần đầu tiên đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp một thị trấn nhỏ giữa biển khơi đầy nắng, gió và vị mặn mòi của biển; quanh năm nghe sóng vỗ hòa vào tiếng hát ru, tiếng trẻ em học chữ và cười đùa...

Xóm dân sinh trên đảo Trường Sa Lớn

Ai từng đến đảo Trường Sa Lớn đều muốn đến thăm những ngôi nhà hạnh phúc của các gia đình sinh sống tại đây. Trường Sa Lớn hôm nay ngày càng phát triển với những căn nhà mái ngói đỏ au, đồng kiến trúc và đảm bảo khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của bão tố. Mỗi căn nhà rộng khoảng 100m², có 3 phòng và công trình phụ được thiết kế khép kín. Trước mỗi căn nhà đều có mảnh vườn nhỏ trồng rau xanh, trồng cây ăn quả như đu đủ, chuối… và chuồng chăn nuôi gà, vịt. Dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhưng những căn nhà nhỏ nơi đây luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và hơi ấm tình người.

Thị trấn Trường Sa. Ảnh : HN

Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi hộ gia đình và sự quan tâm, hỗ trợ từ đất liền, các gia đình ở đảo đều có tủ lạnh, ti vi… Ngoài ra, hệ thống năng lượng sạch và trạm phát sóng điện thoại Viettel, mạng thông tin VSAT cũng giúp người dân có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, liên lạc với người thân trong đất liền dễ dàng hơn.

Người dân trên đảo làm công nhân hợp đồng cho UBND thị trấn, khai thác đánh bắt hải sản, chăn nuôi, trồng rau và cây ăn quả để tăng gia sản xuất. Chị em phụ nữ sau thời gian làm việc tại cơ quan lại về nhà lo bữa cơm gia đình, chăm sóc vườn rau, đàn gà, vịt, còn những người đàn ông trong gia đình ra biển đánh bắt hải sản. Để phát triển cuộc sống của các hộ gia đình, UBND thị trấn đã tạo điều kiện bà con ra biển đánh bắt hải sản và thu mua theo giá thỏa thuận.

Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Yên - Trần Thị Hoa vẫn còn nhớ cảm xúc đầu tiên khi cùng 2 đứa con nhỏ ra lập nghiệp ở thị trấn Trường Sa. Chị tâm sự: "Khi mới ra đảo, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do chưa quen với điều kiện sống tại đây. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo thị trấn Trường Sa và các anh bộ đội trên đảo, cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chúng tôi thực sự yên tâm tiếp tục vun đắp cho cuộc sống lâu dài trên đảo". Chị vui vẻ khoe với chúng tôi những tấm bằng khen của các con, trong đó có bức ảnh con gái lớn của chị, bé Mi Sen (10 tuổi) năm 2010 đã được vào đất liền đón Trung thu và gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Giữa ngàn khơi nắng và gió nơi đây, 7 hộ dân sinh sống trên thị trấn Trường Sa, thực sự là những bông hoa góp phần quan trọng trong việc xây dựng cuộc sống trên đảo. 7 cặp vợ chồng đang sinh sống trên đảo, không chỉ minh chứng cho sự sinh tồn của một thị tứ, nơi ươm mầm những chiến sĩ hải quân nhí, mà còn là sự tiếp nối thế hệ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa biển Đông.

“Mầm sống" nơi đảo xa

Đặt chân đến thị trấn Trường Sa, mọi người đều có chung cảm nhận về những đứa trẻ nơi đây. Chúng ngây thơ, trong sáng và hiếu khách đến ngỡ ngàng. Dù gặp lần đầu tiên, các em chào đón các vị khách tới thăm đảo với nụ cười rạng rỡ như với người thân lâu ngày gặp lại và ríu rít dẫn khách đi tham quan hòn đảo của mình. Các em háo hức giới thiệu từng ngôi nhà, từng loại cây, kể chuyện đi học... Chị Trần Thị Hoa (nhà số 4) tâm sự với chúng tôi, bọn trẻ rất tự hào khi giới thiệu cho khách về ngọn hải đăng, về nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà văn hóa, chùa Trường Sa Lớn...

Các em nhỏ cùng nhau vui chơi sau giờ học. Ảnh : HN

Thị trấn có 11 đứa trẻ, trong đó có 8 em đã đủ tuổi đến trường. Những đứa trẻ mang những cái tên rất đẹp: Đặng Phương Nam, Đặng Bùi Phương Anh, Nguyễn Anh Đức, Võ Văn Hiền, Nguyễn Thị Quỳnh Hương... Chúng cùng học tại Trường tiểu học Trường Sa. Trường chỉ là một căn phòng nhỏ có nhiều cửa sổ, tràn đầy nắng, gió và tiếng sóng vỗ ì ầm. Trường học có 4 khối học với 8 học trò và chỉ có một cô giáo là chị Bùi Thị Nhung. Ở lớp học, các em không học môn khoa học vì chưa có đồ thí nghiệm. Ở đây, các em có nhiều ngày nghỉ lễ hơn vì được đi đón tàu ra thăm đảo. Đi học ở đây, các em không được đi tham quan nhiều như những lớp học trên đất liền, nhưng bù lại, chúng được học những môn học không ở đâu có, như bài học về  tình huống khẩn cấp chống bão...

