280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, TP.HCM
ĐT: (+84) - (8) - 38352020 - Fax: (+84) - (8) - 38398946
  
Tham khảo


Giữ nguyên ngữ hay phiên âm tên tiếng nước ngoài trong tiếng Việt PDF. In Email
Thứ ba, 05 Tháng 6 2012 08:08

Giữ nguyên ngữ hay phiên âm tên tiếng nước ngoài trong tiếng Việt:

Cần tiếp cận từ nhiều phía

TTCT - Gần đây báo chí sôi nổi bàn chuyện phiên âm hay không tên riêng tiếng nước ngoài. Hầu hết ý kiến đều ủng hộ cách để nguyên dạng, hoặc phiên tự Latin nếu ngôn ngữ gốc không dùng bộ chữ cái Latin.

Tuy nhiên các ví dụ dẫn ra để so sánh, để chứng minh tính ưu việt của nguyên dạng phần lớn chỉ là tên riêng tiếng Anh. Cái tưởng là nguyên dạng thật ra là lối viết theo tiếng Anh, và thực tế hiện nay các báo đều "Anh hóa" tên riêng chứ không phải viết nguyên dạng ngôn ngữ gốc (dù là dưới dạng Latin hóa).

Không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng

Khó khăn ở chỗ không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng. Ví dụ, có ý kiến bảo rằng hãy để nguyên dạng tên nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan. Thế nhưng đó chỉ là tên tiếng Anh, còn nguyên dạng tiếng Bồ Đào Nha phải là Fernão de Magalhães và nếu theo tiếng Tây Ban Nha, nơi ông này là công dân và phục vụ lâu nhất lại là Fernando de Magallanes!

Dòng chữ Brazil trong cuộc thi Rung chuông vàng cũng chỉ là tên tiếng Anh, còn đúng nguyên ngữ (tiếng Bồ Đào Nha) phải là Brasil, chính vì thế ta mới có từ phiên âm theo nguyên ngữ là Bra-xin.

Rất nhiều ngôn ngữ hiện đang dùng chữ cái Latin nhưng ghi tên riêng khác với tiếng Anh. Nếu chiếu theo quan điểm giữ nguyên dạng ngôn ngữ gốc thì Hung-ga-ry phải viết là Magyarország (thay vì theo tiếng Anh: Hungary), Ba Lan phải là Polska (tiếng Anh: Poland), Đức phải là Deutschland (tiếng Anh: Germany), CH Czech phải là Ceská Republika (tiếng Anh: Czech Republic). Các thành phố hay bang của Đức như Munich, Cologne, Bavaria phải viết nguyên dạng là München, Köln, Bayern.

Các ví dụ như vậy nhiều vô kể. Thủ đô của Ba Lan nguyên ngữ là Warszawa, biến thành Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp), Warschau (tiếng Đức), Varsovia (tiếng Tây Ban Nha), Varsóvia (tiếng Bồ Đào Nha), liệu có chính xác hơn phiên âm tiếng Việt Vác-sa-va? Và làm gì có cái gọi là cách viết thống nhất hay giữ nguyên dạng giữa những ngôn ngữ cùng hệ Latin?

Đấy là mới chỉ nói trong phạm vi các ngôn ngữ có cùng mẫu tự Latin, nếu nói sang các ngôn ngữ không dùng mẫu tự Latin thì sự không thống nhất nguyên dạng còn lớn đến đâu.

Chỉ xin lấy một ví dụ về họ tên cố lãnh đạo Libya Mu-am-ma Ca-đa-phi bằng tiếng Anh: đã có hẳn một bài báo trên tờ The Christian Science Monitor luận về cách viết nào nên theo: Gaddafi, Kadafi, Qaddafi, Qadhafi hay thậm chí Kaddafi; còn tên của ông này là Muammar, Moammar, Mu'ammar hay Moamar. Thậm chí người ta còn liệt kê (tất nhiên hơi cường điệu) là có tới 112 cách phiên tên Gaddafi sang tiếng Anh.

Bangkok quen thuộc với chúng ta qua tiếng Anh nhưng tiếng Thái gọi thành phố này là Krung Thep, chẳng gần nhau một tí nào. Đất nước Ai Cập gọi theo tiếng Anh là Egypt, nhưng nguyên ngữ Ả Rập lại là Misr (phiên tự), còn thủ đô Cairo nguyên ngữ là Al-Qa--hirah.

Như vậy có thể nói để nguyên dạng theo đúng nghĩa là không khả thi, vì người viết hay người dịch không thể ngồi tra cứu từng tên nguyên ngữ (và các cách phiên tự Latin hóa có thể có) để thay cho tiếng mà mình đang dịch từ đó.

