Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Tin tức-Sự kiện
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ tính toán đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng khả thi PDF Print E-mail
Friday, 19 May 2017 08:27

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Tại đây, nhiều câu hỏi về Chương trình phổ thông mới, chế độ đối với giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp đã được đặt ra cho người đứng đầu ngành Giáo dục.

Từ tháng 9/2017 đào tạo giáo viên cốt cán

Cử tri Võ Ngọc Sỹ, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Bình Định cho rằng, việc xây dựng mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên quá trình triển khai sẽ “vướng” trong việc bố trí giáo viên.

Theo cử tri này, để có giáo viên dạy các môn học mới, dự kiến phải thực hiện theo hai hướng mà hiện nay hướng nào cũng khó.

“Nếu tuyển mới đúng vị trí việc làm sẽ làm “phình” bộ máy biên chế, chưa nói tới nguy cơ không tuyển được vì hiện các trường sư phạm chưa đào tạo các chuyên ngành mới này.

Còn nếu đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên đội ngũ giáo viên hiện có thì chưa có chương trình, chưa biết cơ sở nào được đào tạo, bồi dưỡng và chế độ cho giáo viên ra sao” - ông Sỹ đặt vấn đề.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời cử tri.

Cũng theo ông Sỹ, dự thảo chương trình phổ thông mới quy định,  ở bậc THPT học sinh được tự chọn ba môn và một chuyên đề với tối thiểu là 330 tiết, điều này có thể gây biến động lớn nếu mỗi năm nhu cầu tự chọn một khác, các trường không thể bố trí được giáo viên.

Cùng nỗi băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới, cử tri Lý Chiêu Hòa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục TP Quy Nhơn bày tỏ: “Dự thảo quy định chậm nhất đến năm học 2022-2023 các trường tiểu học phải tổ chức dạy học hai buổi/ngày là rất khó khăn.

Ví dụ ở Quy Nhơn hiện có 666 lớp tiểu học, nếu giữ nguyên số lượng lớp này thì trong sáu năm tới cần xây thêm hơn 230 phòng học mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đây là con số lớn, khó thực hiện được. Đó là chưa nói đến khó khăn trong bố trí giáo viên. Cụ thể, nhiều giáo viên lớn tuổi không thể đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn khi tiến hành đổi mới, có nguyện vọng được nghỉ sớm thì bộ cần quan tâm xây dựng chính sách chế độ cho họ”.

Trả lời các băn khoăn của cử tri, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện, chuyển hướng để phát triển năng lực phẩm chất, thay đổi toàn bộ từ triết lý đến nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá và điều kiện thực hiện.

“Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bắt đầu từ năm 2018, đây là thời điểm đã được tính toán đến quá trình chuẩn bị. Ngành Giáo dục cũng đang triển khai theo hướng quyết liệt, thận trọng và cầu thị lắng nghe” - Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Nhạ, chương trình cũ dạy đơn môn với các tiết rất rời rạc, còn chương trình mới là tổng hợp kiến thức, tăng cường năng lực, có một số môn tích hợp nên đòi hỏi giáo viên phải được bồi dưỡng, đào tạo lại cho phù hợp.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4709

 
Giáo dục STEM trong trường phổ thông không chỉ là lý thuyết PDF Print E-mail
Friday, 19 May 2017 08:25

Tại Việt Nam, giáo dục STEM đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm đưa vào giảng dạy ở một số trường phổ thông, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, giúp người học gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống.

STEM được đánh giá sẽ là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai gần của thế giới.

Tại Việt Nam, giáo dục STEM đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm đưa vào giảng dạy ở một số trường phổ thông, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đây là một trong những việc chuẩn bị để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đang xây dựng.

Để hiểu hơn về giáo dục STEM trong trường phổ thông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh không phải “thợ” chế tạo theo mẫu

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, mặc dù giáo dục STEM đã được triển khai thí điểm ở một số địa phương nhưng đến nay vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Ông có thể giới thiệu về hình thức giáo dục này?

