French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Tin tức-Sự kiện
Bộ GD&ĐT không chủ trương phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các kì thi PDF. In Email
Thứ sáu, 02 Tháng 12 2016 08:10

Trong những ngày qua dư luận phản ánh việc trên thị trường xuất hiện nhiều sách tham khảo, luyện thi trắc nghiệm cho học sinh, dẫn đến tâm lý không khỏi băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh nếu chỉ ôn tập theo sách giáo khoa (SGK) và tài liệu do giáo viên biên soạn có đủ đạt yêu cầu so với cách ra đề thi THPT quốc gia hay không? Tính chính thống của những loại sách tham khảo này như thế nào, nên chọn ra sao?.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã đã có ý kiến trả lời về xung quanh vấn đề này.

*Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, hiện nay trên thị trường xuất hiện khá nhiều bộ sách hướng dẫn ôn tập các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia. Một số sở GD-ĐT còn có văn bản gửi các trường đề nghị giới thiệu và yêu cầu học sinh lớp 12 mua. Bộ đã nắm việc này đến đâu và có quan điểm chỉ đạo như thế nào?

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga

 

*Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết, phải khẳng định, Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn, không chủ trương phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các kỳ thi. 

Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm các nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và giáo viên lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua sách hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, luyện thi hoặc ép buộc học sinh học thêm, luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Bộ sẽ tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Điều đáng nói là trong một số bộ sách hướng dẫn ôn tập đang được bày bán trên thị trường có tên của một số cán bộ hiện đang công tác ở Bộ GD-ĐT. Việc này làm cho độ tin cậy của các bộ sách ít nhiều tăng lên. Thứ trưởng có thể nói gì về điều này?

- Ngay sau khi có phản ánh của báo chí về việc một số sách ôn thi xuất hiện trên thị trường có tên tác giả là một số cán bộ đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ, Bộ đã kiểm tra, xác minh và khẳng định rằng, các cán bộ này chỉ tham gia với tư cách cá nhân như các tác giả khác, không liên quan đến việc chỉ đạo chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD-ĐT. Nên nội dung của các cuốn sách này cũng chỉ có giá trị tham khảo như các sách tham khảo khác có trên thị trường.

Tuy nhiên việc cán bộ của Bộ tham gia xuất bản sách nói trên dù với tư cách cá nhân cũng không phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT. Vì thế Bộ đã yêu cầu các cá nhân này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Bộ sẽ xem xét và có hình thức xử lý phù hợp (nếu có vi phạm). Qua đây Bộ cũng đề nghị các nhà xuất cần thận trọng hơn trong việc xuất bản và phát hành các tài liệu có sự tham gia của các cán bộ đang làm việc tại Bộ GD-ĐT để tránh hiểu nhầm không đáng có.

Vấn đề hiện nay là khó có thể kiểm soát được việc các em học sinh có thể sẽ mua và tiến hành ôn tập theo những bộ sách đang có trên thị trường. Vậy, Thứ trưởng có chia sẻ gì với các em?

- Các em học sinh cần hết sức lưu ý rằng, những câu hỏi trong đề thi minh họa và đề thi kỳ thi THPT quốc năm 2017 sắp tới được xây dựng theo một quy trình khoa học, khách quan, nghiêm ngặt và đặc biệt được thử nghiệm cẩn thận để chuẩn hóa. 

Nếu học sinh sử dụng những tài liệu luyện thi và các bộ câu hỏi, đề thi trong các tài liệu ôn tập trên thị trường không đảm bảo được các yếu tố vừa nêu thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học tập, ôn tập và kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Cách tốt nhất để các em học tập, ôn tập có kết quả tốt là thực hiện theo đúng chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Các thầy, cô giáo là những người có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn các em ôn tập tốt.

Theo Thứ trưởng, nếu học sinh chỉ ôn tập theo sách giáo khoa và tài liệu do giáo viên biên soạn có đủ để đáp ứng được yêu cầu của đề thi THPT quốc gia hay không? Nếu lựa chọn sách tham khảo thì nên chọn như thế nào? 

- Trong tổ chức dạy học cũng như trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT luôn chỉ đạo các Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên dạy học đảm bảo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.