Âm một đằng, chữ một nẻo

Đúng ra đó là lỗi của tiếng Anh hay của ngôn ngữ gốc chứ không phải do lỗi phiên âm (tất nhiên cũng có khi người phiên âm không chuẩn). Đồng thời chúng ta cũng không nên quên một nhược điểm của tiếng Anh, vì khi đọc hay nói tên họ của một người Anh có khi người ta không dám chắc viết tên họ đó thế nào cho đúng và phải hỏi lại cách viết. Chẳng hạn: Lee, Li hay Leigh đều đọc/nói là "Li", Green hay Greene cũng đều đọc là "Grin".

Nhiều người chê phiên âm gây nhiều dị bản nhưng họ đâu có biết tiếng Anh cũng gặp rắc rối đúng như thế khi gặp các ngôn ngữ khác ngữ hệ như tiếng Ả Rập, các ngôn ngữ châu Á. Ngoài ví dụ về Ca-đa-phi ở trên, một ví dụ khác là tiếng Anh thiếu âm "ư", do đó âm này hoặc bị phiên thành "y" (như trường hợp đối với tiếng Nga, trong khi "y" cũng dùng để phiên chữ/âm i ngắn), hoặc thành "u" (như trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Việt): Xôn-gie-nít-xưn (hay Xôn-gie-nhít-xưn) thành Solzhenitsyn; Cô-i-dư-mi thành Koizumi.

Phiên âm tiếng Việt có ưu điểm hơn hẳn tiếng Anh khi dùng cho những ngôn ngữ có thanh điệu như tiếng Lào hay tiếng Thái. Và nói cho cùng thì ngay tên họ người Việt cũng đâu phải vùng nào cũng nói/đọc như chữ viết: Võ Văn Dân ở miền Nam sẽ được phát âm thành Dỏ Dăng Dâng kia mà!

Phiên tự - "tam sao thất bổn"

Lập lại trật tự trong lối viết tên riêng nước ngoài là cần thiết, nhưng cần một cách tiếp cận từ nhiều phía, thấu đáo và điều tra xã hội học nếu có thể.

Có tồn tại một cách phiên tự thống nhất cho những ngôn ngữ không dùng chữ cái Latin không?

Nhiều người lầm tưởng rằng đối với những ngôn ngữ không dùng chữ cái Latin, cứ việc phiên tự theo những quy tắc mà người bản ngữ áp dụng là xong. Nhưng sự đời đâu có đơn giản vậy? Có ba lý do dẫn đến việc "tam sao thất bổn" trong phiên tự:

- Ngôn ngữ đích khác nhau. Nếu bạn đang đọc ấn bản tiếng Anh, văn hào Pu-skin sẽ thành Pushkin, còn trong tiếng Pháp sẽ là Pouchkine, tiếng Đức là Puschkin.

Chính vì ngôn ngữ đích thay đổi mà tên riêng vẫn như cũ nhưng sang tiếng Anh mỗi thời một khác. Đó là trường hợp các nước cộng hòa cũ của Liên Xô tách ra: Môn-đa-vi ngày xưa là Moldavia (phiên theo tiếng Nga) nay thành Moldova (theo bản ngữ), thủ đô của nó từ Kishinev thành Chisinau, Byelorussia thành Belarus.

- Có nhiều lối phiên khác nhau. Nếu áp dụng lối phiên hàn lâm của chính người Nga thì Mai-a-cốp-xki sẽ thành Majkovskij, nhưng phiên theo tiếng Anh sẽ là Mayakovsky.

- Không thống nhất ngay trong cùng một ngôn ngữ đích. Ví dụ trong tiếng Anh, nhiều khi người ta cũng không thống nhất khi phiên tự từ tiếng Nga, như: Nikolay/Nikolai, Alexander/Alexandr/Aleksandr, Korolev/Korolyov, Mendeleyev/Mendeleev.

Họ tên của người CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cũng được họ phiên sang tiếng Anh theo nhiều cách. Chẳng hạn anh hùng dân tộc Lý Thuấn Thần sẽ có các dạng Yi Sun Shin, Lee Sun Shin, Yi/Lee Soon Shin, Ri Sun Shin, Yi/Lee Sun Sin, ta theo cách nào? Cũng họ Lý ấy của Lý Thừa Vãn tiếng Anh vẫn quen phiên là Ree (Syngman) thì sao?

Hàn Quốc đã ban bố quy tắc phiên mới thay cho quy tắc McCune-Reischauer trước đây, nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn dùng cách phiên cũ. Do đó thành phố Kê-xâng (Khai Thành) sẽ có hai kiểu phiên là Kaesong hoặc Gaeseong, Pu-xan sẽ là Pusan hoặc Busan.

Kể từ khi Chúa Trời làm thất bại việc xây tháp Babel thì vấn đề phiên chuyển tên riêng giữa các ngôn ngữ đều không được giải quyết hoàn toàn trong bất cứ ngôn ngữ nào. Lập lại trật tự trong lối viết tên riêng nước ngoài là cần thiết, nhưng cần một cách tiếp cận từ nhiều phía, thấu đáo và điều tra xã hội học nếu có thể.

Bộ Giáo dục đã từng quyết định cách viết "theo chữ viết của nguyên ngữ" (năm 1984) nhưng đã phải quay lại lối phiên âm (năm 2003) hẳn phải có lý do. Gần đây Bộ Nội vụ cũng ra thông tư số 01/2011/TT-BNV quy định "phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ", hẳn cũng không phải chỉ vì "bảo thủ".

Dịch giả NGUYỄN VIỆT LONG

Nguồn: http://m.tuoitre.vn/chuyen-trang/Tuoi-Tre-Cuoi-tuan/TTCT-Ban-doc-va-Tuoi-Tre-Cuoi/132441,Can-tiep-can-tu-nhieu-phia.ttm

 

 
Cách phiên âm tên gọi Luật sư Francis Henry Loseby PDF. In Email
Thứ năm, 02 Tháng 2 2012 12:52


 
Quy định về các bài báo khoa học PDF. In Email
Thứ tư, 18 Tháng 1 2012 14:25

 



 
VỀ VIẾT HOA TRONG TIẾNG VIỆT PDF. In Email
Thứ hai, 18 Tháng 4 2011 23:11

Phụ lục VI

VIẾT HOA TRONG VĂN BẢN HÀNH CHÍNH

(Kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ)

I. VIẾT HOA VÌ PHÉP ĐẶT CÂU

1. Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!); sau dấu chấm lửng (…); sau dấu hai chấm (:); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: "…") và khi xuống dòng.

2. Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của mệnh đề sau dấu chấm phẩy (; ) và dấu phẩy (,) khi xuống dòng. Ví dụ:

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

II. VIẾT HOA DANH TỪ RIÊNG CHỈ TÊN NGƯỜI

1. Tên người Việt Nam

a) Tên thông thường: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người. Ví dụ:
- Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Giàng A Pao, Kơ Pa Kơ Lơng…
b) Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết.
Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Bác Hồ, Cụ Hồ…

2. Tên người nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt

a) Trường hợp phiên âm qua âm Hán – Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành tố.
Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen, Phi-đen Cat-xtơ-rô…

III. VIẾT HOA TÊN ĐỊA LÝ

1. Tên địa lý Việt Nam

a) Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, huyện, xã…) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối.
Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Lắk …; quận Hải Châu, huyện Gia Lâm, huyện Ea H’leo, thị xã Sông Công, thị trấn Cầu Giát….; phường Nguyễn Trãi, xã Ia Yeng…
b) Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó.
Ví dụ: Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Phường Điện Biên Phủ…
c) Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội.
d) Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm…) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh.
Ví dụ: Cửa Lò, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Cầu Giấy…
Trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng: Không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng.
Ví dụ: biển Cửa Lò, chợ Bến Thành, sông Vàm Cỏ, vịnh Hạ Long…
đ) Tên địa lý chỉ một vùng, miền, khu vực nhất định được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng khác: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì phải viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết.
Ví dụ: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Nam Kỳ, Nam Trung Bộ…

2. Tên địa lý nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt

a) Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán – Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam.
Ví dụ: Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha…
b) Tên địa lý phiên âm không qua âm Hán – Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài quy định tại Điểm b, Khoản 2, Mục II.
Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn, Sing-ga-po, Cô-pen-ha-ghen, Béc-lin…

IV. VIẾT HOA TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC

1. Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam

Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Ví dụ:
- Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng; Ban Quản lý dự án Đê điều;…
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài;
- Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định;…
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông;…
- Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục;…
- Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam;…
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam…
- Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La; Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; Ủy ban nhân dân quận Ba Đình; Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản;…
- Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giáo dục và Đào tạo;…
- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội; Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội; Trường Đại học dân lập Văn Lang; Trường Trung học phổ thông Chu Văn An; Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn; Trường Tiểu học Thành Công;…
- Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Ứng dụng công nghệ;…
- Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dân tộc; Trung tâm Khoa học và Công nghệ văn thư, lưu trữ; Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Trung tâm Tư vấn Giám sát chất lượng công trình;…
- Báo Thanh niên; Báo Diễn đàn doanh nghiệp; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Tạp chí Phát triển giáo dục; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật;…
- Nhà Văn hóa huyện Gia Lâm; Nhà Xuất bản Hà Nội; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;…
- Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm; Nhà máy Sản xuất phụ tùng và Lắp ráp xe máy; Xí nghiệp Chế biến thủy sản đông lạnh; Xí nghiệp Đảm bản an toàn giao thông đường sông Hà Nội; Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 305;…
- Công ty Cổ phần Đầu tư Tư vấn và Thiết kế xây dựng; Công ty Nhựa Tiền Phong; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Vận tải Đông Nam Á; Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình;…
- Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam…
- Vụ Hợp tác quốc tế; Phòng Nghiên cứu khoa học; Phòng Chính sách xã hội; Hội đồng Thi tuyển viên chức; Hội đồng Sáng kiến và Cải tiến kỹ thuật;…
- Trường hợp viết hoa đặc biệt:
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng.

2. Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài

a) Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam.
Ví dụ: Liên hợp quốc (UN); Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN);…
b) Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh.
Ví dụ: WTO; UNDP; UNESCO; SARBICA; SNG…

V. VIẾT HOA CÁC TRƯỜNG HỢP KHÁC

1. Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự

Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành tố tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ hạng.
Ví dụ: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Sao vàng, Huân chương Lê-nin; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Chiến công; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Bằng Tổ quốc ghi công; Giải thưởng Nhà nước; Nghệ sĩ Nhân dân; Nhà giáo Ưu tú; Thầy thuốc Nhân dân; Anh hùng Lao động; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;…

2. Tên chức vụ, học vị, danh hiệu

Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể.
Ví dụ:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống V.V. Pu-tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp….
- Phó Thủ tướng, Tổng Cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Phòng, Phó Trưởng phòng, Tổng thư ký…
- Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn H, Tiến sĩ khoa học Phạm Văn M…

3. Danh từ chung đã riêng hóa

Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng.
Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam),...

4. Tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm

Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm.
Ví dụ: ngày Quốc khánh 2-9; ngày Quốc tế Lao động 1-5; ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10; ngày Lưu trữ Việt Nam lần thứ Nhất,…

5. Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại

Tên các sự kiện lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì phải ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó.
Ví dụ: Phong trào Cần vương; Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Cách mạng tháng Tám; Phong trào Phụ nữ Ba đảm đang;…
Tên các triều đại: Triều Lý, Triều Trần,…

6. Tên các loại văn bản

Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên riêng của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể.
Ví dụ: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử;…
Trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm.
Ví dụ:
- Căn cứ Điều 10 Bộ luật Lao động…
- Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Luật Giao dịch điện tử…

7. Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí

Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo.
Ví dụ: tác phẩm Đường kách mệnh; từ điển Bách khoa toàn thư; tạp chí Cộng sản;…

8. Tên các năm âm lịch, ngày tiết, ngày tết, ngày và tháng trong năm

a) Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi.
Ví dụ: Kỷ Tỵ, Tân Hợi, Mậu Tuất, Mậu Thân,…
b) Tên các ngày tiết và ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.
Ví dụ: tiết Lập xuân; tiết Đại hàn; tết Đoan ngọ; tết Trung thu; tết Nguyên đán;…
Viết hoa chữ Tết trong trường hợp dùng để thay cho một tết cụ thể (như Tết thay cho tết Nguyên đán).
c) Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số.
Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám,…

9. Tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo

- Tên gọi các tôn giáo, giáo phái: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên gọi.
Ví dụ: đạo Cơ Đốc; đạo Tin Lành; đạo Thiên Chúa; đạo Hòa Hảo; đạo Cao Đài… hoặc chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi như: Nho giáo; Thiên Chúa giáo; Hồi giáo;…
- Tên gọi ngày lễ tôn giáo: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.
Ví dụ: lễ Phục sinh; lễ Phật đản;…

(Trích Thông tư Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính của Bộ Nội vụ, số  01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 )

_____________________________________________

 

QUYẾT ĐỊNH của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003

về việc ban hành Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/20021/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tiểu học và Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Bản Quy định này được sử dụng trong việc biên soạn, biên tập sách giáo  khoa viết theo Chương trình các môn học ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (được ban  hành theo các Quyết định số 43/2001/QĐ-BGDĐT ngày 09/11/2001, số 03/2002/ QĐ-BGDĐT ngày 24/01/2002 và số 47/2002/QĐ-BGDĐT ngày 19/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).   .

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Giám đốc Nhà xuất bản Giao dục và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THỨ TRƯỞNG



Đặng Huỳnh Mai

 


QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIẾT HOA TÊN RIÊNG TRONG SÁCH GIÁO KHOA

(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003

của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và  Đào tạo)

I. CÁCH VIẾT TÊN RIÊNG VIỆT NAM

1 Tên người: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

Ví dụ:

- Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo.

- Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai.

- Tố Hữu, Thép Mới.

- Vừ A Dính, Bàn Tài Đoàn.

* Chú ý: Tên danh nhân, nhân vật lịch sử được cấu tạo bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung với bộ phận tên gọi cụ thể cũng được coi là tên riêng và viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người .

Ví dụ:

- Ông Gióng, Bà Trưng.

- Đồ Chiểu, Đề Thám.

2. Tên địa lý: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

Ví dụ:

- Thái Bình, Trà Vinh, Cần Thơ.

- Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Sa Pa, Mù Cang Chải, Pác Bó.

* Chú ý: Tên địa lý được cấu tạo bởi danh từ chỉ hướng hoặc bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung, danh từ chỉ hướng với bộ phận tên -gọi cụ thể cũng được coi là danh từ riêng chỉ tên địa lý và viết hoa theo quy tắc viết hoa tên địa lý.

Ví dụ:

- Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc.

- Vàm Cỏ Đông, Trường Sơn Tây.

- Hồ Gươm, Cầu Giấy, Bến Thủy, Cửa Việt, Đèo Ngang, Vũng Tàu.

3. Tên dân tộc: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

Ví dụ:

Kinh, Tày, Sán Dìu, Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì.

4. Tên người, tên địa lý và tên các địa tộc việt Nam thuộc các dân tộc thiểu số anh em có cấu tạo từ đa âm tiết (các âm tiết đọc liền nhau): Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết.

Ví dụ:

- Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Tà-ôi.

- Kơ-pa Kơ-lơng, Nơ-trang-lơng.

- Y-rơ -pao, Chư-pa.

5. Tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết đầu của các bộ phận tạo thành tên riêng.

Ví dụ:

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I; Trường Tiểu học Kim Đồng.

- Nhà máy Cơ khí Nông nghiệp I.

6 . Từ và cụm từ chỉ các con vật, đồ vật,  sự vật được dùng làm tên riêng của nhân vật: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên riêng.

Ví dụ:

- (chú) Chuột, (bác) Gấu, (cô) Chào Mào, (chị) Sáo Sậu

- (bác) Nồi Đồng (cô) Chổi Rơm, (anh) Cần Cẩu

- (ông) Mặt Trời, (chị) Mây Trắng.

II. CÁCH VIẾT TÊN RIÊNG NƯỚC NGOÀI

1. Tên người, tên địa lý:

1 1. Trường hợp phiên âm qua âm Hán - Việt:

Viết theo quy tắc viết tên người, tên địa lý Việt Nam.

Ví dụ:

- Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành.

- Đức, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Triều Tiên.

1. 2. Trường hợp phiên âm không qua âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc): Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nôi giữa các âm tiết.

Ví dụ:

- Phơ-ri-đơ-rich Ăng-ghen, Vơ-la-đi-mia I-lích Lê-nin.

- Mát-xcơ-va, I-ta-li-a, An-giê-ri.

2. Tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể nước ngoài:

2.1. Trường hợp dịch nghĩa: Viết theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể Việt Nam.

Ví dụ:

- Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp.

- Viện Khoa học Giáo dục Bắc Kinh.

2.2. Trường hợp viết tắt: Viết nguyên dạng viết tắt. Tùy từng trường hợp, có thể ghi thêm tên dịch  nghĩa hoặc ghi thêm tên nguyên không viết tắt .

Ví dụ:. WB (Ngân hàng Thế giới), hoặc WB (World Bank)./.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THỨ TRƯỞNG

Đặng Huỳnh Mai

-------------------------------

Nguồn:  Công báo số 21-22 (1676-1677), ra ngày 10/4/2003.

 
Cách viết một bài báo khoa học (phần 1) PDF. In Email
Thứ tư, 06 Tháng 4 2011 13:56

Cách viết một bài báo khoa học (phần 1)

* Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: http://www.statistics.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=73:cach-viet-mot-bai-bao-khoa-hoc-phan-1&catid=46:report-skill&Itemid=61

Đây là bản dịch của một bài chỉ dẫn cách viết một bài báo khoa học mà tôi viết cũng đã trên 15 năm.  Bản gốc viết bằng tiếng Anh cho nghiên cứu y khoa.  Nay tôi dịch sang tiếng Việt và có vài chỉnh sửa.  Điều khá vui là khi dịch lại tôi mới phát hiện có vài sai sót nhỏ trong bản cũ! Thế mới biết phải đọc đi đọc lại thì mới hoàn chỉnh được.  Vì bài viết khá dài và hạn chế thì giờ, nên tôi chỉ dịch từng phần, và sẽ post lên để các bạn nào quan tâm tham khảo. Cứ coi như là tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm với các bạn, một hình thức người đi trước mách mẹo cho người đi sau, chứ chẳng phải là giảng bài hay lên lớp gì ở đây. Tôi hi vọng các bạn sẽ rút ra vài kinh nghiệm. NVT

Mục tiêu số 1 của việc viết bài báo khoa học là truyền đạt thông tin về một vấn đề khoa học đến các đồng nghiệp, và tường trình những phương pháp hay cách tiếp cận để giải quyết vấn đề .  Các tập san y sinh học là phương tiện để các nhà khoa học chuyển tải thông tin.  Thông tin thường được trình bày dưới dạng một bài báo khoa học, và bài báo được viết theo một cấu trúc đặc thù mà cộng đồng khoa học phải tuân theo.  Do đó, để thành công trong khoa học, nhà khoa học phải nắm được kĩ năng viết bài báo khoa học.  Tôi soạn bài này trước hết là đưa một số lời khuyên về cách thức viết một bài báo khoa học, và sau đó là một cách chia sẻ một số kinh nghiệm viết lách trong khoa học.  Tôi ở vào vị thế may mắn là vì tôi biết tiếng Việt và tiếng Anh, và cũng phục vụ trong các ban biên tập các tập san y khoa quốc tế, nên có thể chia sẻ cùng các bạn những kinh nghiệm mà có lẽ người nước ngoài không thể chia sẻ.  Bài này được viết cho nghiên cứu sinh y khoa và sinh học, nhưng tôi nghĩ bạn đọc các ngành khoa học thực nghiệm khác cũng có thể rút ra vài kinh nghiệm.