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: thanhthuy.phutho.gov.vn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành: Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp (Khoa học - Công nghệ - Kĩ thuật - Toán) chứ không phải là một môn học, trong đó các bài học được xây dựng theo chủ đề STEM nhằm lồng ghép kiến thức Khoa học và Toán với các vấn đề trong Công nghệ và Kĩ thuật của thế giới thực.

Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.

Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học cần dạy.

Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề đó (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.

Tóm lại, học sinh sẽ được học kiến thức gắn liền với những ứng dụng của nó trong công nghệ và kĩ thuật; vận dụng kiến thức học được để tiếp tục sáng tạo về khoa học, công nghệ và kĩ thuật.

Như vậy, giáo dục STEM sẽ giúp thực hiện được mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh đáp ứng yêu cầu mới.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-duc-STEM-trong-truong-pho-thong-khong-chi-la-ly-thuyet-post176405.gd

 
Chương trình tổng thể không cần giáo viên chuyên dạy trải nghiệm sáng tạo PDF Print E-mail
Friday, 19 May 2017 08:23

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo không phải là một môn học riêng biệt mà là hoạt động giáo dục gắn liền và đan xen với các môn học trong chương trình phổ thông.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về vị trí, vai trò cũng như cách triển khai hoạt động này trong nhà trường.

Để hiểu hơn về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.(Ảnh: Vietnamnet.vn)

Khi lời giải "thông minh" hơn người ra đề

Phóng viên: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo không phải là hoạt động mới trong nhà trường.

Tuy nhiên khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố, vẫn có một số ý kiến trái chiều hiểu chưa đúng về hoạt động này. Vậy, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần được hiểu như thế nào, thưa ông?


Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành: Trước hết phải nhấn mạnh rằng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không phải là một môn học riêng biệt mà là hoạt động giáo dục gắn liền và đan xen với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh được hoạt động thực hành trải nghiệm những kiến thức, kĩ năng đã học trong các môn học; đồng thời qua đó tiếp tục tìm tòi, mở rộng kiến thức và khả năng ứng dụng của kiến thức vào thực tiễn.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-tong-the-khong-can-giao-vien-chuyen-day-trai-nghiem-sang-tao-post176549.gd

 
5 đề xuất của nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT với Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể PDF Print E-mail
Wednesday, 17 May 2017 11:13
GD&TĐ - PGS.TS Trần Quang Quý – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - nhận xét: Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

5 đề xuất của nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT với Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể

Về một số nội dung trong bản dự thảo, PGS đã đề xuất, góp ý với Ban phát triển chương trình như sau:

Thứ nhất, về thời lượng giáo dục có hai điều tôi còn băn khoăn.

Một là, trong Dự thảo chương trình chúng ta xây dựng thời lượng của tiết học cho lớp 1, lớp 2 là khoảng 30 đến 35 phút/tiết; lớp 4, lớp 5 khoảng 35 đến 40 phút/tiết học.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khoa học thì điều này không phù hợp vì vậy Ban phát triển chương trình nên nghiên cứu lại và nên thống nhất trong toàn trường về thời lượng của một tiết học. Tức là thời lượng của các em lớp 1 lớp 2 bằng các anh chị lớp 3, lớp 4, lớp 5.

Vì giả sử nếu lớp 1, lớp 2 học 30 phút đến 35 phút/tiết, các em được ra chơi, trong khi các anh/chị lớp 3, 4, 5 vẫn đang phải học. Như vậy các bạn ấy chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các em lớp 1, 2.

Hai là: Số tiết trong năm học của bậc tiểu học nhiều hơn THCS và THCS lại nhiều hơn THPT. Điều này đồng nghĩa với việc càng lên cao thì học sinh học càng ít. Như vậy không phù hợp với tâm lý giáo dục.

Theo nguyên lý giáo dục và nguyên lý tâm lý lao động thì ở giáo dục càng lên cao, học càng phải nặng hơn. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 các em phải được vừa học, vừa chơi – vừa chơi, vừa học. Vì vậy Ban phát triển chương trình cũng nên nghiên cứu lại vấn đề này.

Thứ hai: Về quan điểm xây dựng chương trình, chúng ta cần kiểm soát được chương trình của các môn học cụ thể để không gây quá tải cho học sinh. Ban phát triển chương trình cần chú ý điểm này khi chỉ đạo xây dựng chương trình.

Thứ ba, tôi tán thành khi trong Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đề cập đến phân hóa. Nhưng theo tôi, nên chăng cần xem xét lại khi đặt tên một số môn học.

Ví dụ: Có một số môn học như: Tìm hiểu về công nghệ; Tìm hiểu về Tự nhiên, xã hội hay Tìm hiểu về Tin học... Tôi nghĩ nếu đã đưa các môn này vào nhà trường thì phải có tính chất khoa học.

Nếu để chữ “Tìm hiểu” thì sẽ rất mênh mông và khó cho cả thầy lẫn trò. Không cẩn thận sẽ sai mục đích về năng lực phẩm chất khi học các môn học này. Vì vậy theo tôi nên thống nhất gọi các môn học đó là: môn Công nghệ, Tin học, Khoa học Tự nhiên...

Thứ tư: Tôi đồng tình với ý kiến về định hướng đánh giá. Chúng ta nên quy định cụ thể về sự tham gia của nhà trường, lãnh đạo trường, giáo viên. Đặc biệt là phân rõ quyền, trách nhiệm của giáo viên, học sinh, phụ huynh khi tham gia vào quá trình đánh giá.

Thứ năm: Về điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, nếu bắt đầu áp dụng chương trình mới trong năm 2018 sẽ hơi vội vàng. Vì vậy, chúng ta nên mạnh dạn đề nghị Quốc hội lùi lại 1 năm để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ hơn.

Tôi đồng tình với phương án là: áp dụng chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu. Thực hiện ngay ở lớp 1, sau đó là lớp 6, lớp 7 thực nghiệm và phải có thời gian bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên hiện nay.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/5-de-xuat-cua-nguyen-thu-truong-bo-gddt-voi-du-thao-chuong-trinh-gdpt-tong-the-3299904-v.html

 
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Đội ngũ hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng PDF Print E-mail
Wednesday, 17 May 2017 11:04
GD&TĐ -  Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục chính là đội ngũ giáo viên. Tại thời điểm hiện nay vấn đề đào tạo lại đội ngũ hiệu trưởng chính là giải pháp hữu hiệu” - TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể:  Đội ngũ hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng

Trước hết, xin ông cho biết những đánh giá của mình về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

Với yêu cầu đổi mới giáo dục, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này đã bám sát được chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Nghị quyết 29 - NQ/TW, đó là: Phát triển GD-ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ việc chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chương trình giáo dục lần này đã cố gắng đưa nền giáo dục của chúng ta thoát khỏi vấn đề đơn thuần là cung cấp kiến thức lý thuyết, chuyển sang nền giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cả về năng lực, phẩm chất, hài hòa đức, trí, thể mỹ và phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.

Vậy đâu là những điều mà ông tâm đắc về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này?

Thứ nhất, chương trình đã xác định rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông đó là dạy học sinh làm người, hình thành phẩm chất, phát triển năng lực của học sinh; Chương trình đã thoát khỏi tình trạng dạy chủ yếu là cung cấp kiến thức, dạy lý thuyết suông. Quan trọng là các em biết mang những kiến thức đã học được để áp dụng vào thực tiễn, mang lại những lợi ích cho xã hội một cách hiệu quả hơn, theo kịp với thế giới.

Thứ hai, chương trình quan tâm đến việc phát triển cá nhân con người. Lâu nay chúng ta theo chủ nghĩa tập thể, mọi thứ đều cào bằng với tinh thần bình quân chủ nghĩa. Vì vậy, chương trình soạn ra cho hàng triệu học sinh học tập như nhau, không có sự phân hóa. Từ miền núi đến hải đảo, nông thôn đều học chung một bộ sách giáo khoa mà chưa quan tâm đến yếu tố phân hóa từng vùng miền, chưa chú ý đến năng lực thực sự của từng con người.

Dự thảo chương trình mới lần này đã đưa giáo dục thoát được khỏi tình trạng trên; thể hiện qua việc đưa vào nhiều bộ môn mới, chương trình mới, tạo ra sự phân hóa, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với năng lực, tiềm năng của con người. Bên cạnh đó, chương trình ở 3 cấp tiểu học, THCS, THPT đã được xây dựng khác nhau. Tiểu học cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng chương trình đã bắt đầu thay đổi qua việc quan tâm đào tạo con người toàn diện. Ở cấp THCS, đã đưa giáo dục thể chất, giáo dục âm nhạc, giáo dục nghệ thuật, công nghệ thông tin, tin học ứng dụng vào chương trình và bố trí tương đối hợp lý.

Đến cấp THPT, ban soạn thảo chương trình đưa ra hệ thống các môn bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa… để các em lựa chọn tùy theo năng lực và sở thích của mình - đó là sự phân hóa rõ ràng. Chương trình cũng đã đưa vào một số bộ môn nhất là trong thời đại cách mạng 4.0, như đưa tin học ứng dụng là một bộ môn riêng, hay giáo dục nghệ thuật, giáo dục âm nhạc cũng trở thành định hướng nghề nghiệp…. Đó là những môn học đáp ứng đòi hỏi nghề nghiệp mà nhu cầu xã hội cũng rất cần. Đây là những điều mới mẻ, bởi nó đảm bảo được vấn đề phát triển toàn diện năng lực cho học sinh và phát huy được khả năng sáng tạo của từng cá thể.

Thứ ba, chương trình đã quan tâm đến vấn đề định hướng nghề nghiệp và đã xác định rõ các giai đoạn định hướng nghề nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn THPT. Trong chương trình đã có những môn học thể hiện rõ định hướng nghề nghiệp, như các môn văn hóa nghệ thuật, các môn CNTT với tinh thần định hướng nghề nghiệp cho các em. Chú trọng tới các ngành nghề phục vụ cho xã hội chứ không chỉ có các nghề thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Theo ông để có thể thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này thì vấn đề đào tạo đội ngũ nhà giáo phải được thực hiện ra sao?

Sự chuẩn bị kỹ càng về chương trình, về đội ngũ, sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, địa phương là yếu tố quyết định đối với sự thành công của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục chính là đội ngũ giáo viên. Giáo viên cần phải thực sự áp dụng và bắt kịp được phương pháp giảng dạy mới: Dạy học thông qua trải nghiệm, chú ý đến vấn đề phát triển năng lực, phẩm chất của người học, thoát khỏi việc giảng dạy bằng lý thuyết suông… Cho nên để giáo viên có thể đáp ứng được với yêu cầu chương trình giáo dục mới, cần phải đào tạo lại đội ngũ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc chúng ta cần làm ngay đó là phải ưu tiên đào tạo cơ bản lại đội ngũ quản lý, cụ thể là các hiệu trưởng, để họ có đủ trình độ triển khai chương trình đổi mới về từng cơ sở, đến từng giáo viên đứng lớp. Điều này sẽ giảm chi phí và khối lượng công việc so với việc đào tạo lại toàn bộ đội ngũ giáo viên. Bởi hiệu trưởng là người trực tiếp tổ chức triển khai chương trình, vận dụng cơ sở vật chất hiện có, huy động xã hội hóa giáo dục… Họ phải là người thấu hiểu và có năng lực thì mới tổ chức được đội ngũ giáo viên thực hiện thành công quá trình đổi mới. Thực tế, đội ngũ hiệu trưởng của các nhà trường hiện nay đã công tác khá lâu năm, lại được đào tạo phần lớn trong thời kỳ bao cấp nên có những hạn chế nhất định. Vì vậy giải pháp trước mắt là cần đào tạo lại đội ngũ hiệu trưởng thì mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Xin cảm ơn ông!

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/du-thao-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-doi-ngu-hieu-truong-dong-vai-tro-quan-trong-3299477-b.html

 
«StartPrev12345678910NextEnd»

Page 7 of 16


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD