Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Tin tức-Sự kiện
Điểm thi vào lớp 10 TPHCM: Nhiều biến động so với năm trước PDF Print E-mail
Wednesday, 14 June 2017 10:03
GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa công bố điểm thi của các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2017- 2018.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM: Công việc chấm thi hoàn thành tốt, đảm bảo sự nghiêm túc, chính xác. Trong đó, môn Văn có hơn 91% thí sinh đạt trên 5 điểm; môn Toán gần 50% trên 5 điểm; Ngoại ngữ : trên 70% trên 5 điểm. Phổ điểm này thể hiện đúng kết quả phân loại học sinh theo năng lực, trình độ từ yếu, trung bình đến khá giỏi. Điểm chuẩn tuyển sinh vào các trường THPT sẽ lấy từ cao xuống thấp theo nguyện vọng 1,2,3 mà các em đăng ký.

Điểm thi vào lớp 10 TPHCM: Nhiều biến động so với năm trước

Như thế cơ hội được tuyển sinh vào lớp 10 không phụ thuộc vào đề thi ra khó hay dễ mà phụ thuộc vào năng lực của từng em. Tùy theo từng môn thi và độ phân hóa của đề thi, điểm chuẩn của các trường chuyên năm nay cũng tăng so với năm trước. Nhìn chung các trường chuyên, lớp chuyên đã tuyển chọn được học sinh lớp 10 có tố chất giỏi, năng khiếu.

Dự kiến, ngày 3/7, Sở sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 và danh sách học sinh (HS) trúng tuyển vào các trường THPT.

Căn cứ vào phổ điểm của gần 66.000 HS dự thi cho thấy điểm thi năm nay có nhiều biến động so với năm trước.

Ở môn Ngữ văn, theo thống kê, điểm môn này năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, ở khối 10 thường, năm nay chỉ có hơn 2.600 em bị điểm dười trung bình, chiếm 4,5%, trong khi năm ngoái có đến 19,5% em bị dưới trung bình. Và năm nay môn văn cũng có hơn 3.000 em được trên 8 điểm, gấp đến 5 lần so với năm ngoái. Ở khối 10 chuyên, điểm môn văn cũng khá cao khi có hơn 1.400 em đạt trên 8 điểm, trong khi năm ngoái chỉ có 388 em.

Khác với môn Ngữ văn có số điểm cao thì môn Toán có số HS có điểm dưới trung bình chiếm đến 56,2% em, tức có 33.420 em dưới trung bình, trong khi năm ngoái chỉ có 28% HS điểm dưới trung bình môn này. Trong đó, có hơn 1.600 em dưới 2 điểm.

Ở môn Toán thi vào lớp 10 thường, số em trên 8 điểm chỉ có 520 em, trong khi năm ngoái có đến hơn 6.000 em đạt trên 8 điểm. Năm nay cũng chỉ có một em duy nhất đạt 10 điểm Toán.

Ở lớp 10 chuyên năm nay chỉ có 8 em được 10 điểm Toán. Đặc biệt chỉ có 1.120 em đạt điểm trên 8, chiếm 17,3% số HS thi chuyên, trong khi năm ngoái có gấp ba số này được trên 8 điểm. Năm nay có 387 em đạt điểm dưới trung bình, năm ngoái con số này là 80 em.

Theo phân tích từ bảng điểm của tất cả thí sinh dự thi cho thấy tổng điểm của thí sinh năm nay giảm hơn năm ngoái. Nhiều giáo viên dự báo, điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay sẽ giảm so với năm học trước.

Bên cạnh công bố điểm thi vào lớp 10 thường, Sở cũng đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên và trường THPT chuyên tại TP. Điểm cao nhất vẫn là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở khối chuyên hóa với 43,25 điểm ở NV1 và 43,5 điểm ở NV2, kế đến là chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa với 40,5 điểm ở NV1 và 41 điểm ở NV2.

So với năm ngoái, điểm chuẩn các lớp, trường chuyên năm nay giảm khá mạnh ở các khối lớp, trung bình giảm 1-2 điểm, một ít khối lớp chuyên có điểm chuẩn tăng hơn. Theo thông báo của Sở, các thí sinh trúng tuyển khối lớp 10 chuyên sẽ nộp đơn nhập học từ ngày 13 đến 16 giờ ngày 19/6. Nếu em nào không nộp hồ sơ nhập học thì trường sẽ xóa tên trong danh sách trúng tuyển.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/diem-thi-vao-lop-10-tphcm-nhieu-bien-dong-so-voi-nam-truoc-3414862-c.html

 
4 trường ĐH Việt Nam đạt kiểm định chất lượng quốc tế PDF Print E-mail
Wednesday, 14 June 2017 10:00
GD&TĐ - Ngày 12/6/2017, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng 3 trường ĐH khác là ĐH Xây dựng, ĐHBK Đà Nẵng và ĐHBK TPHCM được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm.

Đây là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, việc kiểm định trường đại học được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế.

Đoàn chuyên gia HCERES làm việc tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Đoàn chuyên gia HCERES làm việc tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Đây là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, việc kiểm định trường đại học được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế.

Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức lựa chọn HCERES để kiểm định tháng 2/2016. Ngày 4/4/2016, Bộ GD&ĐT chính thức gửi công văn cho HCERES đề nghị đánh giá, kiểm định các cơ sở đào tạo thuộc chương trình PFIEV, trong đó có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ngày19/10/2016, Đoàn chuyên gia HCERES đã sang Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiến hành khảo sát sơ bộ và kết luận Trường hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng để tiến hành công tác kiểm định; đồng thời hướng dẫn quy trình kiểm định, bộ tiêu chuẩn kiểm định cũng như chuẩn bị báo cáo tự đánh giá.

"Ngày1/3/2017, Đoàn chuyên gia HCRES sang Việt Nam thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo của Trường. Sau 2 tháng, HCRES gửi bản dự thảo báo cáo đánh giá để Trường có ý kiến phản hồi. HCERES quy định 3 mức đánh giá: không đạt, đạt có điều kiện (yêu cầu khắc phục một số điểm) và đạt vô điều kiện (hiệu lực 5 năm).

Theo đó, Trường ĐHBK Hà Nội đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế với thời hạn 5 năm. Văn bản kết quả chính thức từ phía Hội đồng sẽ được gửi về Trường theo đường công văn trong thời gian tới đây" - ông Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/4-truong-dh-viet-nam-dat-kiem-dinh-chat-luong-quoc-te-3417693-v.html

 
Đẩy mạnh hợp tác giáo dục giữa Bộ GD&ĐT với Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Wednesday, 14 June 2017 09:58

Chiều nay (12/6), Thứ Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có buổi làm việc với bà Sandy Dang - Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) của Hoa Kỳ

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Văn Ga gửi lời cảm ơn đến VEF vì những đóng góp, hỗ trợ của Quỹ đối với GD-ĐT của Việt Nam. Cụ thể, VEF đã cấp học bổng cho 571 người sang học tiến sĩ tại Hoa Kỳ, hỗ trợ các chuyên gia của Hoa Kỳ sang giảng dạy tại Việt Nam và tham gia các đề án, chương trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 Thứ trưởng Bùi Văn Ga (ngoài cùng bên trái), bà Sandy Dang và ông Nguyễn Xuân Vang  Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga (ngoài cùng bên trái), bà Sandy Dang và ông Nguyễn Xuân Vang Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế tại buổi làm việc.

Thứ trưởng mong muốn, những chương trình này sẽ tiếp tục được VEF duy trì và phát triển. Phía Việt Nam cũng sẽ có kế hoạch để cấp học bổng sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập và đề nghị VEF giúp sinh viên Việt Nam lựa chọn được những trường uy tín ở Hoa Kỳ để theo học.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị VEF hỗ trợ Việt Nam phát triển đào tạo trực tuyến (online), giúp nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam, quản trị đại học, giáo dục STEM và cử chuyên gia Hoa Kỳ sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu.

Bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Thứ trưởng Bùi Văn Ga, bà Sandy Dang cho biết: Dự kiến tháng 10/2017, VEF sẽ cử 1 đoàn đánh giá sang Việt Nam để tổng kết đánh giá về quá trình hoạt động của VEF và quá trình hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Bà Sandy Dang cho biết thêm, vừa qua, các cựu sinh viên của VEF đã hỗ trợ tìm kiếm học bổng toàn phần cho 16 sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ.

Về những đề xuất của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, bà Sandy Dang cho biết sẽ báo cáo xin ý kiến Hội đồng quản trị của Quỹ VEF để việc hỗ trợ, hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và VEF tiếp tục được duy trì.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-manh-hop-tac-giao-duc-giua-bo-gddt-voi-hoa-ky-3411216-v.html

 
Ôn luyện THPT quốc gia 2017: Cách làm 7 dạng bài đọc hiểu tiếng Anh thường gặp PDF Print E-mail
Wednesday, 14 June 2017 09:54

Với 7 dạng bài đọc hiểu, học sinh cần nhận diện nhanh dạng câu hỏi và phương pháp làm từng bài đó. Phương châm khi làm bài đọc hiểu là không cần phải hiểu trọn vẹn bài đọc, những điều chúng ta đã biết quan trọng hơn và mang tính quyết định hơn những điều chúng ta chưa biết.

Thông thường, các câu hỏi bài đọc hiểu được chia làm 3 nhóm câu hỏi với 7 dạng bài tập cụ thể.

Nhóm câu hỏi thông tin tổng quát: Đối với dạng câu hỏi này chúng ta đừng quá đi sâu vào chi tiết hay từ mới mà chỉ cần chú ý đến cấu trúc và những từ khóa (key words) trong bài mà thôi.

DẠNG 1: Câu hỏi ý chính toàn đoạn (main idea)

Đây thường là câu hỏi đầu tiên trong các bài tập đọc hiểu nhằm mục đích kiểm tra kĩ năng đọc lướt và tìm ý chính trong đoạn văn. Ví dụ: What is the topic/ the subject/ the main idea/ the author’s main point… of the passage? (Đâu là nội dung chính của đoạn văn, điều tác giả đề cập đến?)

Để trả lời dạng câu hỏi này, học sinh nên đọc 1-2 dòng đầu tiên của đoạn văn, thông thường ý chính của mỗi đoạn văn nằm ở câu chủ đề (topic sentence), đứng đầu đoạn văn. Với những bài đọc dài và nhiều đoạn nhỏ, chúng ta sẽ cần đọc câu chủ đề của mỗi đoạn nhỏ này để tổng hợp thành ý chính.

Để chắc chắn hơn, học sinh nên đọc lướt qua những dòng còn lại, kiểm tra liệu ý chính của những dòng đầu tiên có đúng với những dòng còn lại hay không.

Ví dụ (đề tham khảo) Question 36. What does the passage mainly discuss?

A. Marriage as a business transaction today

B. Mother’s roles in their children’s marriage

C. Marriage practices in modern society

D. The practice of arranged marriage

Căn cứ câu mở đầu: Marriage nowadays is a choice people make on their own, but this has not always been the case in society.” Ta đã có thể loại đáp án B vì nội dung không liên quan. Sau đó, cụm “but this has not always been the case” ngụ ý rằng bài này sẽ phân tích về nhưng phong tục cưới trong quá khứ . Từ đây đã có thể phán đoán và loại bỏ đáp án A, C.

Tuy nhiên, để chắc chắn, ta đọc thêm phần cuối của đoạn văn thấy có nhắc tới “arranged marriage” như một phong tục cổ hủ nhưng vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Từ đó suy ra đáp án chính xác là D.

DẠNG 2: Câu hỏi về cách tổ chức tổng quát (organization)

Ví dụ: Which of the following best describe the organization of the passage? / How are the events in the passage presented?

Một đoạn văn có thể được trình bày theo các cấu trúc trình tự thời gian, nguyên nhân – kết quả, so sánh – đối lập, định nghĩa – ví dụ, mức độ quan trọng, luận điểm dẫn chứng, khái quát đến chi tiết hoặc ngược lại, trình tự bảng chữ cái. Chúng ta suy đoán cấu trúc đoạn văn dựa vào các từ nối giữa các ý trong bài. Ví dụ, cấu trúc trình tự thời gian sẽ có một vài keyword như In 1990, in the 1900s, before, after…; nguyên nhân – kết quả sẽ có keyword như because, due to, therefore..