Tựa đề (title) bài báo

Tựa đề bài báo được viết trên trang đầu của một bài báo, thường ở vị trí trung tâm.  Không nên gạch đích hay viết nghiêng tựa đề.  Phía dưới tựa đề bài báo là tên tác giả và nơi làm việc của từng tác giả.

Chúng ta muốn tựa đề bài báo phải “bắt mắt” người đọc, cho nên cần phải đầu tư một chút hời gian vào việc chọn chữ và chiến lược chọn tên cho bài báo.  Tựa đề không nên quá ngắn, nhưng cũng không nên quá dài, mà phải nói lên được nội dung chính của nghiên cứu.  Nếu tựa đề không nói lên được nội dung bài báo, độc giả sẽ không chú ý đến công trình nghiên cứu, và chúng ta mất người đọc.  Để có một tựa đề sáng tạo, tôi đề nghị các bạn nên tuân thủ hay ít ra là xem xét đến một số khía cạnh sau đây:

Không bao giờ sử dụng viết tắt.  Nên nhớ rằng nhiều người ngoài lĩnh vực chuyên môn đọc bài báo của bạn, và viết tắt có thể làm cho họ khó chịu vì họ không quen hay không biết đến những chữ viết tắt chuyên ngành.

Không nên đặt tựa đề theo kiểu nghịch lí hay tựa đề mơ hồ. Tựa đề nghịch ló và mơ hồ rất nguy hiểm, vì nó biểu hiện nghiên cứu của bạn chẳng giải quyết được vấn đề gì, hay chẳng có câu trả lời gì, và do đó người đọc có thể nghĩ sẽ rất phí thì giờ để đọc bài báo.

Không nên đặt tựa đề dài.  Tựa đề bài báo không nên dài hơn 20 từ.  Tựa đề dài có thể làm cho người đọc mất chú ý.  Tựa đề như “Genetic determination of bone mineral density in adult women: a reevaluation of the twin model and the potential importance of gene -environmental interaction on heritability estimates”  chẳng những dài dòng một cách không cần thiết, mà những chữ như "potential", "estimates", "adult" cũng không thiết yếu.  Tác giả có thể viết lại như “Roles of gene-environmental interaction in the estimation of heritability of bone mass: a reevaluation of the twin model.”

Tựa đề bài báo nên có yếu tố mới.  Yếu tố mới lúc nào cũng có hiệu quả thu hút sự chú ý của người đọc.  Chẳng hạn như tựa đề “A new family of mathematical models for describing the human growth”  (chú ý chữ “new”, tức “mới”) chắc được nhiều người chú ý hơn là tựa đề “A family of mathematical models for describing the human growth.”

Không nên đặt tựa đề như là một phát biểu.  Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy những tựa đề như “Smoking causes cancer", "Oestrogen is associated with bone loss, Physical activity is not a predictor of mortality,” v.v…. Những tựa đề này làm cho người đọc … bực mình.  Trong khoa học, không có một cái gì xác định và chắc chắn.  Chúng ta không thể nào chứng minh một giả thuyết.  Do đó, dùng chữ “cause”, hay chia động từ hiện tại như “is” (tức là nói đến chân lí) là một cách viết thể hiện sự thiếu hiểu biết khoa học của tác giả.  Nhà khoa học là người đi tìm chân lí, chứ không phải đã tìm được chân lí.

Vì tựa đề bài báo được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu, nên khi đặt tựa đề cần phải để ý đến những từ khóa (keywords). Phần lớn những cơ sở dữ liệu dùng tiêu đề và tựa đề làm thuật ngữ tìm kiếm.  Chẳng hạn như bài báo với tựa đề “The effects exercise on free fatty acids in the blood” sẽ được phân loại dưới thuật ngữ "fatty acids", "metabolism of fatty acids", "exercise", và "blood".  Nhưng nếu bái báo với tựa đề “The effects exercise on free fatty acids in the blood: a study in rats using chromotographic techniques,” thì sẽ được phân qua dưới thuật ngữ "composition of fatty acids", "chromotographic technique", "fatty acids in rats" và do đó sẽ thu hút nhiều độc giả hôn.

Ví dụ: Sau đây là ví dụ trang đầu của một bài báo khoa học.  Ví dụ này tương đối tiêu biểu, vì tập san (tiểu đường) đòi hỏi tác giả phải cung cấp những thông tin liên quan đến bài báo như số từ, số biểu đồ và bảng số liệu. viết tắt, tựa đề ngắn (còn gọi là running title), v.v… Tập san này cho phép tác giả viết nguyên họ, nhưng tên thì chỉ được viết tắt (chắc tiết kiệm mực!)