Bên cạnh đó, năm 2017 Bộ quy định nội dung đề thi nằm trong trong chương trình lớp 12. Như vậy, tài liệu để ôn thi THPT quốc gia tốt nhất là sách giáo khoa và sách bài tập theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Điều quan trọng là, giáo viên cần hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; biết cách tham khảo, phân loại các câu hỏi, bài tập trong sách bài tập để luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các loại câu hỏi, bài tập đó; với mỗi loại câu hỏi, bài tập học sinh cần phải suy nghĩ, lật đi, lật lại vấn đề, liên hệ với thực tiễn, nghĩa là biết "tự ra đề cho mình từ những câu hỏi, bài tập đã có" để vừa khắc sâu về kiến thức, vừa thành thạo về kĩ năng vận dụng kiến thức. 

Ngoài ra, giáo viên và học sinh cũng có thể sử dụng một vài tài liệu tham khảo nhưng trước hết cần phải làm tốt những điều nói trên để có đủ cơ sở lựa chọn được tài liệu tham khảo phù hợp nhất đối với mình.

Việc cùng lúc có nhiều bộ sách ôn thi được tung ra thị trường vào thời điểm này cho thấy sự lo lắng của học sinh trước cách thức thi mới là thi trắc nghiệm. Theo Thứ trưởng, việc chú trọng luyện theo hình thức thi, cụ thể ở đây là hình thức thi trắc nghiệm với những “mẹo” làm bài để đạt điểm cao có hiệu quả thực sự hay không? 

- Trước hết cần phải nói rằng trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi TNKQ hoặc tự luận. 

Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải tìm đáp án; còn câu hỏi TNKQ thì học sinh phải chọn đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi TNKQ).

Để chọn được đáp án đúng thì thí sinh phải biết tìm đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn. Không thể có mẹo làm bài trắc nghiệp một cách may rủi để đạt điểm cao được.


Nguồn thông tin: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2016/12/442435/

 
Giải pháp hiệu quả đổi mới dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên PDF. In Email
Thứ tư, 30 Tháng 11 2016 15:39

Đổi mới kiểm tra, đánh giá; đổi mới sử dụng phương tiện dạy học và sinh hoạt chuyên môn; chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu… là những giải pháp được các cơ sở giáo dục của Khánh Hòa thực hiện có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên.

Giải pháp hiệu quả đổi mới dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên

Hoàn thiện thư viện câu hỏi các môn khoa học tự nhiên dùng chung

Trao đổi về kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học môn Toán và các môn khoa học tự nhiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT - thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá là một nội dung quan trọng. Việc đánh giá được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Theo đó, chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh, đánh giá quá trình (đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình); kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.

Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, bên cạnh thực hiện ra đề kiểm tra căn cứ vào hướng dẫn biên soạn của Bộ GD&ĐT, Khánh Hòa đồng thời tăng cường hoàn thiện và bổ sung cho thư viện câu hỏi các bộ môn khoa học tự nhiên dùng chung cho tổ bộ môn trong từng năm học.

Từng bước nâng cao chất lượng các bài kiểm tra, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường, đặc điểm của học sinh để kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, tập huấn của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng ma trận, đề kiểm tra cho các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, học kỳ theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Không dạy chay, cương quyết chống chuyển từ “đọc - chép” sang “nhìn - chép”

Lưu ý đến hoạt động thí nghiệm, thực hành và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin cũng là yếu tố được quan tâm nhằm đổi mới sử dụng phương tiện dạy học, từ đó nâng cao hiệu quả dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên.

Tại Khánh Hòa, ông Lê Tuấn Tứ chia sẻ, các nhà trường đều tăng cường việc sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị, thí nghiệm trong giảng dạy, chống “dạy chay”. Việc sử dụng thiết bị, thí nghiệm theo định hướng chủ yếu là nguồn để học sinh nghiên cứu, khai thác, tìm tòi kiến thức. Hạn chế sử dụng thiết bị để minh họa hình ảnh mà không có tác dụng khắc sâu kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Đảm bảo thực hiện đầy đủ các bài thực hành thí nghiệm đã được quy định trong chương trình và những thí nghiệm trong bài học của sách giáo khoa.

“Đối với các trường chưa có phòng học bộ môn, Sở GD&ĐT yêu cầu xây dựng kế hoạch thống nhất trong tổ chuyên môn sử dụng tối đa cơ sở vật chất và dụng cụ, hóa chất tại đơn vị để chuyển các thí nghiệm trong bài thực hành vào các tiết học có nội dung kiến thức tương ứng dưới hình thức thí nghiệm nghiên cứu hoặc thí nghiệm biểu diễn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn và không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng thiết bị, thí nghiệm, thực hành.

Các trường THPT cần xây dựng kế hoạch và chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi về nội dung thí nghiệm, thực hành các môn khoa học tự nhiên” - ông Lê Tuấn Tứ cho hay.

Cùng với các hoạt động thí nghiệm, thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được đẩy mạnh. Việc này được thể hiện qua việc các nhà trường lập kế hoạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học tự nhiên; tăng cường sử dụng các phần mềm dạy học mới phù hợp với từng nội dung kiến thức cụ thể trong sách giáo khoa.

Khi ứng dụng công nghệ thông tin, luôn lưu ý đến tính hiệu quả, tránh hiện tượng lạm dụng và mang tính hình thức, cương quyết chống hiện tượng thay từ hình thức “đọc – chép” sang “nhìn – chép”.

Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu

Với giải pháp này, ông Lê Tuấn Tứ cho biết, để đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, tại các trường THPT ở Khánh Hòa, tổ chuyên môn được yêu cầu có kế hoạch phát hiện và bồi dưỡng cho học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên ngay từ đầu năm học để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Khuyến khích và hướng dẫn học sinh tích cực tham gia các cuộc thi trên mạng internet do Bộ GD&ĐT tổ chức như: Giải toán trên Internet, Tiếng Anh trên internet, Vận dụng kiến thức liên môn…. Ngoài ra, tổ chuyên môn cần tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh dưới hình thức ngoại khoá, chuyên đề...

Việc tổ chức báo cáo các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, đúc rút kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên luôn được thực hiện qua các đợt tập huấn, hội thảo hàng năm. Bên cạnh đó, công tác kiện toàn đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên về kĩ năng, phương pháp, tài liệu… cũng luôn được chú trọng.

Với học sinh yếu, các nhà trường sẽ căn cứ kết quả khảo sát đầu năm để phân loại đối tượng học sinh, phối hợp với nhà trường và phụ huynh lên kế hoạch giúp đỡ, phụ đạo học sinh yếu, kém ngay đầu năm học nhất là đối với học sinh cuối cấp, học sinh các trường ngoài công lập, vùng sâu, vùng xa. “Cách làm này thực sự phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng các môn học” - ông Lê Tuấn Tứ nhận định.

 

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giai-phap-hieu-qua-doi-moi-day-hoc-toan-va-cac-mon-khoa-hoc-tu-nhien-2211263-l.html

 
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo PDF. In Email
Thứ tư, 23 Tháng 11 2016 13:56

Bối cảnh thế giới những năm đầu thế kỷ 21 đặt ra những yêu cầu đổi mới về vai trò của đội ngũ nhà giáo trên cơ sở thay đổi bản chất của lao động sư phạm là quá trình tác động bằng chính nhân cách người dạy, để giáo dục hình thành nhân cách và phát triển các năng lực cá nhân cho người học. Bắt kịp với xu thế trên, toàn ngành giáo dục đang đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (NG và CBQLCSGD) đủ năng lực thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT).


Học sinh Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) tặng hoa tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Hiện nay, cả nước có hơn một triệu giáo viên (GV) và khoảng 300 nghìn cán bộ QLGD các cấp. Trong đó, giáo viên mầm non có 98,3% đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo; tiểu học 99,9% đạt chuẩn và trên chuẩn; THCS 99,49% đạt chuẩn và trên chuẩn; THPT 99,49% đạt chuẩn và trên chuẩn.

