French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Tin tức-Sự kiện
NGÀY HỘI TƯ VẤN XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC 2019 PDF. In Email
Thứ năm, 30 Tháng 5 2019 10:14

Thực hiện kế hoạch năm học 2018 – 2019, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục vào Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày Hội tư vấn xét tuyển viên chức năm 2019 với các nội dung sau:

I. Mục đích, yêu cầu
- Cung cấp thông tin xét tuyển viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đến sinh viên tốt nghiệp năm 2019.
- Hướng dẫn thủ tục, quy trình đăng kí thi tuyển viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
- Cung cấp thông tin việc làm cho sinh viên tốt nghiệp năm 2019.
- Truyền thông, quảng bá hình ảnh của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

II. Nội dung
1. Thời gian: Từ 13 giờ 30 đến 17 giờ ngày 14 tháng 06 năm 2019.
2. Địa điểm: Hội trường B, cơ sở 280 An Dương Vương, phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đối tượng tham gia: tất cả sinh viên ngành Sư phạm.
4. Các hoạt động chuyên môn
4.1 Hướng dẫn thủ tục, quy trình đăng kí thi tuyển viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
- Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến các quy định, thủ tục, quy trình liên quan đến việc đăng kí thi tuyển viên chức năm 2019 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
4.2 Phỏng vấn tuyển dụng
- Sinh viên có điều kiện tham gia phỏng vấn tuyển dụng với một số Trường tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

III. Hình thức đăng ký
- Sinh viên có nhu cầu tham gia, đăng kí qua đường dẫn https://bitly.vn/462x hoặc đăng kí trực tiếp tại phòng Công tác Chính trị và Học sinh sinh viên (phòng A109).
- Thời hạn đăng kí: Từ ngày ra thông báo cho đến hết ngày 13 tháng 6 năm 2019.

 
Hội nghị trực tuyến về Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ Chương trình Giáo dục Phổ thông mới 28/3/2019 PDF. In Email
Thứ sáu, 29 Tháng 3 2019 16:52

Từ tháng 4/2019 triển khai bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Sáng 28/3. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình GDPT mới, kết nối gần 800 điểm cầu từ Bộ GD&ĐT tới các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT trên toàn quốc.

 

Điểm cầu trực tuyến tại Bộ GD&ĐTĐiểm cầu trực tuyến tại Bộ GD&ĐT

 

Ưu tiên bồi dưỡng 100% giáo viên lớp 1

Thông tin về đối tượng bồi dưỡng, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, có 4 đối tượng sẽ được tham gia bồi dưỡng gồm: Giảng viên sư phạm chủ chốt; giáo viên phổ thông đại trà; cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng); cán bộ quản lý giáo dục cấp sở, phòng.

Theo kế hoạch, năm 2019 sẽ tập trung tổ chức bồi dưỡng 2 chuyên đề: Triển khai thực hiện chương trình GDPT mới và những yêu cầu đặt ra với từng đối tượng bồi dưỡng; tăng cường năng lực cho mỗi đối tượng được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới. Việc bồi dưỡng dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 4. Riêng giáo viên đại trà lớp 1 sẽ ưu tiên bồi dưỡng 100% trong năm 2019.

Tài liệu bồi dưỡng được xác định gồm tài liệu in (nội dung dạy học các chủ đề minh họa; giáo án; tài liệu bổ trợ); video (bài học minh họa được thực hiện tại trường phổ thông; sinh hoạt chuyên môn/phân tích, rút kinh nghiệm về bài học minh họa…); mô phỏng (thí nghiệm, hiện tượng, quá trình…) và phần mềm kiểm tra, đánh giá.

Ông Thành cũng cho biết, thời gian qua, các trường đại học sư phạm, học viên đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thực tế, đề xuất chuyên đề cần bồi dưỡng cho mỗi đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT lựa chọn chuyên đề phù hợp để giao cho các trường đại học sư phạm, học viện biên soạn, thẩm định tài liệu.

Các trường đại học sư phạm, học viện sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán theo hình thức học kết hợp. Địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đại trà với sự hỗ trợ từ các trường đại học sư phạm, học viện. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, giám sát toàn bộ công tác bồi dưỡng theo kế hoạch hàng năm.

“Yêu cầu đặt ra là việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng phải phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng được bồi dưỡng, đảm bảo thiết thực và hiệu quả” - ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Thời gian bồi dưỡng không ảnh hưởng đến chuyên môn của nhà trường

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT cơ bản nhất trí với kế hoạch tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình GDPT mới năm 2019. Tuy nhiên, một số địa phương bày tỏ băn khoăn về thời gian tổ chức bồi dưỡng, vì thời điểm tháng 4, 5, 6 trùng với thời gian kết thúc năm học và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học trao đổi tại Hội nghịÔng Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học trao đổi tại Hội nghị

Giải thích về băn khoăn này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, khi xây dựng kế hoạch đã có sự tính toán, kỳ thi THPT quốc gia dành cho lớp 12, còn bồi dưỡng năm 2019 tập trung vào bậc Tiểu học, chủ yếu lại là lớp 1. Ở giai đoạn đầu bồi dưỡng, đối tượng bồi dưỡng là đội ngũ cốt cán, có nghĩa là mỗi trường chỉ có 1 giáo viên, vì vậy không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyên môn của mỗi nhà trường.

 

Cũng về vấn đề thời gian, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc nào của ngành cũng cần được quan tâm, trong đó, việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình GDPT mới là không thể trì hoãn được, vì vậy cần cân đối để triển khai sao cho phù hợp, tránh dồn việc bồi dưỡng vào cùng một thời điểm.

Dành sự quan tâm cho điều kiện triển khai bồi dưỡng giáo viên tại địa phương, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đề nghị, Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn rõ hơn trách nhiệm của sở GD&ĐT, đồng thời có văn bản gửi UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương, bảo đảm điều kiện tổ chức bồi dưỡng; nhất là hướng dẫn về kinh phí trong tổ chức bồi dưỡng tại địa phương.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán và thanh quyết toán xây dựng tài liệu địa phương. Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành công văn hướng dẫn kinh phí, mức chi cho bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới.

Thứ trưởng cũng lưu ý, các địa phương cần nhận thức, quan tâm đầy đủ về công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là yếu tố quyềt định thành công chương trình GDPT mới. Chọn lọc đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán thực sự chất lượng. Chủ động tham mưu với UBND tỉnh/thành phố để xây dựng kế hoạch tổng thể công tác bồi dưỡng, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng hoạt động bồi dưỡng.

Bồi dưỡng trực tuyến sẽ là đột phá

Quan tâm tới hình thức bồi dưỡng trực tuyến, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai đề xuất, hình thức trực tuyến cần được thực hiện nhiều hơn trực tiếp, các nội dung chủ yếu được triển khai bằng hình thức trực tuyến, thời gian bồi dưỡng trực tiếp chỉ dành để giải đáp các thắc mắc của giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghịThứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Cũng quan tâm tới hình thức bồi dưỡng qua mạng, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị, Bộ sớm đưa bộ học liệu bồi dưỡng lên mạng để giáo viên, cán bộ quản lý nghiên cứu trước. Ngoài ra, ông Thành cũng đề nghị Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) có hướng dẫn cụ thể các địa phương về kết nối hạ tầng CNTT, chuẩn bị điều kiện, thiết bị hạ tầng CNTT.

 

Trao đổi với các địa phương, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT cho biết, trực tuyến sẽ là hình thức bồi dưỡng được làm trước, tài liệu bồi dưỡng sẽ được gửi trước qua mạng. Hiện nay, Bộ đang xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến và phần mềm bồi dưỡng trực tuyến của ngành, theo đó mỗi giáo viên sẽ có một tài khoản riêng, quá trình bồi dưỡng của giáo viên được cập nhật qua hệ thống này.

“Bồi dưỡng trực tuyến sẽ là điểm mới, đột phá trong triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý lần này. Các bài giảng sẽ được số hóa, giáo viên có thể xem mọi lúc mọi nơi, có thể tương tác.” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, khi nào bồi dưỡng trực tuyến đủ mới bồi dưỡng trực tiếp. “Chúng ta cần lưu ý các tỉnh miền núi điều kiện đi lại rất khó khăn, không thể để thầy cô có số ngày đi lại nhiều hơn số ngày tham gia bồi dưỡng, vì vậy, phương thức bồi dưỡng phải khả thi cho từng đối tượng, mọi người được tiếp cận chương trình theo cách của mình”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, trực tuyến không thay thế trực tiếp, bởi vẫn có những nội dung cần được bồi dưỡng theo cách “cầm tay chỉ việc”. Và đặc biệt, trực tiếp là cơ hội để giải đáp các thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tế. “Chương trình bồi dưỡng trực tiếp phải ngắn gọn, thiết thực và hiệu quả” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Bồi dưỡng phải trở thành nhu cầu tự thân

Theo ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc tham gia bồi dưỡng không phải việc làm thêm của thầy cô mà đó là việc đương nhiên, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên.

“Về phía Bộ cần chuẩn bị thật tốt các tài liệu, các giáo viên nghiên cứu tài liệu và học qua mạng, sau đó viết bài thu hoạch. Chúng ta chỉ bồi dưỡng trực tiếp cho những người đã nghiên cứu nhưng chưa hiểu hết. Các thầy cô phải vươn lên, tự đào tạo. Những thầy cô nào trong cuộc chuyển mình này thấy mình không theo được cũng nên được thay thế” - Ông Hòa nêu quan điểm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghịBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Đồng tình với quan điểm, bồi dưỡng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khi xác định được bồi dưỡng là tự thân thì sẽ thấy bồi dưỡng không nặng nề mà rất nhẹ nhàng. “Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này là cơ hội để mỗi thầy cô giáo thay đổi. Khi các thầy cô có mong muốn được thay đổi khi đó việc bồi dưỡng cho đổi mới sẽ đạt hiệu quả”.

 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không phải đến thời điểm này thầy cô mới đổi mới mà đã nỗ lực đổi mới rồi, vì vậy, quá trình bồi dưỡng phải huy động được kinh nghiệm của mỗi người. “Người biết nhiều chia sẻ với người biết ít, người thành công chia sẻ với người chưa thành công. Quá trình bồi dưỡng phải liên tục, thường xuyên và lâu dài. Tôi biết các thầy cô còn nhiều khó khăn, nhưng tôi mong mỗi người hãy khắc phục khó khăn, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu mới”.

Về đề xuất của ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu là cần có kiểm tra đánh giá quá trình bồi dưỡng như một cách ràng buộc người học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đây là vấn đề sẽ được chú trọng trong lần bồi dưỡng này. “Phải có đánh giá mới tránh được tình trạng “điểm danh, ghi tên”. Nội dung đánh giá phải được thiết kế khách quan, minh bạch, công bằng, tránh cào bằng, gây ức chế cho giáo viên” - Bộ trưởng nêu rõ.

Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình GDPT mới năm 2019 để ban hành ngay trong tháng 3. Ngoài ra, từng năm, kế hoạch bồi dưỡng phải được ban được sớm để các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ quản lý chủ động thực hiện.

Trung tâm Truyền thông giáo dục.

Nguồn: Bộ GD&ĐT

 
Tự chủ đại học: Vừa “mở” đã “thít” ngay lập tức PDF. In Email
Thứ năm, 31 Tháng 5 2018 13:32

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước tại phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực mới đây.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Tự chủ chỉ trông vào học phí là không ổn

Theo đánh giá của bà Doan, sự nghiệp giáo dục đào tạo nhìn chung có nhiều tiến bộ và chuyển biến tích cực, nhà nhà đi học, người người học tập, ai cũng quan tâm đến học tập, ngay quá trình đổi mới giáo dục đào tạo, ai cũng trăn trở xem đổi mới như thế nào. Không khí chung từ mầm non đến đại học là đổi mới, sáng tạo.

Trao đổi về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đang được Bộ GDĐT triển khai, bà Doan nhất trí về quan điểm là chương trình mới phải tinh giảm, gọn nhẹ nhưng phải phù hợp với đất nước, văn hóa Việt Nam và hội nhập quốc tế, phù hợp với từng lứa tuổi, bậc học.