Chú ý rằng nhóm tác giả đặt tựa đề nói lên được ba khía cạnh chính của nghiên cứu, đó là tiểu đường (diabetes), huyết áp, và tỉ số vòng eo-mông.  Chú ý thêm rằng, trước chữ diabetes, nhóm tác giả thêm tính từ “undiagnosed” để gây chú ý cho người đọc, mà cũng phản ảnh một thực trạng ở hầu hết các quần thể bệnh nhân.

 

 

Tựa đề bài báo này đã qua 4 lần chỉnh sửa.  Ba lần đầu là do chính nhóm tác giả chỉnh sửa.  Đến khi bản thảo được bình duyệt, một chuyên gia đề nghị sửa lại một lần nữa.  Đôi khi tác giả cần phải đầu tư khá nhiều thì giờ cho một tựa đề bài báo.

Phần 1.  Nội dung một bài báo khoa học

Một bài báo khoa học thường có những phần sau đây: dẫn nhập (introduction), phương pháp (methods), kết quả (results), và bàn luận (discussion).  Cấu trúc này được gọi tắt là cấu trúc IMRAD.  Tuy nhiên, mỗi bài báo khoa học lúc nào cũng có phần tóm lược (abstract) để -- như tên gọi -- tóm tắt các khía cạnh chính của một công trình nghiên cứu hay một bài báo.

I.  Tóm lược (Abstract)

Có 2 loại tóm lược: không có tiêu đề và có tiêu đề.  Loại tóm lược không có tiêu đề là một đoạn văn duy nhất tóm tắt công trình nghiên cứu.  Loại tóm lược có tiêu đề -- như tên gọi – là bao gồm nhiều đoạn văn theo các tiêu đề sau đây: Background, Aims, Methods, Outcome Measurements, Results, Conclusions. Tuy nhiên, dù là có hay không có tiêu đề, thì một bản tóm lược phải chuyển tải cho được những thông tin quan trọng sau đây:

Câu hỏi và mục đích của nghiên cứu.  Phần này phải mô tả bằng 2 câu văn.  Câu văn thứ nhất mô tả vấn đề mà tác giả quan tâm là gì, và tình trạng tri thức hiện tại ra sao.  Câu văn thứ hai mô tả mục đích nghiên cứu một cách gọn nhưng phải rõ ràng.

Phương pháp nghiên cứu.  Cần phải mô tả công trình nghiên cứu được thiết kế theo mô hình gì, đối tượng tham gia nghiên cứu đến từ đâu và đặc điểm của đối tượng, phương pháp đo lường, yếu tố nguy cơ (risk factors), chỉ tiêu lâm sàng (clinical outcome).  Phần này có thể viết trong vòng 4-5 câu văn.

Kết quả.  Trong phần này, tác giả trình bày những kết quả chính của nghiên cứu, kể cả những số liệu có thể lấy làm điểm thiết yếu của nghiên cứu.  Nên nhớ rằng kết quả này phải được trình bày sao cho trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra từ câu văn đầu tiên.

Kết luận.  Một hoặc 2 câu văn kết luận và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu.  Có thể nói phần lớn độc giả chú tâm vào câu văn này trước khi học đọc các phần khác, cho nên tác giả cần phải chọn câu chữ sao cho “thuyết phục” và thu hút được sự chú ý của độc giả trong 2 câu văn quan trọng này.

Nếu tựa đề bài báo phát biểu về nội dung của công trình nghiên cứu, thì bảng tóm lược cho phép bạn mô tả chi tiết hơn nội dung của công trình nghiên cứu.  Độ dài của bảng tóm lược thường chỉ 200 đến 300 từ (tùy theo qui định của tập san).  Bảng tóm lược giúp người đọc nên đọc tiếp bài báo hay bỏ qua bài báo.  Do đó, tác giả cần phải cung cấp thông tin một cách ngắn gọn, nhưng có dữ liệu (chứ không phải chỉ hứa suông) và đi thẳng vào vấn đề (chứ không phải viết lòng vòng).  Thông thường bảng tóm lược được viết sau khi đã hoàn tất bài báo.  Kinh nghiệm của tôi trong những năm đầu nghiên cứu sinh cho thấy có khi tốn đến cả ngày chỉ để viết một abstract với 200 chữ.  Tôi xem abstract như một bài thơ, tức là tác giả phải chọn từ ngữ rất cẩn thận để phản ảnh một cô đọng những điều mình muốn chuyển tải đến cộng đồng khoa học.