Nhóm câu hỏi chi tiết trong đoạn văn (detail question):

Đây là dạng câu hỏi chiếm đến 50% số lượng các câu hỏi, tập trung vào một thông tin cụ thể như thời gian, địa điểm, người, vật, nguyên nhân, kết quả,… Các câu hỏi chi tiết thường bám theo trình tự bài đọc.Câu trả lời đúng nhất có nội dung sát với thông tin trong bài, và thường được diễn đạt theo một lối khác đi như thay đổi cấu trúc câu hay dùng các từ đồng nghĩa, hoặc trái nghĩa.

DẠNG 3: Câu hỏi về chi tiết được nhắc đến trong bài (stated detail question)

Dạng câu hỏi chi tiết có thể được nhận biết qua các cách đặt câu hỏi sau đây: According to the passage…, It is stated in the passage..., The passage indicates that…, Which of the following is true...?

Với dạng câu hỏi này, chúng ta sử dụng keyword trong chính câu hỏi để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, đôi khi trong bài sẽ không sử dụng nguyên cụm từ keyword mà dùng một từ có nghĩa tương đương, vì vậy, biết cách paraphrase keywords để tìm thông tin cũng là một kĩ năng quan trọng

Ví dụ (Đề tham khảo): Question 44. According to the passage, what information does the satellite collect from the transmitter?

A. The chance of panthers’ survival

B. The panther’s exact location

C. The biologists on the ground

D. The total number of panther

Phân tích câu hỏi: Keywords trong câu hỏi là “information, collect, transmitter”. Quay ngược lại tìm các keywords này trong bài. Ở dòng 3, đoạn 3 có câu: “The satellite collects information from the transmitter about the panther’s exact location. Ta chọn được đáp án B

Giáo viên Trương Hoàng Anh

DẠNG 4: Câu hỏi về chi tiết không được nhắc đến trong bài (unstated detail question)

Ví dụ: What activity did the paragraph NOT mention?

What is NOT stated about the products?

Which of the following detail did the paragraph fail to mention?

All of these can be inferred from the passage EXCEPT…

Với một số thông tin ngắn, chúng ta tìm ở những đoạn mang liệt kê chi tiết trong bài (những đoạn có nhiều dấu (,) gạch đầu dòng (-) hoặc từ “and”.

DẠNG 5: Câu hỏi về từ vựng (vocabulary question)

Là loại câu hỏi về nghĩa của từ. Muốn làm được dạng này, ta cần đọc cả câu chứa từ đó, thâm chí câu trước và sau nó, rồi dựa vào ngữ cảnh để suy luận. Muốn hiểu hết nghĩa của từ, cần vận dụng kiến thức về gốc từ, tiền tố, hậu tố; suy luận logic; dấu câu (chấm phẩy, hai chấm, gạch nối); từ nối (although, therefore, etc.)

DẠNG 6: Câu hỏi liên hệ đại từ (“refer to” question)

Ví dụ: What does the word “they” in line 3 refer to?

Để trả lời được câu hỏi này, học sinh trở lại đoạn văn, đọc câu có đại từ được hỏi và câu trước đó; tìm một từ nào đó trong hai câu trên có thể thay được bằng đại từ được hỏi (chú ý đến số ít số nhiều) hoặc tìm một từ trong các đáp án trả lời gần nhất với từ tìm thấy trong đoạn văn.

Nhóm câu hỏi suy luận

DẠNG 7: Câu hỏi ngụ ý (inference question)

Thường hỏi về thông tin không nêu trực tiếp trong đoạn văn, ví dụ

- Which of the following can be inferred from the passage?

- Which of the following would be the most reasonable guess about…?

- What is the author’s tone in this passage? (informative, neutral, enthusiastic, regretful, disapproving, etc.)

Một số đáp án được đưa ra: Positive (tích cực); Negative (tiêu cực); Neutral (trung lập); Supportive (ủng hộ); Skeptical (nghi ngờ)…

Loại câu hỏi này đòi hỏi phải suy luận, nên các bạn nên luôn làm sau cùng. Để làm câu này, học sinh cần áp dụng kiến thức về ý chính (main idea), đọc các đáp án, tìm từ khóa ở các đáp án rồi rà soát đọc lại thông tin liên quan đến từ khóa đó trong bài.

Ví dụ (đề tham khảo) Question 50. Which of the following could best describe the author’s attitude in the passage?

A. objective (khách quan) B. negative (tiêu cực) C. sarcastic (mỉa mai) D. sympathetic (đồng cảm)

Phân tích câu hỏi: thường với những đoạn văn về khoa học sẽ được viết với ngôn ngữ khách quan, trung lập chứ không mang cảm xúc. Đọc bài, ta cũng thấy ngôn ngữ trong bài là ngôn ngữ trung tính, không mang các tính từ cảm xúc, các từ nhấn mạnh hay dấu chấm than, dấu chấm hỏi, etc. Đáp án A

Nguồn thông tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/on-luyen-thpt-quoc-gia-2017-cach-lam-7-dang-bai-doc-hieu-tieng-anh-thuong-gap-20170614092809212.htm

 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Nguồn lực và động lực là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục PDF Print E-mail
Saturday, 10 June 2017 08:03

GD&TĐ - Muốn nâng cao được chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên, nhà giáo là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như vậy khi phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường Quốc hội sáng 9/6, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Thực hiện hợp đồng giáo viên: Nghiên cứu thật kỹ lộ trình

Thực tế với chế độ công chức, viên chức như hiện nay, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vẫn còn nhiều bất cập. Rõ nhất là vấn đề tuyển dụng, chưa phù hợp với nhu cầu về môn học cũng như khả năng đáp ứng chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa - thiếu cục bộ. Bên cạnh đó, phần nhiều giáo viên tâm lý vào biên chế cho ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt về phẩm chất, năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới.

“Từ thực tế đó, đặt vấn đề nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động; trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 29 đã nêu rất rõ: Năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực phẩm chất dạy theo phương pháp mới, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu mới. “Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình bước đi và chúng tôi thực hiện một cách căn cơ” - Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, việc chuyển viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động sẽ thí điểm trước ở các trường đại học, vì đây là khu vực thuận lợi trong thực hiện đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ. Qua trao đổi, các đơn vị và các Sở đều nhất trí chủ trương này; dư luận xã hội cũng rất quan tâm và đồng hành. Điều quan trọng là lộ trình như thế nào để phù hợp với điều kiện của các cơ sở và tâm lý của giáo viên.

Hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy giáo dục phát triển

Liên quan đến chính sách đối với học sinh, sinh viên, giáo viên, Bộ trưởng cho biết, đối với mầm non 5 tuổi, tất cả học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đều được miễn học phí, bắt đầu từ năm 2018. Đối với giáo viên cũng tăng cường các chế độ, chính sách, đặc biệt phối hợp cùng Bộ Nội vụ rà soát các chế độ về thâm niên, lớp ghép, tiến tới xóa bỏ việc đăng ký thi đua và một số những quy định trước đó vốn dẫn đến chất lượng không thực chất…

Về chính sách liên quan đến thể chất, theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, thành lập Vụ giáo dục thể chất để có điều kiện thuận lợi chăm lo cho thể lực của học sinh.

Về vấn đề bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông. Hiện Bộ cũng đang thực hiện các kế hoạch phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tăng cường môi trường an toàn cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Bộ GD&ĐT đồng thời có văn bản gửi các địa phương và các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên gần đây…

Liên quan đến cải cách giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ trưởng Phòng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT đã xây dựng Nghị định tự chủ và đã trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục sẽ thay thế Nghị định 73 ban hành năm 2012, đã trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-bo-gddt-phung-xuan-nha-nguon-luc-va-dong-luc-la-chia-khoa-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc-3401244-c.html

 
«StartPrev12345678910NextEnd»

Page 5 of 16


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD