French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Phòng Thanh tra đào tạo
  


Bảo đảm quyền các bên trong giải quyết tố cáo PDF. In Email
Thứ sáu, 23 Tháng 3 2012 18:34

Luật Tố cáo đã được Quốc hội thông qua gồm 8 chương 50 điều, có nhiều nội dung mới liên quan đến quyền của các bên trong tố cáo và giải quyết tố cáo và là những quyền mới so với quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998.

Việc quy định bổ sung, làm rõ một số quyền đòi hỏi phải hoàn thiện những thủ tục pháp lý để bảo đảm các quyền này của các bên. Những thủ tục đó cần thiết phải được thể hiện chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thi hành.

Có ba nhóm chủ thể trực tiếp trong tố cáo và giải quyết tố cáo là người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này đã được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998. Tuy nhiên, các quy định đó chưa đầy đủ. Luật Tố cáo quy định đầy đủ hơn về quyền của các chủ thể này.

i. QUYỀN CỦA NGƯỜI TỐ CÁO

Khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo quy định người tố cáo có các quyền:

+ Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

+ Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

+ Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập;

+ Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, Luật Tố cáo đã quy định bổ sung người tố cáo có thêm các quyền như: quy định giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khá là quyền đương nhiên của người tố cáo và cá cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ. Bên cạnh quy định người tố cáo được quyền yêu cầu thông báo kết quả giải quyết tố cáo thì người tố cáo còn được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; được tố cáo tiếp; được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

II. QUYỀN CỦA NGƯỜI BỊ TỐ CÁO

Khoản 1 Điều 10 Luật Tố cáo quy định, người bị tố cáo có các quyền:

+ Được thông báo về nội dung tố cáo;

+ Đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

+ Nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật;

+ Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra.

So với Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Tố cáo bổ sung quy định người bị tố cáo có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra.

III. QUYỀN CỦA NGƯỜI GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành không có quy định về quyền, nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo nói chung mà chỉ có quy định quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo trong quá trính xác minh việc tố cáo. Để có cơ sở pháp lý cho người giải quyết tố cáo trong quá tình thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Điều 11 Luật Tố cáo đã quy định về quyền và nghĩa vụ vủa người giải quyết tố cáo. Theo đó, người giải quyết tố cáo có các quyền sau:

+ Yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

+ Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

+ Tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật;

+ Kết luận về nội dung tố cáo;

+ Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Với những quy định bổ sung như đã nêu, để bảo đảm các quyền của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo được thực hiện, các quy định liên quan thủ tục giải quyết tố cáo. Đây chính là thủ tục pháp lý bảo đảm quyền của các bên trong tố cáo và giải quyết tố cáo.

Thủ tục này được thể hiện trong các hoạt động tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo. Trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động này được Luật Tố cáo quy định bằng 5 bước:

1. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;

2. Xác minh nội dung tố cáo;

3. Kết luận nội dung tố cáo;

4. Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo;

5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo[1].

Hiện nay, việc giải quyết tố cáo hành chính đang được thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định 136/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo, Thông tư số Thông tư 01/2009/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo do Thanh tra Chính phủ ban hành. Tại Thông tư số 01/2009/TT-TTCP, việc giải quyết tố cáo được các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành với quy trình gồm 3 bước là: (i) chuẩn bị giải quyết tố cáo; (ii) tiến hành xác minh nội dung tố cáo; (iii) kết thúc giải quyết tố cáo. Về cơ bản, quy trình giải quyết tố cáo như các quy định hiện hành vẫn có rất nhiều điểm tương thích, có thể tiếp tục được kết thừa trở thành những thủ tục pháp lý để tiến hành giải quyết tố cáo theo yêu cầu của Luật Tố cáo. Trong đó, đặc biệt là những nội dung liên quan đến vấn đề tiếp nhận, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý tố cáo. Tuy nhiên, do có sự thay đổi qua việc bổ sung các quyền như đã nêu trên, có thể thấy thủ tục pháp lý giải quyết tố cáo cũng cần có những sửa đổi, bổ sung, trong đó cần nhấn mạnh đến việc bảo đảm thực hiện những quyền mới của các chủ thể, tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, về hình thức, với yêu cầu về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo như quy định tại Điều 18 Luật Tố cáo, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng cần phân định các bước giải quyết tố cáo thống nhất về trình tự, thủ tục này.

Thứ hai, cần khẳng định rằng, với tư cách là quyền, các chủ thể được tự do ý chí trong việc lựa chọn việc thực hiện quyền của mình hay không. Việc các chủ thể từ chối thực hiện các quyền của mình có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích trực tiếp của các chủ thể (đối với người tố cáo và người bị tố cáo) và quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (đối với người giải quyết tố cáo). Với người tố cáo và người bị tố cáo, hậu quả pháp lý của việc từ chối thực hiện các quyền có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Do đó, chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và người bị tố cáo biết các quyền của mình, coi đây là một nghĩa vụ của chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo nên. Đối với người giải quyết tố cáo trong trường hợp không sử dụng các quyền của mình dẫn đến có sai sót trong quá trình giải quyết thì cần bị truy cứu trách nhiệm pháp lý tương ứng.


Thứ ba, mặc dù các bên trong giải quyết tố cáo có rất nhiều quyền nhưng các quyền đó không phát sinh trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết. Vì vậy, cần phân định rõ các quyền phát của các bên liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo. Việc phân định rõ các quyền phát sinh trong các giai đoạn giải quyết tố cáo sẽ hạn chế được những tranh chấp về quyền giữa các bên liên quan, đồng thời, đó cũng là cơ sở để xác lập nghĩa vụ tương ứng của các chủ thể.

Thứ tư, việc bổ sung một số quyền mới của các bên trong Luật Tố cáo đặt ra yêu cầu phải bảo đảm tính tương thích giữa Luật Tố cáo với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ như, người bị tố cáo có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra. Để bảo đảm người bị tố cáo có thể thực hiện quyền này thì thủ tục giải quyết tố cáo phải viện dẫn quy định về bồi thường nhà nước hoặc quy định tiết hơn với những nội dung có tính đặc thù trong giải quyết tố cáo.

Thứ năm, hoàn thiện các biểu mẫu, tạo thuận lợi cho việc tố cáo, việc giải quyết tố cáo cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tố cáo. Do tố cáo là quyền cơ bản của công dân, việc giải quyết tố cáo được thực hiện ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến cơ sở và liên quan đến nhiều tầng lớp dân cư khác nhau, vì vậy, các thủ tục giải quyết tố cáo cần được hướng dẫn chi tiết nhưng phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trực tiếp. Cùng với việc hoàn thiện các mẫu biểu hiện hành, cần bổ sung một số mẫu biểu khác như thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo (để gửi cho người tố cáo), thông báo về nội dung tố cáo (để gửi cho người bị tố cáo)…


ThS. Nguyễn Tuấn Khanh

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra

 
Công khai ...làm bằng giả PDF. In Email
Thứ ba, 13 Tháng 3 2012 11:25
Không chỉ ở Đồng Nai, Bình Dương nạn làm bằng giả mới công khai và rầm rộ (Báo Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh và mới đây cơ quan chức năng vào cuộc truy quét), mà ngay tại TP.HCM, tệ nạn này cũng không kém phần sôi động.

Muốn bằng nào cũng có!

Từ số điện thoại do người quen cung cấp, chúng tôi liên lạc với một đầu mối làm bằng giả ở Hà Nội. Người này hỏi chúng tôi ở tỉnh nào để giới thiệu đồng nghiệp tiếp nhận đơn đặt hàng; không hạn chế số lượng và loại bằng cấp “kể cả bằng của ngành công an”. Biết chúng tôi ở TP.HCM, người này cho số điện thoại (016525935xx), nói của Nguyễn Minh Hoàng.

Liên lạc với Hoàng, biết chúng tôi muốn đặt làm bằng B tiếng Anh, anh ta tỏ ra không mấy “mặn mà”, khuyên nên thuê sinh viên đi thi giùm. Khi chúng tôi nói cần nộp gấp bằng tiếng Anh cho trường để đủ điều kiện tốt nghiệp, giá bao nhiêu cũng được, thì Hoàng ra giá 2,5 triệu đồng. Rồi Hoàng tiếp thị thêm: “Nói chung là giấy tờ ĐH, CĐ, TC bên bọn anh làm nhiều. Một cái TC cả bảng điểm, cả công chứng luôn là 5 triệu, bằng ĐH thì 8 triệu”. Chúng tôi thử đề nghị làm bằng giả cho đứa em đang theo học một trường ĐH ở Đà Nẵng, Hoàng lập tức nhận lời ngay vì: “Ở đó anh có “vệ tinh”. Em muốn làm bất cứ bằng gì, ở tỉnh, thành nào cứ cho thông tin là anh làm được ngay”.

