French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Tin tức-Sự kiện BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC: Giải pháp nào khả thi?
BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC: Giải pháp nào khả thi? PDF. In Email
Thứ sáu, 09 Tháng 9 2016 11:34

Muốn đổi mới phương pháp (PP) dạy học ở phổ thông thì trước hết phải thực hiện hướng dẫn cho GV con đường, cách thức để đổi mới. Nếu tay nghề của các GV có điểm xuất phát giống nhau thì việc bồi dưỡng dổi mới PP dạy học khá đơn giản. Tuy nhiên trong thực tế, cũng giống như một lớp học với nhiều đối tượng, trình độ tay nghề, năng lực của các GV thường không đồng đều. Vì vậy, để bồi dưỡng GV thẩm thấu tốt về PP giảng dạy quả không đơn giản.

TỪ ĐIỂM XUẤT PHÁT LÀ TRƯỜNG SƯ PHẠM

PP dạy học ở các trường sư phạm có ảnh hưởng rất lớn đến PP dạy học ở trường phổ thông. Ở trường sư phạm, SV phải được tiếp cận với PP dạy học mới dựa trên cơ sở phát huy tích cực độc lập của người học, thì sau này khi ra trường, mới vận dụng được vào trong công tác giảng dạy của mình. Ngược lại, nếu ở trường sư phạm, SV mới chỉ quen với lối dạy học thụ động, truyền thụ một chiều, thì sau này, cách thức truyền thụ đó sẽ được họ truyền thụ ở trường phổ thông.

Câu chuyện cách đây 4 năm về một cô giáo dạy văn ở một trường chuyên ở Hà Nội không biết giải quyết tình huống học sinh đưa ra khi giải nghĩa “canh gà Thọ xương” là một bài học cho những GV trẻ từ trường sư phạm đi ra chưa tiếp cận được với thực tế bài giảng không phải hi hữu. Trong thực tế, các GV mới ra trường hay mắc phải khiếm khuyết khi lên lớp là bị động vào kiến thức sách vở, ít thoát ly được tài liệu, SKG sẵn có. Cô giáo N.T.T.A tốt nghiệp ĐHSP về giảng dạy tại một trường THPT ở Quảng Ngãi tâm sự: “Tuần lễ đầu tiên lên lớp, em cảm thấy vô cùng căng thẳng. Dù đã chuẩn bị khá đầy đủ bài giảng, tư liệu minh họa, đèn chiếu mà học sinh vẫn rất ít tập trung; khi kiểm tra lại kiến thức tỏ vẻ rất lơ mơ”. Một GV THCS khác, sau một học kỳ thực dạy tâm sự: “Em nhận ra mọi việc như thể mới bắt đầu. Ở trường SP, bọn em cũng có giáo học pháp, nhưng phần lớn là lý thuyết, khi thực hành thì PP giảng dạy cũng trên cơ sở lý thuyết sẵn có. Còn khi đi thực tập thì có dự giờ một số tiết của GV, lại thấy khác xa PP được học ở trường SP. Còn lại thì GV giao luôn lớp cho bọn em dạy, rất ít chỉ dẫn một cách cụ thể”.

SV ở trường sư phạm dù có kiến thức nhiều đến đâu mà không có năng khiếu sư phạm thì cũng khó mà trở thành GV dạy giỏi trên lớp. Cụ thể là họ phải thu hút được HS ngay từ phong cách giao tiếp đến cách truyền thụ kiến thức dễ hiểu và biết phát huy tính tích cực hoạt động của HS. HS thường không thích những GV khi lên lớp thiên về giáo huấn hay “đọc chép”, “chiếu chép” một cách thụ động; bởi những GV như vậy thường gây không khí trầm lắng có phần căng thẳng trong giờ học.

Không có lời giải đáp khác hơn cho câu hỏi vì sao SV mới ra trường không đáp ứng ngay được những yêu cầu về đổi mới đặt ra ở trường phổ thông, đó là: độ chênh lớn giữa thực hành và lý thuyết. Nghĩa là, phần lớn thời lượng lên lớp của GV vẫn chỉ tập trung vào lý thuyết. Thời gian đi thực tập sư phạm còn hạn hẹp. PP thực hành cho SV sư phạm ở trường phổ thông còn nhiều hạn chế, bất cập…

Chính vì vậy, việc tăng cường bồi dưỡng đổi mới PP giảng dạy cho GV từ trường sư phạm là rất cần thiết.  PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Hiêu trưởng trường ĐHSP Đà Nẵng từng đưa ra ý kiến rất thuyết phục: “Đối với các GV sư phạm được đào tạo “một mạch” từ cử nhân đến TS, mặc dù đội ngũ này có học vị, có kiến thức lý thuyết, nhưng thiếu thực tế nghề nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia GD đại học và chưa có sức thuyết phục cao với GV phổ thông, cần giao cho họ nghiên cứu sâu về lý luận dạy học đại học, đến với trường phổ thông để tìm hiểu, nghiên cứu thực tế và trải nghiệm… Đối với những GV được tuyển dụng không từ các trường sư phạm, cần triển khai cho đội ngũ này tham gia ngiên cứu GD phổ thông trong 1 đến 2 năm, sau đó mới đi học tiếp các trình độ cao hơn. Để bắt nhịp tốt với đổi mới ở hệ phổ thông, yêu cầu SV sư phạm phải tham gia công cuộc đổi mới phổ thông theo yêu cầu của CT, SGK mới, bao gồm trước hết các nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng GD PT; nghiên cứu năng lực người GV, cán bộ quản lý GD, nghiên cứu mô tả năng lực người GV/CBQL GD”.

Một số trường sư phạm trọng điểm hiện nay rất coi trọng việc gắn kết các trường phổ thông để tăng cường khả năng vận dụng đổi mới PP dạy học trên lớp của GV như các trường ĐHSP tại Huế, Đà Nẵng, TPHCM. SV trường ĐH Sư phạm Đà nẵng được học trong phòng thực hành có tất cả các thiết bị, phương tiện hiện đại, bảng điện tử, máy chiếu vật thể, hệ thống camera, đầu ghi… Sau khi GV dạy, SV thực tập xong, có thể lấy được đĩa CD ghi lại tất cả các âm thanh, hình ảnh để GV, SV tự kiểm tra lại quá trình dạy trên lớp.

BỒI DƯỠNG, TRAU DỒI THƯỜNG XUYÊN ĐỂ BẮT NHỊP ĐỔI MỚI

Nhiệm vụ đổi mới PP dạy học cơ bản vẫn là của các đơn vị sở, phòng và các trường phổ thông. Khoảng hai thập niên trước (những năm 1990), không khí sinh hoạt chuyên đề đổi mới dạy học khá có sinh khí. Dù đời sống kinh tế lúc bấy giờ còn gặp nhiều khó khăn nhưng phần lớn các GV đều có ý thức nhiệt tình với PP dạy học hướng đến “thầy chủ đạo, trò chủ động”, phát huy tính tích cực học tập của HS. Tuy nhiên, do công nghệ thông tin (CNTT) thời bấy giờ chưa phát triển, GV lên lớp chủ yếu dựa vào giáo án viết tay nên vẫn còn một bộ phận GV bám theo lối dạy truyền thụ kiến thức một chiều là “thầy đọc, trò chép” hoặc có tiến bộ hơn là “thầy giảng, trò chép” dẫn tới kết quả thủ tiêu tính sáng tạo của HS. Mỗi tháng một lần, tổ chuyên môn có hội họp để bàn một chuyên đề nào đó nhằm đổi mới PP dạy học nhưng chủ yếu vẫn là dự giờ, thao giảng xong góp ý rút kinh nghiệm có tính đối phó. Hình thức phản biện trong chyên môn còn rất hạn chế.

Trước thực trạng nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường khắc phục lối dạy từ chương, lý thuyết, chuyển sang thực hành, vận dụng kiến thức, phát huy tính sáng tạo của HS trong học tập. Các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn được trao đổi, thảo luận tại các lớp bồi dưỡng chuyên đề về đổi mới từ cấp sở tới cấp trường với một không khí thật sự cởi mở, thẳng thắn.

Tuy nhiên, kết quả mang lại không hoàn toàn giống nhau, mà tùy thuộc vào khả năng vận dụng của từng CBQL chuyên môn, từng GV. Tồn tại một bộ phận không nhỏ có quan niệm sai lầm, cho rằng phải loại bỏ hoàn toàn PP truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập. GV chưa hiểu đúng về đổi mới PP: không phải là thủ tiêu PP cũ, mà là cải tiến nhược điểm, nâng cao hiệu quả học tập, vận dụng của HS. Để nâng cao hiệu quả thì người giáo viên trước hết cần nắm vững những yêu cầu và sử dụng thành thạo các bước chuẩn bị cũng như tiến hành bài lên lớp một cách vừa khoa học, vừa nghệ thuật, từ kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài mới, đến trình bày, giải thích trong khi thuyết trình, các câu hỏi và xử lý các câu trả lời trong đàm thoại, xử lý các tình huống đặt ra trên lớp, kỹ năng thực hành, luyên tập…

Bước vào thời kỳ CNTT phát triển, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT được xem là chất xúc tác của đổi mới PP. Việc sử dụng các phần mềm dạy học cũng như các phương pháp dạy học sử dụng mạng điện tử (E-Learning) nhằm tăng cường tính trực quan và thí nghiệm, thực hành trong dạy học, giúp HS bài học trực quan hơn, HS nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số GV chậm theo kịp ứng dụng máy móc, thiết bị CNTT, vận dụng máy móc hình thức “chiếu chép”, lên bục giảng bằng giáo án điện tử vay mượn, chứ không nhập tâm được vào bài giảng. Mô hình trường học mới (VNEN); Dạy học bằng bản đồ tư duy; PP bàn tay nặn bột… đều nhằm phát huy tính tích cực sáng tạo của HS. Nếu có hạn chế thì do các yếu tố tác động từ điều kiện dạy và học, mà yếu tố chính vẫn là năng lực người thầy giáo.

Dù có đổi mới tới đâu cũng không có một PP chung cho mọi GV. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến PP dạy học sao cho mỗi giờ lên lớp là một lần được khám phá, sáng tạo hơn.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Nguồn thông tin: Báo Giáo dục và Thời đại (Số 195, thứ 2 ngày 15/08/2016)

 


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD