French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Phòng Thanh tra đào tạo
  
Những nội dung cơ bản của luật thanh tra năm 2010 - 5 PDF. In Email
Thứ bảy, 07 Tháng 1 2012 15:38
Chỉ mục bài viết
Những nội dung cơ bản của luật thanh tra năm 2010
1
2
3
4
5
6
Tất cả các trang

 

 

3.2. Hoạt động thanh tra hành chính

Theo khái niệm quy định tại Luật Thanh tra thì hoạt động thanh tra hành chính được hiểu như sau:

Thứ nhất, hoạt động thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành, bao gồm các cơ quản lý nhà nước, các cơ quan thanh tra nhà nước, chẳng hạn như: Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các cấp; thanh tra các cấp, các ngành tiến hành.

Thứ hai, đối tượng của thanh tra hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc. Chẳng hạn như bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành hoạt động thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp của bộ, cơ quan ngang bộ; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành thanh tra đối với các sở, ngành cấp tỉnh v.v...

Thứ ba, nội dung của thanh tra hành chính nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức và cá nhân trực thuộc.

Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Nó thể hiện quan hệ trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, kiểm soát giữa cấp trên đối với cấp dưới, giữa cơ quan có thẩm quyền với đối tượng trực thuộc chịu sự quản lý. Mục đích là nhằm xem xét, đánh giá trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có tuân thủ các quy định của pháp luật không. Mặt khác, còn nhằm xem xét, đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao mang tính kế hoạch, chỉ đạo, điều hành giữa cơ quan cấp trên đối với cấp dưới có được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng đắn hay không. Từ khái niệm về hoạt động thanh tra hành chính, Luật thanh tra đã quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra; quyết định thanh tra; thời hạn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Người ra quyết định; báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra, cụ thể như sau:

a) Quyết định thanh tra

-  Thẩm quyền ra quyết định thanh tra

Khi ban hành quyết định thanh tra, người có thẩm quyền phải căn cứ vào kế hoạch thanh tra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu là thanh tra đột xuất thì phải căn cứ vào yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật đã phát hiện được để ban hành quyết định thanh tra. Theo quy định tại Điều 43 của Luật thanh tra thì hoạt động thanh tra hành chính chỉ được thực hiện khi có quyết định thanh tra và do Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. Như vậy, quyết định thanh tra chủ yếu do Thủ trưởng cơ quan thanh tra ban hành. Quy định này đề cao và tăng cường tính tích cực, chủ động theo chức năng của các cơ quan thanh tra nhà nước. Trường hợp vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp hoặc vì lý do cần thiết khác thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra.

-  Nội dung quyết định thanh tra

Để bảo đảm hiệu lực thanh tra, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, khắc phục hiện tượng tuỳ tiện trong việc ban hành quyết định thanh tra, Điều 44 đã quy định cụ thể về nội dung quyết định thanh tra như sau:

- Căn cứ pháp lý để thanh tra: Cơ sở pháp luật,  kế hoạch thanh tra, yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước v.v...

- Phạm vi thanh tra, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra: thanh tra từ thời điểm nào đến thời điểm nào, thanh tra cơ quan, tổ chức nào, thanh tra về vấn đề gì và Đoàn thanh tra có nhiệm vụ gì v.v...

- Thời hạn thanh tra: Việc xác định cụ thể về thời hạn thanh tra là điều rất quan trọng, giúp cho Đoàn thanh tra thấy được khoảng thời gian vật chất để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời phòng ngừa các tình huống phát sinh dẫn đến việc kéo dài thời gian tiến hành.

- Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thành viên khác của Đoàn thanh tra: quyết định phải ghi rõ họ tên của các thành viên Đoàn thanh tra, ai là Trưởng đoàn, phó đoàn (nếu có). Việc xác định rõ tư cách của các thành viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động thanh tra, ngoài ra còn giúp cho Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra làm việc trong quá trình tiến hành thanh tra.

-   Gửi quyết định thanh tra và công bố quyết định thanh tra

Sau khi ra quyết định, cơ quan tiến hành thanh tra phải gửi quyết định thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Việc gửi quyết định thanh tra phải được tiến hành trong khoảng thời gian 5 ngày, kể từ ngày ký quyết định. Đối với các cuộc thanh tra đột xuất thì không áp dụng quy định nêu trên, vì thanh tra đột xuất là những cuộc thanh tra mà cơ quan tiến hành không thể dự tính trước, thường xuất phát từ yêu cầu khách quan của hoạt động quản lý nhà nước, yêu cầu của việc xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm của đối tượng hoặc yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quyết định thanh tra phải được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập biên bản. Như vậy, việc công bố quyết định thanh tra được hiểu dưới hai khía cạnh :

Thứ nhất, Đoàn thanh tra công bố quyết định tại nơi tiến hành thanh tra chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Đây là quy định rất quan trọng vì là mốc thời gian để tính thời hạn tiến hành thanh tra trực tiếp tại cơ sở.