Cô giáo Bùi Thị Nhung chia sẻ: Những ngày đầu đặt chân đến thị trấn, cô cảm thấy rất hạnh phúc nhưng cũng thấy hồi hộp, lo lắng không biết cuộc sống nơi đây sẽ thế nào, mình có làm tốt công việc dạy học cho các em nhỏ ngoài đảo hay không... Nhưng hiện giờ cô thực sự cảm thấy thoải mái với cuộc sống, công việc dạy học nơi đây. Điều động viên lớn đối với cô, là dù điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, nhiều tài liệu và phương tiện dạy học còn thiếu nhưng các em học sinh rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Hàng tuần, hàng tháng cô đều kiểm tra bài vở và phân loại, nhận xét, đánh giá kết quả học tập.

Điều đáng quý nhất, những đứa trẻ ấy rất chăm chỉ học tập, hồn nhiên vui chơi, rất yêu và muốn gắn bó với vùng đất, nơi xung quanh là mênh mông sóng gió gầm gừ. Cô Nhung còn nhớ những lúc tiễn các em học sinh vào đất liền học cấp 2, cả cô và trò đều khóc... Em Võ Viết Hiền, đã ra đảo sinh sống và học tập từ năm 2008, hiện đang học lớp 5 chia sẻ: "Con rất yêu đảo, con muốn được ở lại đảo tiếp, nhưng sang năm con vào lớp 6 rồi nên phải vào đất liền để học lên cấp 2. Con mong sao con được học cấp 2 ngay tại đảo, được gần gia đình, được ở đây cùng các bạn, ở cùng các chú bộ đội... "

Qua ánh mắt của các em, chúng tôi hiểu rằng, những mầm non ấy sẽ mãi xanh tươi ở thị trấn Trường Sa này, những tiếng nói cười  khúc khích và ê a học chữ của trẻ thơ sẽ xua tan đi những nhọc nhằn sóng gió nơi đây. Mỗi em bé sinh ra và lớn lên ở Trường Sa là những mầm sống mới đang vươn lên nắng mưa, gian khó để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, yên bình trên mảnh đất quê hương. Chính điều đó đã khẳng định sự tiếp nối cuộc sống của các thế hệ người Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

______________________________________________________________________________________________________________


Biển Đông và chiến lược biển Việt Nam đến 2020

Đặng Hương (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam)


Một buổi lễ tiếp nhận 21 viên đá đại diện cho chủ quyền 21 đảo ở Trường Sa của Việt Nam,

diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Năm 2011, những chủ đề liên quan đến biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa hay biển và hải đảo của Việt Nam... đã trở nên rất nóng bỏng.

“Nóng” không chỉ bởi nó có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế mà còn bởi đây là vấn đề chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam có hơn 4.200 km2 biển nội thuỷ, có vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với hơn 4.000 hòn đảo và bãi đá ngầm lớn nhỏ. Tính chung, biển Việt Nam khoảng 1 triệu km2. Vì vậy, phát triển kinh tế biển là một trong những trọng tâm kinh tế của Việt Nam.

Chiến lược biển 2020


Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Theo đó, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển...

Tính tới thời điểm này, tỉ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển ước tính chiếm khoảng 48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển...

Mặc dù chiếm tỉ trọng lớn, phát triển kinh tế biển của Việt Nam lâu nay vẫn dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tĩnh từ biển Đông. Đó là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như thủy sản, dầu khí và nhiều loại khoáng sản khác...

Biển Việt Nam có hơn 2.000 loài cá, trong đó có gần 130 loài cá giá trị kinh tế cao và hàng trăm loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, 1.600 loài giáp xác, 2.500 loài thân mềm, cho khai thác 45.000-50.000 tấn rong biển... Doanh số xuất khẩu thủy sản tăng liên tục qua các năm với mức tăng khoảng 15-20% năm.

Chỉ trong 10 năm, thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với doanh số xuất khẩu tăng lên gấp 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 đến 6 tỷ USD năm 2011, hiện Việt Nam trở thành 1 trong 4 cường quốc đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Biển Việt Nam có trữ  lượng dầu khí lớn. Đã thăm dò chủ yếu các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Hồng Ngọc, Rạng Đông, Bunga Kekwa - Cái Nước, Lan Tây... 1,2 tỷ m3 dầu, 2.800 tỷ m3 khí. Theo tính toán của các chuyên gia, tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối.

Còn theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.

