280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, TP.HCM
ĐT: (+84) - (8) - 38352020 - Fax: (+84) - (8) - 38398946
  
Phòng Công tác Chính trị và Học sinh, sinh viên
Tổng kết 15 năm đào tạo giáo viên theo địa chỉ PDF. In Email
Thứ bảy, 26 Tháng 1 2013 09:01

1. Mở đầu

Vào những năm đầu của thập kỷ 90, sự phát triển về quy mô của giáo dục ở nước ta nói chung, và các tỉnh phía Nam nói riêng, là rất lớn. Sự gia tăng dân số đã dẫn tới gia tăng số học sinh phổ thông, theo đó, nhu cầu về trường lớp, cơ sở vật chất và đặc biệt là đội ngũ giáo viên cũng cần phải được đầu tư phát triển để đáp ứng các yêu cầu giáo dục và đào tạo. Vào thời điểm này, các tỉnh phía Nam đặc biệt ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Nam Trung bộ đã gặp phải một khó khăn rất lớn đó là thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy các bộ môn ở các trường THPT.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương còn thiếu nhiều giáo viên như Bình Thuận, Lâm Đồng, … đã báo cáo Bộ giáo dục và Đào tạo, đề nghị Bộ cho phép các địa phương ký hợp đồng với các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên. Trước tình hình đó, căn cứ vào Nghị quyết Trung Ương 2 về giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Đại học Quốc gia TP. HCM (khi đó Trường đang là thành viên của đại học Quốc gia TP. HCM) báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường được kí hợp đồng và tổ chức tuyển sinh, đào tạo giáo viên theo địa chỉ để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Ngày 29 tháng 9 năm 1997, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), đã ký công văn số 8489/KHTC về việc đào tạo giáo viên cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là cho một số tỉnh ở vùng sâu vùng xa hiện còn thiếu nhiếu giáo viên. Thực hiện chỉ đạo đó, từ tháng 10 năm 1997, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu cụ thể. Đây là mô hình đào tạo giáo viên theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu về đội ngũ giáo viên từng bộ môn bằng nguồn kinh phí của địa phương, với phương thức ký kết hợp đồng giữa Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh với các Sở Giáo dục và Đào tạo.

2. Về công tác tổ chức đào tạo.

Chương trình đào tạo:

Xác định tiêu chí quan trọng nhất của quá trình tổ chức đào tạo là phải đảm bảo chất lượng, Trường ĐHSP Tp.HCM đã chủ trương áp dụng đúng chương trình đào tạo của các hệ chính qui tập trung bằng ngân sách Trung Ương cho các lớp đào tạo theo địa chỉ này. Bên cạnh đó, do điểm chuẩn đầu vào của các sinh viên có thấp hơn điểm chuẩn của hệ chính quy đào tạo theo ngân sách Trung Ương (nhưng vẫn đảm bảo cao hơn hoặc bằng điểm sàn theo quy định của Bộ GD&ĐT), nên với các lớp này, Trường tổ chức cho sinh viên học thêm một số học phần để củng cố kiến thức phổ thông, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi cho các sinh viên khi tiếp cận các học phần chính thức tiếp theo trong chương trình đào tạo của mình.

Thời gian đào tạo:

Như đã nói ở trên, do phải bố trí cho sinh viên học thêm một số học phần bổ sung nên thời gian đào tạo của các lớp đào tạo theo địa chỉ này được kéo dài thêm 01 năm so với thời gian đào tạo chuẩn 04 năm của các chương trình.

Ở năm đầu tiên, các sinh viên được bố trí học các học phần củng cố kiến thức phổ thông kết hợp với một số học phần chính thức trong năm thứ nhất của chương trình đào tạo. cách tổ chức này vừa giúp sinh viên được củng cố kiến thức vừa giúp sinh viên có thể kéo dãn chương trình học chính thức của mình. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho sinh viên tiếp cận và hoàn thành chương trình đào tạo của ngành học.