Thứ hai, việc công bố quyết định phải được lập thành biên bản, trong đó phải có xác nhận của Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra, đồng thời là tài liệu của hồ sơ cuộc thanh tra.

b) Thời hạn thanh tra hành chính

Theo quy định tại Điều 45 của Luật thanh tra thì thời hạn cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra cho đến khi kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra, trong đó thời hạn một cuộc thanh tra được tính như sau:

- Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời gian có thể kéo dài hơn nhưng không quá 150 ngày.

- Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày.

- Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, nơi nào đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

- Việc kéo dài thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định.

c) Nhiệm vụ quyền hạn của những người tiến hành thanh tra

-  Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra hành chính

Trưởng đoàn thành tra là người có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của Đoàn thanh tra và quyết định chất lượng cuộc thanh tra. Vì vậy, Luật thanh tra năm 2004 đã trao cho Trưởng đoàn thanh tra những quyền hạn lớn trong quá trình tiến hành thanh tra. Song để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác thanh tra, Luật thanh tra năm 2010 còn bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn mạnh mẽ hơn cho người đứng đầu Đoàn thanh tra: “Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong toả tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản”. Bên cạnh đó còn  còn xác định rõ trách nhiệm của Trưởng đoàn phải “báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó”.

-  Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra

Về cơ bản, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra được kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2004. Tuy nhiên, Luật thanh tra năm 2010 không phân biệt nhiệm vụ, quyền hạn giữa các thành viên Đoàn thanh tra là cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra mà giao cho họ những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 47 Luật Thanh tra.

-  Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra hành chính

Điều 48 của Luật Thanh tra quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, đó là các biện pháp phục vụ việc chỉ đạo hoạt động của Đoàn thanh tra; yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu làm chứng cứ cho việc xem xét, đánh giá; phục vụ việc ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, hành vi cản trở chống đối; phục vụ việc kiến nghị để xử lý đối với hành vi vi phạm, người có hành vi vi phạm và các biện pháp hỗ trợ khác. Mỗi biện pháp được thực hiện phải đặt trong điều kiện nhất định và phải tuân thủ theo quy trình nhất định. Điều này có nghĩa là trong quá trình thanh tra từ khi bắt đầu tới khi kết thúc, người ra quyết định thanh tra phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để thực hiện các quyền hạn của mình một cách đúng đắn theo quy định của pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sử dụng quyền hạn một cách tuỳ tiện, thiếu căn cứ.

d) Kết thúc thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra

Theo tinh thần của Luật thanh tra 2010 thì kết thúc việc thanh tra được ghi nhận từ thời điểm Đoàn thanh tra chấm dứt việc tiến hành các hoạt động thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra. Còn việc báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra là những công việc nội bộ giữa những người tiến hành thanh tra với cơ quan có thẩm quyền. Việc báo cáo, kết luận thanh tra được thể hiện trong luật như sau:

-  Báo cáo kết quả thanh tra:

Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải gửi tới người ra quyết định thanh tra. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì báo cáo kết quả thanh tra còn được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp. Báo cáo kết quả thanh tra bao gồm các nội dung quy định tại Điều 49 Luật Thanh tra. Như vậy, so với quy định hiện hành thì Luật thanh tra năm 2010 có bổ sung thêm nội dung báo cáo về vấn đề tham nhũng đã phát hiện. Trong đó phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức mình và báo cáo phải chỉ ra những lý do, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng.

-  Kết luận thanh tra:

Theo quy định tại Điều 50 của Luật thanh tra thì chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra phải có các nội dung quy định tại Điều 50 của Luật Thanh tra.

Để giúp người ra quyết định thanh tra có được những đánh giá, nhận xét chính xác, khách quan đối với các nội dung đã tiến hành thanh tra, có được những kiến nghị xác đáng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Luật thanh tra cũng quy định trong quá trình ra văn bản kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo các vấn đề liên quan tới nội dung thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận thanh tra.

Sau khi kết luận thanh tra được ban hành, người ra quyết định thanh tra phải gửi kết luận thanh tra tới Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và đối tượng thanh tra. Nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người ra quyết định thanh tra thì kết luận phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp.

 



 


 Kênh video TTĐT 

 SÁCH NGHIỆP VỤ 

 TIẾP CÔNG DÂN 

 Đăng nhập 




 Hoạt động Công đoàn 

 GIAO LƯU, TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ 

 BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ THANH TRA