Triển khai việc xây dựng đội ngũ NG và CBQLCSGD, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch và tạo môi trường làm việc phát huy chủ động sáng tạo của đội ngũ NG. Rà soát mạng lưới, quy mô và phương thức đào tạo của các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; rà soát, sửa đổi các chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn hiệu trưởng theo định hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới... Việc tôn vinh, đãi ngộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với NG và CBQLCSGD các cấp được thực hiện thiết thực, hiệu quả.

Đáng chú ý, công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ NG và CBQLCSGD mầm non, phổ thông đã được nhiều địa phương tổ chức thực hiện, nhất là tích cực phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo GV trong công tác xây dựng kế hoạch và bồi dưỡng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách nhà nước, học bổng... Bộ GD và ĐT triển khai, rà soát, hoàn thiện các chuẩn và đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ NG và CBQLCSGD các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành. Về cơ bản đội ngũ NG và CBQLCSGD được bảo đảm về đời sống vật chất, tinh thần, yên tâm công tác với nghề; phần lớn đều đạt và trên chuẩn trình độ đào tạo, có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay là vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở một số cấp học, trong khi một số lượng nhất định GV chưa đạt chuẩn đào tạo (5,3% GV nhà trẻ, 1,4% GV mẫu giáo, 0,23% GV tiểu học, 0,51% GV THCS và 0,51% GV THPT). Kỹ năng sư phạm của một bộ phận GV còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ GV có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học còn rất thấp. Việc triển khai đánh giá GV và CBQLCSGD theo chuẩn nghề nghiệp, thực hiện bồi dưỡng thường xuyên chưa phản ánh đúng thực chất. Việc nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, thi GV giỏi vẫn còn có hiện tượng gò ép, thực hiện còn hình thức.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, cần phải thực hiện những giải pháp:

Với cá nhân các GV: Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm nghề nghiệp, thực hiện tốt việc tự học, tự bồi dưỡng và tham gia tích cực các hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động bồi dưỡng của cơ quan quản lý các cấp.

Với UBND các tỉnh, thành phố: Tiến hành rà soát việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và quản lý viên chức ngành giáo dục ở tất cả các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng và bồi dưỡng hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ NG bảo đảm có đủ năng lực và phẩm chất nghề nghiệp; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ quản lý giáo dục, GV, nhân viên hoặc bố trí, sử dụng không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo và không đúng chuẩn.

Với Bộ GD và ĐT: Cần phối hợp các bộ, ban, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về công tác phát triển đội ngũ NG và CBQLCSGD một cách tích cực, chủ động, linh hoạt để đạt kết quả cao nhất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và quản lý đội ngũ giáo viên, nhân viên của các địa phương để có phương án chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có vi phạm. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất, nhất là chú trọng các năng lực nghề nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh), Tin học cho đội ngũ NG và CBQLCSGD. Triển khai hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và một số đề án khác; đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ NG và CBQLCSGD đang công tác tại vùng sâu, vùng xa...

Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT hỗ trợ các trường sư phạm chủ động, tích cực tái cấu trúc và tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng; nâng cao năng lực đào tạo bồi dưỡng NG và CBQLCSGD; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển chương trình, tổ chức liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý; có được một hệ thống các cơ sở đào tạo chuẩn hóa, có chất lượng ngang bằng với các nước trong khu vực ASEAN.

Toàn ngành có biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội liên quan đến đội ngũ NG và CBQLCSGD, tạo động lực để họ yên tâm cống hiến. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng tấm gương điển hình về các NG tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, có đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục; huy động toàn xã hội hỗ trợ, chia sẻ, động viên kịp thời, thiết thực các NG về cả vật chất và tinh thần.

PGS. TS NGUYỄN THÚY HỒNG - Phó Cục trưởng NG và CBQLCSGD

Nguồn thông tin: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/31321602-xay-dung-doi-ngu-nha-giao-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-giao-duc-dao-tao.html

 
Tập huấn đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 22 PDF. In Email
Thứ năm, 27 Tháng 10 2016 20:41

GD&TĐ - Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá HS tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu Trường ĐHSP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các chuyên gia tổ chức tập huấn cho giảng viên cốt cán các trường ĐH, CĐ có đào tạo giáo viên tiểu học và lãnh đạo, chuyên viên phụ trách giáo dục tiểu học của Sở GD&ĐT.

Tập huấn đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 22

Tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, nghiệp vụ cho các giảng viên, trưởng phòng GD tiểu học hoặc lãnh đạo phụ trách GD tiểu học của Sở GD&ĐT về đánh giá HS tiểu học; đào tạo đội ngũ giảng viên cốt cán có khả năng tập huấn, hỗ trợ cho các giáo viên, cán bộ quản lý GD tiểu học về thực hiện đánh giá HS tiểu học ở địa phương.

Theo đó, mỗi trường ĐH, CĐ có đào tạo giáo viên tiểu học sẽ cử các giảng viên có khả năng, kinh nghiệm giảng dạy các môn học ở tiểu học và mỗi Sở GD&ĐT cử lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD tiểu học tham dự lớp tập.

Dự kiến tập huấn theo khu vực phía Bắc sẽ diễn ra từ ngày 28 - 30/10 tại Trường ĐHSP Hà Nội; khu vực phía Nam từ ngày 3 - 5/11 tại Trường ĐHSP TPHCM; khu vực miền Trung từ 31/10 - 2/11, tại Trường ĐHSP Huế.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tap-huan-danh-gia-hs-tieu-hoc-theo-thong-tu-22-2469946-b.html

 
Chỉ đạo mới nhất của TP.HCM về dạy thêm PDF. In Email
Thứ bảy, 15 Tháng 10 2016 15:33

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo về việc quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm, học thêm trái quy định.

Cấm dạy thêm học thêm, dạy thêm, học thêm, TP. HCM, giáo dục

Thành phố yêu cầu công tác dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn thành phố phải thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định tại Thông tư số 17 của Bộ GD-ĐT.

Không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có học sinh theo học 2 buổi/ngày và đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.

Việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh, phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh.

Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn giáo viên theo học, phân bổ hợp lý thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh.

Tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh chưa theo kịp chương trình để theo kịp trình độ chung của lớp và bồi dưỡng học sinh giỏi (bằng ngân sách thành phố, không thu phí của học sinh).

Đồng thời, thành phố cũng giao Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tham mưu UBND lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực trong đó chú trọng đến các giải pháp như:

Nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh/lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong nhà trường, tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập.

Tăng cường tổ chức các hoạt động thí nghiệm, thực hành, văn - thể - mỹ, các hoạt động Đoàn - Đội, giáo dục các kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho học sinh.

Hoàn thiện các quy định, cơ chế để tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là trong lĩnh vực nhân sự, tài chính.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho giáo viên về nhà ở, nâng cao thu nhập cho cán bộ, giáo viên, viên chức ngành giáo dục. Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nhằm tăng thêm nguồn phụ cấp cho giáo viên dạy các lớp vượt sĩ số theo chuẩn, phụ cấp dạy phụ đạo cho học sinh chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng học sinh  giỏi bằng nguồn ngân sách thành phố.

Rà soát quy hoạch xây dựng trường học, hoàn thiện các chính sách để đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục - đào tạo; đầu tư từ ngân sách thành phố, quận, huyện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch được phê duyệt; phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học mới trên 10.000 dân trước năm 2020.

Về việc biên soạn sách giáo khoa, thành phố yêu cầu việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng cao, đáp ứng chương trình mới hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, khuyến khích học sinh tự học.

Nghiên cứu, hướng dẫn các trường xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống giải đáp các vướng mắc, giảng dạy các môn học chính yếu qua điện thoại, trang thông tin điện tử của trường.

Khẩn trương tham mưu “Đề án phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM đến năm 2030” với mục tiêu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập, cách đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh, từ đó chấm dứt việc dạy thêm, học thêm số đông.

Ngoài ra, thành phố cũng giao Sở GD-ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước trên địa bàn nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm trái quy định của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí phát huy vai trò giám sát, phát hiện và phản ánh kịp thời các tiêu cực, nắm và phản ánh tình hình dư luận đối với các biện pháp của chính quyền đối với vấn đề dạy thêm học thêm.

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/333714/chi-dao-moi-nhat-cua-tp-hcm-ve-day-them.html

 
«Bắt đầuLùi111213141516Tiếp theoCuối»

Trang 12 trong tổng số 16


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD