French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Trường Trung học Thực Hành-Khối chuyên ĐHSP
“Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển giáo dục mũi nhọn; rèn luyện năng lực vận dụng sáng tạo của học sinh vào thực tiễn cuộc sống”
  
CÂU CHUYỆN MÌ ĂN LIỀN PDF. In Email
Thứ ba, 01 Tháng 11 2016 16:38

Tên: Võ Minh Anh

Lớp: 11.5

BÀI VIẾT CỘNG TÁC CHO WEBSITE TRƯỜNG THTH ĐHSP

Câu chuyện về mì ăn liền

Nguồn: http://kenh14.vn/kham-pha/my-an-lien-sieu-phat-minh-cho-cuoc-song-hien-dai-201084115512649.chn

Mỳ ăn liền (instant noodle) được người Nhật coi là biểu tượng về nền văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Trong một cuộc thăm dò, người dân Nhật Bản còn xếp phát minh này lên ngôi số một, trên cả các phát minh lừng danh như karaoke, máy nghe nhạc Walkman, máy trò chơi điện tử Nintendo cũng của người Nhật.

Người sáng chế ra món ăn vô cùng tiện lợi này là ông Momofuku Ando còn được gọi là "Vua mỳ ăn liền" hoặc "Cha đẻ của mỳ ăn liền(Noodles papa). Ông đã từng có tên trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở châu Á do Tạp chí Time Asia bình chọn.

Momofuku Ando là người Nhật gốc Trung Quốc, sinh năm 1910 tại Đài Loan, khi đó là thuộc địa của Nhật.

Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, Ando sống với ông bà, lớn lên cậu bé bắt đầu làm việc trong cửa hiệu bán vải lụa của ông nội tại thành phố Đài Nam, miền Nam đảo Đài Loan.

Năm 22 tuổi, Ando sử dụng tài sản thừa kế từ cha mẹ làm vốn mở một công ty kinh doanh sợi dệt. Hồi ấy, do ít người buôn hàng dệt kim nên công ty của ông có điều kiện ăn nên làm ra. Nhờ thế, một năm sau, Ando đã đủ vốn sang Nhật Bản mở công ty ở Osaka, thành phố lớn thứ hai nước này, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Đồng thời ông cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan ở đây.

Cuối thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, các đợt ném bom rải thảm của quân đội Đồng Minh đã san bằng thành gạch vụn hầu như tất cả các đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật, trong đó có nhà máy và cửa hiệu của Ando.

Nền kinh tế cả nước bị tàn phá thảm hại chưa từng thấy, hàng chục triệu người không có việc làm; lương thực và năng lượng như điện, than, dầu đều vô cùng khan hiếm. Không chịu bó tay chờ sự cứu tế của người Mỹ, Momofuku Ando chuyển sang kinh doanh hàng bách hóa và thực phẩm.

Năm 1948, ông thành lập công ty thực phẩm Nissin. Hồi ấy, Nhật Bản thiếu thốn lương thực, hầu hết ăn bột mỳ do Mỹ viện trợ, mặc dù thực phẩm quen thuộc là  gạo. Chính quyền Nhật đề chủ trương dùng bột mỳ làm thành bánh mỳ và phát động phong trào khuyến khích toàn dân làm và ăn bánh mỳ theo kiểu người Âu Mỹ cho nhanh và tiện, đỡ phải đun nấu tốn thời gian và nhiên liệu, là thứ hồi đó rất khan hiếm. Ando không tán thành cách làm ấy, ông cho rằng nên khuyến khích dùng bột mỳ làm thành một dạng mỳ sợi ăn liền, vì dân Nhật hàng ngàn năm nay đã quen ăn gạo và mỳ sợi rồi.

Những khi thấy người ta xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết để chờ mua một tô mì nóng,Ando cứ băn khoăn với ý nghĩ nếu có thể làm ra một loại mỳ sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay thì tiện biết bao.

Khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay. Một lần để ý thấy bà vợ dùng dầu xào nấu thức ăn, ông nảy ra ý nghĩ mình cũng dùng dầu chiên cho sợi mỳ nở ra thì nó sẽ nhanh chóng hút nước. Nhưng Ando cũng phải thí nghiệm hàng trăm lần mới thành công. Để sợi mỳ có vị ngon, ông ngâm nó vào loại soup nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô.

Cuối cùng vào ngày 25/8/1958, Ando sản xuất thành công lô mỳ ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin Ramen (Chikin nói lái theo "chicken").

Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để một lúc là ăn được ngay, rất tiện cho người Nhật thời buổi khó khăn bấy giờ; vì thế bán rất chạy.

Hơn nữa vào hồi ấy, nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa, ai nấy đều thiếu thời gian, do đó thực phẩm ăn liền ngày càng được tiêu thụ nhiều.

Để sản xuất với quy mô lớn, tháng 12 năm ấy, Ando mở rộng công ty Thực phẩm Nissin Food Products Co. Thật may cho ông, khi đang thiếu vốn thì năm sau, hãng Mitsubishi, một tập đoàn công nghiệp khổng lồ ở Nhật nhảy vào hỗ trợ quảng bá món ăn nhanh này, giúp cho mì Ramen mau chóng tăng sản lượng nhiều lần trong một nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa.

Để giữ uy tín sản phẩm của mình, Ando làm đơn xin đăng ký thương hiệu và bằng sáng chế. Năm 1962, công ty ông được chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mỳ ăn liền. Sau đó Ando gửi công văn cảnh cáo các công ty làm nhái sản phẩm của ông.

Nhưng đến năm 1964, Ando lại có một cử chỉ hào hiệp là chấm dứt độc quyền sản xuất mỳ ăn liền, thành lập Hội Công nghiệp Mỳ sợi Nhật Bản (Instant Food Industry Association) và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi.

Ông bắt đầu nghĩ rộng hơn, tới chuyện bán sản phẩm ra nước ngoài. Trong chuyến thăm dò thị trường Mỹ năm 1966, Ando quan sát thấy người Mỹ khi ăn thì dùng thìa nĩa và đĩa chứ không dùng đũa và bát như người Nhật.

Ông nảy ra ý định đóng gói mỳ ăn liền vào trong những chiếc cốc to bằng giấy dày không thấm nước, đổ nước sôi vào một lúc là ăn được, mỳ ăn liền phiên bản này siêu tiện dụng.

Năm 1970, Nissin mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ. Ngày 18/9/1971, Mỳ ăn liền Nissin đựng trong cốc (Cup Noodle) lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Sản phẩm của Nissin bắt đầu chiếm lĩnh thị trường bên ngoài Nhật Bản. Đến năm 2005 thì toàn thế giới đã tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền, bình quân tiêu thụ mỗi người 12 gói, trong đó Nissin chiếm thị phần lớn nhất, với 10 tỉ gói. Cũng trong năm 2005, công ty Nissin còn cung cấp mì ăn liền cho nhà du hành vũ trụ người Nhật Soichi Noguchi trong chuyến bay trên tàu con thoi Mỹ Discovery lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS.

Ngày 5/1/2007, Momofuku Ando qua đời tại Osaka vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 96 tuổi. Nghe nói cho tới hôm ấy ông hãy còn ăn món Chikin Ramen của mình như thường lệ bao năm qua. Câu nói để đời của Ando là: "Hòa bình sẽ đến với thế giới khi tất cả mọi người có đủ đồ ăn thức uống" và chắc chắn nó sẽ là châm ngôn cho những nhà kinh doanh chân chính mãi về sau.

 


 Tin mới: 

Ra quân đội tuyển học sinh giỏi TP 2019

Ngày 4 – 03 – 2019, Trường trung học Thực hành ĐHSP đã có buổi họp mặt các học sinh giỏi trong đội tuyển HSG cấp TP trước ngày ra quân (đội tuyển Trường THTH gồm 106 thành viên gồm các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa lí, Văn, Anh). Kỳ thi học sinh giỏi cấp TP năm 2019 được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Trưng Vương, Trường THPT Bùi Thị Xuân. Đến dự có...

Kết quả cuộc thi thiết kế logo chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường THTH ĐHSP TP.HCM

Kết quả cuộc thi thiết kế logo chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường THTH ĐHSP TP.HCM STT Tên Lớp Giải 1 Lương Tiểu Vy 10CT Nhất 2 Văn Bội Hân 12CT Nhì 3 Văn Bội Hân 12CT Ba 4 Huỳnh Thiên Kim 10CT KK 5 Đào Võ Minh...
 

 Đang truy cập: 

Hiện có 1505 khách Trực tuyến

 Weblink 

 Truy Cập