Sau đây là một bản tóm lược tiêu biểu có tiêu đề.  Bài báo này trình bày một công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa các thành phần cơ thể (mỡ, nạc, xương) ở một nhóm phụ nữ Việt Nam sau mãn kinh (LT Ho-Pham, et al. Contributions of lean mass and fat mass to bone mineral density: a study in postmenopausal women. BMC Musculoskeletal Disorders 2010, 11:59).  Bản tóm lược có 4 tiêu đề: dẫn nhập, phương pháp, kết quả và kết luận. Phần dẫn nhập chỉ tóm gọn trong 2 câu văn, với câu đầu nêu vấn đề vẫn còn trong vòng tranh cãi, và câu 2 phát biểu về giả thuyết và mục đích của nghiên cứu.  Phần phương pháp mô tả số phụ nữ tham gia, độ tuổi, nơi nghiên cứu, phương pháp đo lường, và phương pháp phân tích.  Phần kết quả đi thẳng vào kết quả chính với những con số cụ thể.  Đương nhiên, những con số này sẽ được lặp lại chi tiết hơn trong bài báo.  Phần kết luận chỉ một câu văn có tính cách trả lời câu hỏi nghiên cứu.

Background

The relative contribution of lean and fat to the determination of bone mineral density (BMD) in postmenopausal women is a contentious issue. The present study was undertaken to test the hypothesis that lean mass is a better determinant of BMD than fat mass.

Methods

This cross-sectional study involved 210 postmenopausal women of Vietnamese background, aged between 50 and 85 years, who were randomly sampled from various districts in Ho Chi Minh City (Vietnam). Whole body scans, femoral neck, and lumbar spine BMD were measured by DXA (QDR 4500, Hologic Inc., Waltham, MA). Lean mass (LM) and fat mass (FM) were derived from the whole body scan. Furthermore, lean mass index (LMi) and fat mass index (FMi) were calculated as ratio of LM or FM to body height in metre squared (m2).

Results

In multiple linear regression analysis, both LM and FM were independent and significant predictors of BMD at the spine and femoral neck. Age, lean mass and fat mass collectively explained 33% variance of lumbar spine and 38% variance of femoral neck BMD. Replacing LM and FM by LMi and LMi did not alter the result. In both analyses, the influence of LM or LMi was greater than FM and FMi. Simulation analysis suggested that a study with 1000 individuals has a 78% chance of finding the significant effects of both LM and FM, and a 22% chance of finding LM alone significant, and zero chance of finding the effect of fat mass alone.

Conclusions

These data suggest that both lean mass and fat mass are important determinants of BMD. For a given body size -- measured either by lean mass or height -- women with greater fat mass have greater BMD.

Bản tóm lược dưới đây là một abstract tiêu biểu không có tiêu đề (LT Ho-Pham, et al.  Similarity in percent body fat between white and Vietnamese women: implication for a universal definition of obesity.  Obesity 2010; 18:1242-6).  Toàn bộ bản tóm lược chỉ là một đoạn văn.  Nhưng nếu chú ý kĩ sẽ thấy những thông tin được trình bày trong abstract tuân thủ theo cấu trúc IMRAD.  Phần dẫn nhập gồm 2 câu văn: câu đầu tiên nêu vấn đề nghiên cứu; câu thứ hai phát biểu mục đích nghiên cứu.  Các câu kế tiếp mô tả phương pháp nghiên cứu, kết quả, và kết luận.

It has been widely assumed that for a given BMI, Asians have higher percent body fat (PBF) than whites, and that the BMI threshold for defining obesity in Asians should be lower than the threshold for whites. This study sought to test this assumption by comparing the PBF between US white and Vietnamese women. The study was designed as a comparative cross-sectional investigation. In the first study, 210 Vietnamese women ages between 50 and 85 were randomly selected from various districts in Ho Chi Minh City (Vietnam). In the second study, 419 women of the same age range were randomly selected from the Rancho Bernardo Study (San Diego, CA). In both studies, lean mass (LM) and fat mass (FM) were measured by dual-energy X-ray absorptiometry (DXA) (QDR 4500; Hologic). PBF was derived as FM over body weight. Compared with Vietnamese women, white women had much more FM (24.8 +/- 8.1 kg vs. 18.8 +/- 4.9 kg; P or=30, 19% of US white women and 5% of Vietnamese women were classified as obese. Approximately 54% of US white women and 53% of Vietnamese women had their PBF >35% (P = 0.80). Although white women had greater BMI, body weight, and FM than Vietnamese women, their PBF was virtually identical. Further research is required to derive a more appropriate BMI threshold for defining obesity for Asian women.

N.V.T.

Xem tiếp phần 2 bàn về dẫn nhập

Từ khóa:     cách viết bài báo

Bài mới hơn cùng mục - Kỹ năng báo cáo

Bài cũ hơn cùng mục - Kỹ năng báo cáo

Tags:  cách viết bài báo

 

 

 

 

 
«Bắt đầuLùi12Tiếp theoCuối»

Trang 2 trong tổng số 2



bogddt hethongvb tuyensinh_thi diendan hanhchinh giaotrinhdt taignuyengd
Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật
Cẩm nang điện tử & Thi Tuyển Sinh Diễn Đàn Giáo Dục Thủ Tục Hành Chính Trong Giáo Dục Giáo Trình Điện Tử Tài Nguyên Giáo Dục Và Học Liệu