Địa điểm đào tạo:

-         Thời gian đầu Trường tổ chức đào tạo tại các địa phương, cụ thể tại các Trường Cao đẳng Sư phạm, hoặc các Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Việc tổ chức đào tạo tại địa phương có lợi cho người học, gia đình và địa phương về mặt kinh tế, sinh viên gắn bó với địa phương. Tuy nhiên đào tạo ở tại địa phương cũng gặp nhiều bất lợi, khó khăn như: Thời gian học bị dồn nén, học liên tục một hoặc hai học phần, thiếu phương tiện, tài liệu học tập (thư viện, phòng thí nghiệm…), việc đưa đón giảng viên, bố trí ăn, ở cũng gặp khó khăn.

-         Từ năm 2002, sau Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên theo địa chỉ”, phần lớn các lớp đã được chuyển về tổ chức đào tạo tại Trường ĐHSP Tp.HCM. Điều này tạo thuận lợi lớn trong việc tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo, vì thế, cũng được đảm bảo tốt hơn.

Tổ chức thực tập Sư phạm:

Để sinh viên có điều kiện tìm hiểu tình hình giáo dục ở địa bàn sau khi tốt nghiệp về công tác, Trường đã phối hợp với các Sở Giáo dục  và Đào tạo đưa sinh viên của tỉnh về địa phương thực tập cả đợt 1 và đợt 2. Đây có thể nói là một phương án tối ưu. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã giúp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chọn những Trường THPT có đủ điều kiện, đủ đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm để hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm, từ đó giúp sinh viên hình thành ý thức và tình cảm nghề nghiệp phúc vụ sự nghiệp giáo dục của quê hương.

3. Về kết quả đào tạo
Số lượng tuyển sinh và đào tạo

Trong 15 năm qua, Trường đã và đang tiến hành đào tạo cho 16 tỉnh phía Nam  với số lượng đã tuyển sinh: 6983 sinh viên, trong đó tỉnh nhiều nhất là Bình Thuận với số lượng 1217 sinh viên, tỉnh ít nhất là Đồng Tháp: 59 sinh viên (Xem bảng chi tiết ở phụ lục 1).

Từ năm 2002 đến 2012 đã có 11 khóa tốt nghiệp. Tổng số sinh viên đã tốt nghiệp 6236 sinh viên, đạt tỷ lệ 92.69%. (Xem bảng chi tiết ở phụ lục 2, phụ lục 3).

Đánh giá chất lượng đào tạo

Qua báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo thì hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đã nhận nhiệm sở, giảng dạy đúng chuyên môn. Sau 15 năm hợp đồng với các trường sư phạm để đào tạo giáo viên, hiện nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo hiện này cũng đã gần đủ giáo viên để bố trí biên chế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua phân tích, đánh giá, Trường nhận thấy chất lượng đầu ra của các sinh viên được đào tạo theo địa chỉ là tốt, đáp ứng cơ bản chuẩn đầu ra các ngành học của Trường và có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để có thể đảm bảo tốt vị trí công tác tại địa phương. Các báo cáo của các Sở GD&ĐT địa phương mà Trường nhận được cũng đều khẳng định điều này.

4. Kết luận

Có thể nói mô hình đào tạo giáo viên theo địa chỉ là một mô hình tốt, tích cực để tháo gỡ những khó khăn cho ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua. Mô hình này cũng đã được nhân rộng ra cả nước.

Hiện tại, Trường cũng đang còn hợp đồng với một số Sở GD&ĐT để tiếp tục đào tạo giáo viên theo địa chỉ. Trường tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các Sở GD&ĐT để hoàn thiện hơn nữa công tác đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng những nhu cầu thực tế của các địa phương.

 

Một số hình ảnh của buổi Hội nghị

 



bogddt hethongvb tuyensinh_thi diendan hanhchinh giaotrinhdt taignuyengd
Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật
Cẩm nang điện tử & Thi Tuyển Sinh Diễn Đàn Giáo Dục Thủ Tục Hành Chính Trong Giáo Dục Giáo Trình Điện Tử Tài Nguyên Giáo Dục Và Học Liệu