“Tôi đồng ý phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 nhưng tôi băn khoăn các môn tích hợp. Tích hợp là đúng nhưng chưa rõ tích hợp là một thầy giảng 3 môn hay 3 thầy giảng 3 môn. Nếu một thầy giảng 3 môn thì với cách đào tạo của chúng ta hiện nay khó dạy được tích hợp. Ngoài ra cơ sở vật chất có đáp ứng dạy tích hợp không. Tôi băn khoăn điểu đó” - Bà Doan cho hay.

Thể hiện sự tâm huyết với vấn đề tự chủ đại học, bà Doan nhấn mạnh: Tôi hoan nghênh tự chủ đại học, tự chủ giúp phát huy năng lực, tính sáng kiến của các trường đại học. Khi đã tự chủ có nghĩa là các trường phải đứng trên hai chân của mình với điều kiện đảm bảo đủ đội ngũ, đủ trình độ, năng lực, đủ uy tín để thu hút học sinh.

Nếu tự chủ đại học chỉ hiểu là tự chủ tài chính, thu chi để tận thu của học sinh và nguồn chính của cơ sở giáo dục là học phí thì không ổn. Đặt ra giả định nếu nhà trường không còn uy tín nữa, học sinh không lựa chọn nữa thì sẽ thế nào, lấy đâu ra nguồn để trường hoạt động và tồn tại.

“Tự chủ thế nào để trường đừng chết khi không tuyển sinh được” - Bà Doan khẳng định.

Từ đó bà Doan cho rằng, tự chủ phải gắn với thúc đẩy nghiên cứu trong các trường đại học. Vì trên thực tế khi thực hiện tự chủ, một số trường mới nặng về quy định nguồn thu chủ yếu từ học phí, còn triển khai nghiên cứu dù các trường rất có khả năng làm lại không thấy.

Giải quyết thừa thiếu giáo viên thuộc về trách nhiệm địa phương

Trao đổi về những vướng mắc trong thực hiện tự chủ đại học, bà Nguyễn Thị Doan cho hay, mặc dù cho các trường tự thu chi và tự chủ tài chính, nhưng vẫn phải tuân thủ theo Luật đấu thầu và Luật đầu tư công nên có tiền rồi mà không xây dựng dược, có trường có hàng trăm tỷ nhưng khi cần xây dựng cơ sở vật chất thì không làm được vì vướng 2 luật này.

Bà Doan nhấn mạnh: “Ngay trong quy định về tự chủ tôi đã thấy vướng, thể hiện ở 2 câu: câu thứ nhất, cho tự chủ những vẫn phải đảm bảo pháp luật của nhà nước - chứng tỏ vẫn phải tuân thủ đúng Luật đầu tư công và Luật đấu thầu. Câu thứ 2, cho phép hoạt động như doanh nghiệp nhưng khi mua sắm xây dựng phải làm tờ trình cho bộ chủ quản - thế thì làm làm sao được, vừa mở xong thít ngay lập tức. Tôi đã từng làm hiệu trưởng một trường đại học nên hiểu. Vẫn phải nghiên cứu lại chỗ này”.

Về vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên, bà Doan cho rằng, hệ thống đào tạo sư phạm, chất lượng đầu vào ngày càng kém, cơ sở vật chất kĩ thuật dành cho các trường khối sư phạm rất nghèo nàn và lạc hậu, ít có phòng thí nghiệm hiện đại. Chất lượng đào tạo đội ngũ kém nên dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo bà Doan, cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó chất lượng các trường sư phạm địa phương còn nhiều bất cập, việc cần làm lúc này là sớm quy hoạch lại mạng lưới đào tạo sư phạm, giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên.

“Chính phủ cần sớm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, trách nhiệm thuộc về các địa phương” - Bà Doan nêu rõ.