Song theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, việc tận dụng lợi thế tĩnh của Việt Nam chủ yếu vẫn theo hình thức khai thác tài nguyên thô, trình độ công nghệ thấp, chưa tạo được giá trị gia tăng lớn cho những ngành kinh tế từ biển. Khai thác hàng hải, cảng biển và du lịch nhìn chung vẫn ở trình độ thấp, sức cạnh tranh còn kém.

Trong khi việc khai thác lợi thế  tĩnh mới ở giai đoạn đầu thì việc tận dụng lợi thế vị trí địa-kinh tế và địa-chiến lược đặc biệt của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chưa tận dụng lợi thế nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á.

Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới đều liên quan đến biển Đông và được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Các nhà phân tích về  biển Đông của Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế biển của Việt Nam cần tận dụng được cả hai lợi thế này nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và vị thế của Việt Nam ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về khai thác tài nguyên và môi trường biển, về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển và bảo vệ biển, đảo....

Thách thức phải đối mặt


Ngoài Việt Nam, biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.

Với những lợi thế sẵn có của mình, biển Đông đang trở thành mục tiêu trong chiến lược “hướng ra biển” của nhiều quốc gia. Đã có những quan điểm bất đồng, những mâu thuẫn căng thẳng hay thậm chí là những tranh chấp về chủ quyền giữa những nước trong khu vực biển Đông, trong đó nổi lên là những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 6/5/2009, Trung Quốc trình tấm bản đồ 9 đường gián đoạn (đường lưỡi bò) trên biển Đông lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. Chỉ sau đó một ngày, tức ngày 7/5/2009, Việt Nam đã lên tiếng phản đổi, bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc có một số điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn hơn trên thực địa, đặc biệt là tại biển Đông. Cùng với đó, 1-2 năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến việc Mỹ quay trở lại khu vực và có một số điều chỉnh chính sách đối với vấn đề an toàn hàng hải và tranh chấp lãnh thổ khu vực. Một số nước ASEAN như Indonesia, Philippines cũng đã bắt đầu có những điều chỉnh chính sách nhất định.

Một sự kiện quan trọng được coi là mở ra những nguyên tắc cơ bản trong giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước đó là thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thỏa thuận này được ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc từ ngày 11-15/10/2011 theo lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

Trên cơ sở đó, Việt Nam chủ trương giải quyết vấn đề trên biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận vừa được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ


(Trích phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 ngày 12/12/2011)


Chúng ta giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời từng bước giải quyết được nhiều vấn đề về biên giới trên bộ và trên biển với các nước có liên quan, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền, mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ta và Trung Quốc đã ký được hiệp định biên giới trên bộ và hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên bộ, ký hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, hiệp định nghề cá vịnh Bắc Bộ, thỏa thuận về tuần tra chung của hải quân hai nước, và mới đây đã ký thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển...

Ta cũng đã ký thoả thuận song phương về hợp tác giải quyết vùng chồng lấn trên biển với từng nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo thuận lợi cho những chương trình hợp tác rộng lớn hơn ở biển Đông trong khuôn khổ các nước ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc.

Chủ trương giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế


(Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu về quan điểm của Việt Nam trong giải quyết những tồn tại trên biển Đông tại Trung tâm Đông-Tây, Mỹ ngày 12/11)


Bất kỳ quốc gia nào, dù  lớn hay nhỏ, cũng đều có ý thức đầy đủ là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mình. Việt Nam nói riêng và những thành viên ASEAN nói chung có liên quan đến biển Đông, hay bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, tôi nghĩ rằng cũng có suy nghĩ giống như chúng tôi.

Chúng tôi chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Biển của Liên hiệp quốc năm 1982, và gần đây có một thỏa thuận quan trọng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề biển Đông (DOC). Chúng tôi giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, trên cơ sở luật quốc tế và thông qua đối thoại bằng ngoại giao.

Và chúng tôi luôn luôn tuyên bố phải đảm bảo an ninh hàng hải, tự do hàng hải quốc tế của bất cứ quốc gia nào đi qua vùng biển Đông. Đây không chỉ là luật quốc nội mà còn luật quốc tế, thông lệ quốc tế mà người ta đã thỏa thuận từ nhiều năm nay.

Yêu cầu các bên giữ nguyên trạng


(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII ngày 25/11)

Chúng ta đã làm chủ thực sự hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào. Năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó...

Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Đối với việc thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện UNCLOS 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây mà chúng ta đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.

 



bogddt hethongvb tuyensinh_thi diendan hanhchinh giaotrinhdt taignuyengd
Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật
Cẩm nang điện tử & Thi Tuyển Sinh Diễn Đàn Giáo Dục Thủ Tục Hành Chính Trong Giáo Dục Giáo Trình Điện Tử Tài Nguyên Giáo Dục Và Học Liệu