Chúng tôi thử liên lạc với một đường dây khác thông qua “chợ trên mạng” và dễ dàng tiếp cận đường dây cung cấp bằng giả do một phụ nữ tên Thiên điều hành. Thông tin về đường dây của Thiên được quảng bá trên khắp các diễn đàn rao bán bằng giả. Nghe chúng tôi cần làm một bằng ĐH của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Thiên hô giá: “Trường nhân văn lấy giá 10 triệu nha em!”. Chúng tôi yêu cầu cho xem bằng mẫu trước khi “đặt hàng” thì Thiên cương quyết từ chối vì: “Nguyên tắc của tụi chị là khi nào làm xong, cho xem trực tiếp. Nếu không giống không lấy tiền. Em có thiện chí làm thì chuẩn bị cho chị 2 tấm hình 3x4 cm và giấy CMND chị ra lấy thông tin về làm ngay”.

Sau đó, Thiên cho một nhân viên tên Hòa liên lạc với chúng tôi để lấy thông tin. Qua điện thoại, Hòa cho biết: "Chị Thiên điều hành hoạt động cung cấp bằng giả tại nhiều tỉnh, thành; dưới trướng của chị có ít nhất 30 nhân viên có mặt trên toàn quốc. Đường dây này lớn lắm, thuộc hàng “top” ở thành phố, hoạt động 5 năm nay, đã cung cấp hàng ngàn cái bằng rồi đó”.

 


Hoàng tại điểm hẹn với PV (ảnh 1) và đưa ra một bằng giả giống y thật cho PV xem (ảnh 2) - Ảnh: Thanh Thùy

 

“Tụi em mua phôi của Bộ Giáo dục”

Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, một buổi chiều cuối tháng 2, Nguyễn Minh Hoàng thu xếp gặp mặt khách “đặt hàng”.  Hoàng xuất hiện ở nơi hẹn với chiếc cặp táp màu đen trên tay, thân hình ốm nhách, gương mặt non choẹt. Sau khi thương lượng, chúng tôi đồng ý làm 3 bằng giả (gồm 2 bằng tiếng Anh và 1 bằng tin học) với giá 2,5 triệu đồng/bằng, nhưng Hoàng chẳng mấy vui vẻ vì “tiền hoa hồng chẳng được bao nhiêu”. Đến khi chúng tôi đặt vấn đề có thể cần bằng giả ĐH hệ chính quy, lập tức mắt Hoàng sáng lên và ăn nói rôm rả; miệng luôn quảng bá về sản phẩm và uy tín của “lò” mình. Để tạo thêm niềm tin, Hoàng liếc ngang liếc dọc rồi rút một mẫu bằng giả của một trường thủy lợi ở phía bắc, có đóng dấu tròn đỏ tươi, chữ ký của hiệu trưởng hẳn hoi, đưa chúng tôi xem, rồi lại bỏ ngay vào túi xách như sợ ai đó phát hiện… Hoàng hô giá 8 triệu đồng/bằng ĐH, không bớt một xu; “bao” công chứng mới lấy tiền. “Đảm bảo máy móc hiện đại nên in ấn rất rõ nét. Tụi em phải mua phôi, tem của Bộ Giáo dục, làm giống như thật, không dễ gì phát hiện ra được!”, Hoàng nói.

Làm xong 2 bằng tiếng Anh và 1 bằng tin học (giá 2,5 triệu đồng/bằng), Hoàng đã liên tục gọi điện hẹn chúng tôi giao hàng. Khi chúng tôi đến, Hoàng đưa 3 bằng giả ra... nhưng chúng tôi viện lý do ảnh trên bằng giả không đạt, dễ bị phát hiện nên yêu cầu sửa lại mới nhận, giao tiền và Hoàng chấp nhận yêu cầu, hẹn 4 - 5 ngày sau sửa xong sẽ giao...

Trở lại với đường dây của Thiên, sau khi thống nhất giá 10 triệu đồng/bằng ĐH, khoảng 15 giờ ngày 13.2, Thiên điều Hòa đến gặp chúng tôi. Vừa ngồi xuống ghế, Hòa quăng gói thuốc và hộp quẹt xuống bàn, gác chân lên đùi, vừa phì khói thuốc vừa nói chuyện: “Bọn em đã chọn nghề này thì chẳng tiếc gì đến thân xác. Hôm qua, thằng kia bắt em chạy hàng chục km nhưng cuối cùng không chịu lấy bằng. Em muốn hẹn nó ra cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5) đánh cho nó một trận”. Theo Hòa, làm khâu giao nhận bằng là thường đối mặt với nguy hiểm vì dễ bị công an bắt… nên được chủ “lò” chiếu cố, dành nhiều ưu ái. “Cho nên khi bị công an bắt đánh ói cơm cũng không khai ra chủ “lò”. Thỏa thuận giữa nhân viên và chủ “lò” là: Nhân viên cứ đứng ra nhận tội, rồi chủ “lò” sẽ chăm sóc gia đình. Thậm chí, chủ “lò” sẽ đưa tiền cho gia đình “lo” cho nhân viên đến ngày được thả ra”, Hòa tiết lộ.

 


Rao bán bằng giả trên internet

Theo Thanh niên
 
Tin tức mới về bầu trời PDF. In Email
Thứ hai, 21 Tháng 3 2011 14:14

Đêm qua mặc dù lúc đầu hơi mưa nhưng sau đó trăng đã lên rất đẹp phải không các bạn? Không hề xảy ra chuyện gì bất thường, cuộc đời vẫn đẹp sao!
Thứ 2 tới, ngày 21/3 là ngày xuân phân, ngày Mặt trời mọc đúng chính đông. Mời các bạn tự quan sát.
Đầu tháng 4 sao Thổ sẽ ở đối diện với Mặt trời, trở nên to và sáng nhất trong năm. Ta có thể nhìn thấy rõ các vành đai tuyệt đẹp của nó qua kính thiên văn. Hãy quan sát vào lúc...nửa đêm và nhìn về phía nam bầu trời nhé!
Chúc mọi người 1 ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ!

 
Ngắm siêu Mặt trăng PDF. In Email
Thứ sáu, 18 Tháng 3 2011 00:00

Vào đêm 19/3 tới, Mặt trăng và Trái đất sẽ được ở gần nhau nhất trong vòng 19 năm qua. Vào thời điểm này, Mặt trăng sẽ sáng hơn, lớn hơn bình thường, nên còn được gọi là “siêu Mặt trăng”.

Photobucket

Măt trăng là vệ tinh duy nhất của Trái đất. Theo định luật Kepler, Mặt trăng chuyển động quanh Trái đất theo quĩ đạo hình elip, với chu kỳ 27, 32 ngày, có nghĩa là trong quãng thời gian đó khoảng cách giữa  Mặt trăng và Trái đất có thay đổi. Cụ thể là :

-           Khoảng cách xa nhất (viễn địa): 405 500 km.

-         Khoảng cánh gần nhất (cận địa): 363 300km; tuy nhiên, lần này được coi là gần nhất, chỉ 356 577km.

Photobucket

Mặt trăng chuyển động quanh Trái đất và chỉ phản xạ ánh sáng Mặt trời nên ta thấy Mặt Trăng khi tròn, khi khuyết. Điểm cận địa kỳ này trùng hợp với lúc trăng tròn nên ta sẽ thấy Mặt trăng tròn to hơn bình thường (siêu mặt trăng).

Mặt trăng là tác động chính gây thủy triều. Theo tính toán, gia tốc thủy triều do lực hấp dẫn giữa Trái đất và Mặt trăng gây ra tỷ lệ nghịch với lập phương khoảng cách giữa chúng. Do đó, rõ ràng khi Mặt trăng ở gần Trái đất thủy triều sẽ được tăng cường.

Tuy nhiên, điều đó có thể gây ra thảm họa cho loài người không thì còn chưa chắc. Vì Trái đất đã bầu bạn với Mặt trăng từ lâu rồi, nhiều lần mặt trăng “ghé” lại gần rồi mà loài người có sao đâu!

Chúng ta hãy vui vẻ ngắm trăng và chờ xem nhé!


TS. Trần Quốc Hà , 16/3/2011

 
Suy nghĩ về đại họa 2012 PDF. In Email
Thứ năm, 17 Tháng 3 2011 08:14

Mấy năm trước mọi người xôn xao bàn tán về bộ phim Mỹ “2012- năm đại họa” (2012: Doomsday).Theo bộ phim, ngày 21/12/2012 được người Maya cổ tiên đoán là ngày tận thế của loài người. Mở đầu phim là cảnh Mặt trời hoạt động mạnh, khối cầu lửa Mặt trời trở nên sôi sục với những cơn bùng nổ dữ dội. Năng lượng phóng xuống Trái đất tăng bất thường khiến xảy ra sóng thần, động đất và hàng loạt tai họa khác. Loài người không còn có thể sống trên hành tinh Trái đất được  nữa mà phải ra đi…

Photobucket

Thảm kịch xảy ra tại Nhật bản trong những ngày qua có vẻ rất giống những gì mà bộ phim giả tưởng kia đã mô tả. Đó là động đất, sóng thần, với hàng loạt tổn thất về người và của, làm chấn động cả địa cầu. Một lần nữa, người ta lại xôn xao bàn tán về ngày tận thế.

Vậy, về mặt vật lý, có lý do nào xác đáng để chúng ta phải lo sợ những lời tiên đoán trên sẽ trở thành hiện thực hay không? Theo tôi, một nhà vật lý nghiên cứu về Mặt trời, có thể xét đến những lý do sau đây:

  1. Hoạt động Mặt trời: Năm 2012 được dự báo là năm cực đại của chu kỳ hoạt động Mặt trời thứ 24, với số vết đen Mặt trời được dự báo là 140, kèm theo đó sẽ là các trận bão Mặt trời mạnh (bùng nổ Mặt trời, phóng khí vành  Nhật hoa). So với các chu kỳ khác, có thể nói năm 2012 Mặt trời hoạt động rất mạnh (cực đại chu kỳ 23 là năm 2000 với số vết đen thực tế là 120, số cơn bão Mặt trời không nhiều). Trong phim, đây chính là nguyên nhân gây nên động đất, sóng thần. Theo tôi, cơ chế vật lý của vấn đề này còn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, hiện tại có thể giải thích sơ bộ như sau: các bức xạ phóng ra từ các vụ bão Mặt trời là các bức xạ điện từ, hạt mang điện (electron, proton), và các đám mây plasma mang đường sức từ của Mặt trời. Các bức xạ điện từ đến Trái đất trong 8 phút.  Các dòng hạt có thể đến Trái đất hay không còn tùy theo vị trí xuất phát, chuyển động của Mặt trời và sự tương tác với từ trường liên hành tinh. Và nếu đến chúng sẽ bị từ quyển Trái đất ngăn cản. Nếu vào được Trái đất (ở vùng gần cực) chúng sẽ gây nên hiện tượng cực quang. Ngoài ra, bão Mặt trời có thể gây bão từ, bão điện ly. Các tác động của hoạt động Mặt trời lên khí quyển tầng cao của Trái đất như đã mô tả ở trên với cơ chế vật lý được hiểu biết tương đối rõ ràng, nhưng với thủy quyển và thạch quyển của Trái đất vẫn chưa tường minh.
  2. Ngày đông chí: Ngày 21/12/2012 là ngày đông chí. Đây là thời điểm Trái đất ở gần điểm cận nhật, tức điểm gần Mặt trời nhất (vậy mà lại là mùa đông!). Theo định luật vạn vật hấp dẫn, lực hút của Mặt trời lên Trái đất khi đó sẽ tăng lên, chắc chắn sẽ tác động đến Trái đất (làm tăng thủy triều chẳng hạn). Tuy nhiên, việc này xảy ra hàng năm và xưa nay Trái đất chả hề hấn gì.
  3. Trục quay của Trái đất bị lệch: Hiện nay, trong khi quay quanh Mặt trời trục quay của Trái đất giữ nguyên phương và làm với pháp tuyến của mặt phẳng Hoàng đạo một góc không đổi α=23027’. Điều đó tạo nên sự khác biệt về độ dài ngày đêm tại những vĩ độ địa lý khác nhau, bốn mùa và các đới khí hậu trên Trái đất như hiện nay. Vì lý do nào đó góc α thay đổi ( điều này đã xảy ra ngày 11/3 vừa qua, do động đất trục quay lệch đi khỏi vị trí cũ 10cm) chắc chắn Trái đất sẽ bị ảnh hưởng. Lệch càng nhiều ảnh hưởng càng nặng, ngày có thể sẽ ngắn hơn, khí hậu có thể sẽ thay đổi, băng giá tràn lan. Đây chính là cảnh diễn ra trong bộ phim trên.

Với các lý do trên mọi người hãy suy nghĩ và tự kết luận về tương lai Trái đất trong năm 2012!

Cũng cần phải nói thêm rằng bộ phim trên đã chưa tính tới thảm họa hạt nhân có thể xảy ra sau đó (như hiện nay). Và đây có thể mới thực sự là “nhân tai” đe dọa tương lai loài người!

Chúng ta cần làm gì để tương lai mãi mãi tươi sáng, hỡi loài  người?

Tiến sỹ Vật lý Địa cầu Trần Quốc Hà

 
«Bắt đầuLùi12Tiếp theoCuối»

Trang 2 trong tổng số 2


 Kênh video TTĐT 

 SÁCH NGHIỆP VỤ 

 TIẾP CÔNG DÂN 

 Đăng nhập 



 Liên kết 


 Hoạt động Công đoàn 

 GIAO LƯU, TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ 

 BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ THANH TRA