Nguon thong tin: Bao dien tu dantri.com.vn

 
NGÀY HỘI TƯ VẤN XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC 2018 PDF. In Email
Thứ tư, 23 Tháng 5 2018 19:28

Thực hiện kế hoạch năm học 2017 – 2018 của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục vào Đào tạo TP. Hồ Chí Minh tổ chức Ngày Hội tư vấn xét tuyển viên chức năm 2018 với các nội dung sau:

I. Mục đích, yêu cầu
- Cung cấp thông tin xét tuyển viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đến sinh viên tốt nghiệp năm 2018.
- Hướng dẫn thủ tục, quy trình đăng kí thi tuyển viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
- Cung cấp thông tin việc làm cho sinh viên tốt nghiệp năm 2018.
- Truyền thông, quảng bá hình ảnh của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

II. Nội dung
1. Thời gian: Từ 13 giờ 30 đến 17 giờ ngày 07 tháng 06 năm 2018.
2. Địa điểm: Hội trường B, cơ sở 280 An Dương Vương, phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
3. Đối tượng tham gia: tất cả sinh viên ngành Sư phạm.
4. Các hoạt động chuyên môn
4.1 Hướng dẫn thủ tục, quy trình đăng kí thi tuyển viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh
- Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh phổ biến các quy định, thủ tục, quy trình liên quan đến việc đăng kí thi tuyển viên chức năm 2018 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
4.2 Phỏng vấn tuyển dụng
- Sinh viên có điều kiện tham gia phỏng vấn tuyển dụng với một số Trường tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

III. Hình thức đăng ký
- Sinh viên có nhu cầu tham gia, đăng kí qua đường dẫnhttps://goo.gl/forms/1riJijoAcHpqcYpY2 hoặc đăng kí trực tiếp tại phòng Công tác Chính trị và Học sinh sinh viên (phòng A109).
- Thời hạn đăng kí: Từ ngày ra thông báo cho đến hết ngày 05 tháng 6 năm 2018.

 
Dự thảo chương trình môn Khoa học Tự nhiên phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh PDF. In Email
Thứ tư, 31 Tháng 1 2018 13:58

GD&TĐ - Dự thảo chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã nhận được nhiều sự đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học. TS Trương Xuân Cảnh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề đổi mới của Dự thảo chương trình sách giáo khoa mới môn Khoa học tự nhiên (KHTN).

Dự thảo chương trình môn Khoa học Tự nhiên phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh

Tiếp cận xu hướng GD tiên tiến

Ông đánh giá như thế nào về tính ưu việt của môn Khoa học tự nhiên trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Dự thảo chương trình môn KHTN có một số ưu điểm nổi trội so với chương trình hiện hành như: Chương trình dự thảo môn KHTN đã cụ thể hoá được mục tiêu và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận hình thành và phát triển năng lực người học, đảm bảo cho HS vừa tiếp thu được tri thức khoa học vừa áp dụng tri thức đó vào thực tiễn. Chương trình dự thảo đã tiếp cận được các xu hướng giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế.

Cụ thể: Thứ nhất, chương trình tích hợp nội dung chính của 3 môn học riêng rẽ trước đây: Vật lý, Hóa học, Sinh học theo một logic dựa trên các nguyên lý chung về tính cấu trúc, sự đa dạng, tương tác, tính hệ thống cùng sự vận động và biến đổi, tức là có tính tích hợp về mặt nội dung và nguyên lý vận động của vật chất trong tự nhiên. Đồng thời, dự thảo chương trình chú trọng đến bản chất vận động của thế giới tự nhiên, quan tâm đến rèn luyện kĩ năng tiến trình khoa học, phát triển năng lực của người học, giản lược được những nội dung nặng về kiến thức.

Thứ hai, các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Thứ ba, chương trình môn KHTN chú trọng hoạt động thực hành, thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm. Đây là điều kiện thuận lợi trong tổ chức dạy học để phát triển năng lực nhận thức kiến thức khoa học, năng lực tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.

Thứ tư, chương trình dự thảo cũng đã đáp ứng được yêu cầu phân luồng HS sau cấp THCS, chuẩn bị hành trang tri thức cho học sinh theo đuổi tiếp con đường học thuật hoặc rẽ nhánh học nghề phù hợp với năng lực bản thân.

Vấn đề tích hợp trong môn học này được thể hiện ra sao trong việc xây dựng chương trình?

Chương trình môn KHTN được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là: Chủ đề khoa học - Các nguyên lí/khái niệm chung của khoa học - Hình thành và phát triển năng lực. Trong đó, các nguyên lí/khái niệm chung là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình. Đây là cách xác định hợp lý để xây dựng chương trình môn KHTN. Các chủ đề khoa học được xây dựng với sự tích hợp kiến thức ở nhiều nội dung sẽ giúp làm sáng tỏ các nguyên lí/khái niệm xuyên suốt này.

Tuy nhiên, khi biên soạn nội dung các chủ đề khoa học cần cố gắng để có sự hòa quyện một cách tự nhiên. Bởi việc tích hợp trong môn KHTN mang tính tổng thể, hệ thống nhưng lại mất đi tính phát triển liên tục của đối tượng. Do đó, cần quan tâm đến tính tương đối trọn vẹn của chủ đề khoa học trong chương trình.

Coi trọng kiểm tra, đánh giá

Theo ông, cần phải đổi mới phương pháp dạy học và việc kiểm tra đánh giá như thế nào để đáp ứng với chương trình sách giáo khoa mới?

Để thực hiện chương trình môn KHTN, cần đổi mới PPDH theo hướng: Tổ chức dạy học các PPDH tích cực, tăng cường phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học tập hợp tác nhóm nhỏ; Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập; Cần rèn luyện cho HS thói quen và năng lực tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ được.

Cần tăng cường các giờ học thực hành thí nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, tham quan các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, các nhà máy sản xuất có áp dụng kiến thức nội dung bài học, tăng cường các hoạt động ứng dụng kiến thức môn học vào thực tiễn

Việc kiểm tra đánh giá cũng cần có sự đổi mới: Đánh giá phải gắn liền với quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Chú trọng đến đánh giá quá trình, đánh giá kĩ năng và kết hợp nhiều biện pháp đánh giá khác nhau; bảo đảm đánh giá toàn diện nội dung, năng lực chung, năng lực đặc thù môn học, phẩm chất của người học.

Vấn đề tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh được chú ý và xem đó là biện pháp rèn luyện năng lực tự học, năng lực tư duy phê phán, phẩm chất chăm học, vượt khó, tự chủ, tự tin.

Theo đánh giá của ông, Chương trình dự thảo môn học KHTN có phù hợp với học sinh hay không? Ông có đề xuất gì về việc thực hiện chương trình mới này?

Chương trình Dự thảo môn KHTN là phù hợp với tâm lý, nhận thức của HS, thể hiện: Các nội dung gần gũi với HS, kích thích sự tò mò, khám phá thiên nhiên. Nội dung kiến thức là cơ bản, thiết thực, hiện đại, đồng thời tăng cường thực hành và nâng cao năng lực vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Nội dung môn KHTN giúp HS có nhận thức hệ thống về sự vật, hiện tượng trong tự nhiên; giúp các em có được tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên. Từ đó biết ứng xử với tự nhiên, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường.

Thông qua các hoạt động học tập của lĩnh vực này, học sinh dần hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Để chuẩn bị cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và chương trình môn KHTN nói riêng, tôi cho rằng chúng ta cần bồi dưỡng, đào tạo lại GV. Trước hết cần khảo sát, đánh giá lại năng lực của người giáo viên một cách chính xác, khách quan. Đối chiếu với yêu cầu của Chương trình giáo dục mới để thấy rõ cái đang cần, đang thiếu của giáo viên.

Từ đó xác định nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên và xây dựng chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn; Xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng về dạy học tích hợp, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển chương trình nhà trường, bồi dưỡng năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học cho học sinh. Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trường phổ thông như các phòng thực hành, dụng cụ thí nghiệm phục vụ cho dạy học môn KHTN.

Cùng với đó, các trường đào tạo giáo viên cần đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên theo hướng đáp ứng mục tiêu giáo dục môn KHTN ở trường phổ thông.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Sự tích hợp trong các chủ đề khoa học của môn học giúp HS tiếp cận, nhìn nhận đối tượng một cách hệ thống, tổng thể trong hoạt động khám phá tự nhiên, trong giải quyết vấn đề công nghệ, các vấn đề tác động đến đời sống của cá nhân và xã hội. Qua đó sẽ phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên và hình thành các phẩm chất cho người học”. TS Trương Xuân Cảnh

 

Theo giaoducthoidai.vn

 
«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»

Trang 1 trong tổng số 16


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD