French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Đổi mới Giáo dục & Đào tạo
Những ưu điểm của chương trình tiếng Anh tích hợp PDF. In Email
Thứ bảy, 10 Tháng 6 2017 07:58

Học sinh học hoàn toàn bằng tiếng Anh, kết hợp học và chơi, tương tác nhiều với giáo viên, chủ động trong học tập.

Chương trình tiếng Anh tích hợp triển khai ở TP HCM từ năm học 2014-2015. Nội dung tích hợp chương trình quốc gia Anh quốc với chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nhằm phát triển tư duy và năng lực học sinh. Các môn áp dụng gồm Tiếng Anh, Khoa học và Toán.

Học hoàn toàn bằng tiếng Anh

Kiến thức các môn học được truyền tải bằng tiếng Anh. Trong các năm vừa qua, giáo viên đứng lớp 100% là người nước ngoài bên cạnh một nhân viên học vụ người Việt. Qua đó, học sinh có cơ hội rèn luyện và nâng cao khả năng ngoại ngữ.

Theo thầy Chris, Giáo viên trưởng khối tiểu học, trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), chương trình tích hợp khuyến khích toàn bộ tiết học, giảng dạy bằng tiếng Anh. Một trong những phương pháp quan trọng nhất là CLIL (viết tắt của Learning Language Integrated Learning), tức tích hợp nội dung và ngôn ngữ.

nhung-uu-diem-cua-chuong-trinh-tieng-anh-tich-hop

Học sinh học hoàn toàn bằng tiếng Anh với chương trình tích hợp. Ảnh: T.S.

"Phương pháp này đặc biệt quan trọng khi dạy môn Toán và khoa học vì nó cho phép chúng tôi đồng thời dạy học sinh nội dung mới trong khi vẫn mở rộng kiến thức về ngôn ngữ tiếng Anh một cách thú vị và hấp dẫn. Đối với lớp Một, các khái niệm Toán học và Khoa học giới thiệu ở mức rất cơ bản. Các khái niệm và vốn từ vựng cơ bản này sẽ được ôn tập lại và mở rộng ở các cấp lớp sau này", thầy chia sẻ.

Em Ngô Thanh Hà, học sinh lớp 6/7 trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, cho biết: “Các giờ học tạo điều kiện cho em nói chuyện với người nước ngoài nhiều hơn, nghiên cứu các chuyên ngành trong tiếng Anh và phát triển kỹ năng nghe nói".

Kết hợp học và chơi, tương tác với giáo viên

Thanh Hà chia sẻ thêm, các giờ thực hành tạo cơ hội cho em và các bạn vừa học vừa chơi và tiếp thu bài học nhanh. Trong lớp, giáo viên thường xuyên tổ chức các trò chơi có lồng ghép nội dung bài học khéo léo giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Qua các trò chơi, giáo viên và học sinh có sự tương tác. Nếu chưa hiểu, học sinh có thể hỏi giáo viên hoặc nhân viên học vụ để được hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó, giáo viên cũng tương tác trực tiếp với gia đình thông qua các buổi họp phụ huynh sau khi có kết quả các kỳ kiểm tra.

Học sinh chủ động trong học tập

Thầy Timothy, giáo viên trường THCS Thị Trấn 2 (huyện Củ Chi) cho biết luôn khuyến khích tinh thần làm việc nhóm giữa các em với nhau. "Qua đây giúp học sinh giải quyết vấn đề nhanh chóng và độc lập hơn. Hơn hết là cho thấy học sinh có thể giải quyết tình huống dù có hay không sự theo dõi và hỗ trợ của giáo viên", thầy nói.

Em Nguyễn Đông Dung, học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết em còn chủ động mua sách tiếng Anh về các chủ đề này, vũ trụ, trái đất, nước và nhiệt… để tìm hiểu thêm sau khi học ở lớp. Em đọc và kể lại cho cha mẹ về những gì được đọc.

nhung-uu-diem-cua-chuong-trinh-tieng-anh-tich-hop-1

Một tiết học Khoa học, trong đó học sinh làm việc nhóm và có thể chủ động trao đổi với giáo viên bất cứ lúc nào. Ảnh: T.S.

Trong khi đó, con trai anh Lê Trung Đức (quận Bình Thạnh), học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm dạn dĩ và chủ động hơn sau khi học chương trình tích hợp một năm. "Khi đi chơi nước ngoài như Nhật, Singapore, Hong Kong, khi lên xe taxi bé rất tự giác, chủ động nói chuyện với các bác tài, kể về gia đình thế nào, ở Việt Nam ra sao hay về bố mẹ một cách dạn dĩ. Tôi rất ngạc nhiên và mừng vì sau này lớn lên có thể tự tin cho bé đi du học", anh cho biết.

Hiệu quả trong thời gian ngắn

Thầy Bạch Công Thạch, Hiệu trưởng trường THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), học sinh tiếp cận kiến thức mới từ chương trình giáo dục phổ thông hiện đại của một quốc gia tiên tiến trên thế giới là Anh.

"Qua đây các em được trang bị vốn từ vựng chuyên các môn học như Toán và Khoa học. Năng lực 4 kỹ năng nghe nói đọc viết tiếng Anh phát triển tốt, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh dần bổ sung và hoàn thiện, giúp các em tự tin khi giao tiếp, hướng đến du học sau này", ông cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đánh giá sau 3 năm triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp, các em học sinh năng động và tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là Toán và các môn Khoa học.

Nguồn thông tin: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nhung-uu-diem-cua-chuong-trinh-tieng-anh-tich-hop-3591693.html

 
Nên giữ hay bỏ đánh giá hạnh kiểm học sinh? PDF. In Email
Thứ năm, 01 Tháng 6 2017 09:50

Việc đánh giá hạnh kiểm học sinh ở nước ta đã tồn tại rất lâu cho dù các văn bản hướng dẫn cụ thể về nó được điều chỉnh, bổ sung thay đổi nhiều lần. Hiện tại, đánh giá hạnh kiểm vẫn là vấn đề đang gây xôn xao dư luận và làm đau đầu cả phụ huynh, giáo viên lẫn học sinh.

Ông Nguyễn Hoàng Chương (Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng): Xã hội hóa giáo dục cần bổ sung thêm nội dung: Xã hội hóa việc đánh giá học sinh.

Mỗi học sinh có một hoàn cảnh – yếu tố môi trường tác động đến sự phát triển nhân cách sau này, rồi bẩm sinh, di truyền..., rất khác biệt. Vì vậy, đánh giá học sinh đòi hỏi sự thận trọng, tỉ mỷ, công phu, công bằng. Cùng với đó là lòng yêu thương, vị tha, cả sự nghiêm khắc của người thầy.

hạnh kiểm, học sinh, giáo viên

Ông Nguyễn Hoàng Chương

Trước hết, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả (học lực, hạnh kiểm, lời phê) vào Sổ Gọi tên và Ghi điểm, Học bạ, Sổ liên lạc. Hiệu trưởng là người ký cuối cùng mang tính xác nhận – là công việc hành chính theo trách nhiệm được giao.

Để xếp loại hạnh kiểm, giáo viên chủ nhiệm lớp phải thu thập thông tin phản hồi từ học sinh, Ban chấp hành Chi Đoàn, Ban cán sự lớp, giáo viên bộ môn, giám thị, phụ huynh học sinh, cộng đồng dân cư nơi học sinh cư trú. Vì vậy, đánh giá học sinh là kết quả của sự tham gia nhiều lực lượng trong và ngoài nhà trường.

Hai là, ở khía cạnh nào đó mà giáo viên chủ nhiệm chưa làm tốt dẫn đến việc xếp loại hạnh kiểm thiếu chính xác, gây phản ứng tiêu cực từ học sinh, phụ huynh thì cần góp ý để giáo viên chủ nhiệm điều chỉnh. Đồng thời, lãnh đạo nhà trường tổ chức huấn luyện cho giáo viên chủ nhiệm kỹ năng đánh giá hạnh kiểm.

Ở trường sư phạm, giáo viên chỉ được tập trung bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng đánh giá năng lực học tập của học sinh. Lúc về trường phổ thông công tác, lãnh đạo nhà trường, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT lại thường tập trung bồi dưỡng chuyên môn, ít chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên kỹ năng đánh giá định tính. Mà hạnh kiểm lại thuộc phạm trù này. Cái sai của giáo viên chủ nhiệm trong xếp loại hạnh kiểm (nếu có) trước hết là trách nhiệm của cán bộ quản lý.

Có những hoạt động quản lý coi như đã hướng dẫn qua những văn bản (vốn chưa theo kịp với những thay đổi trong nhà trường hiện nay), như việc kỷ luật học sinh, xếp loại hạnh kiểm học sinh chẳng hạn. Hệ quả là mỗi cơ sở giáo dục, từng giáo viên chủ nhiệm hiểu thế nào sẽ làm thế ấy. Đánh giá hạnh kiểm học sinh chưa sâu sắc có nguyên nhân từ đó.

Ba là, đánh giá tư cách người học qua hạnh kiểm hiện nay chưa thể thay đổi. Nhiều nhà trường vẫn thực hiện tốt, có tác dụng tích cực. Để tiếp tục phát huy, việc xếp loại hạnh kiểm cần có sự chung tay đánh giá của các lực lượng bên ngoài nhà trường như phụ huynh, các đoàn thể tại địa phương, cộng đồng dân cư nơi học sinh cư trú.

Làm được điều này, việc đánh giá hạnh kiểm sẽ khách quan, chính xác. Và như thế, kết quả hạnh kiểm luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ.

Nguyễn Quốc Vương (tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử giáo dục Nhật Bản): Cần bỏ việc đánh giá hạnh kiểm học sinh trong trường học.

Việc đánh giá hạnh kiểm học sinh ở nước ta đã tồn tại rất lâu cho dù các văn bản hướng dẫn cụ thể về nó được điều chỉnh, bổ sung thay đổi nhiều lần. Câu chuyện về hạnh kiểm hiện tại sẽ là vấn đề rất lớn cho dù nhìn từ thực tiễn hay lý luận giáo dục.

 

hạnh kiểm, học sinh, giáo viên
Anh Nguyễn Quốc Vương

Đánh giá hạnh kiểm gây ra nhiều hệ lụy, mà hệ lụy dễ thấy nhất là việc làm tổn thương học sinh. Hạnh kiểm thường được hiểu là “phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người”, vì vậy, cách thức đánh giá và xếp loại hạnh kiểm của cá nhân học sinh thành các loại như tốt, khá, trung bình, yếu, kém… sẽ làm cho học sinh cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.

Nền tảng tồn tại của cá nhân là nhân cách, vì thế, mọi sự can thiệp sâu tác động vào nhân cách của cá nhân theo lối phủ định sạch trơn đơn giản như thế đều có tác dụng xấu. Nó giống như một đòn trừng phạt về tinh thần đối với học sinh hơn là một biện pháp giáo dục. Tư duy trừng phạt này chi phối mạnh mẽ trong phương thức nhận xét và đánh giá hạnh kiểm, vì vậy mà mỗi buổi kiểm điểm lớp hay họp đánh giá hạnh kiểm, người giáo viên vốn nắm trong tay cả quyền lực và quyền uy đã trở thành người giống như quan tòa độc quyền phán xử.

Có những học sinh, nhất là những học sinh bị xếp vào dạng “học sinh cá biệt”, sẽ suốt đời mang theo vết thương lòng khi phải tham dự những buổi kiểm điểm cuối tuần hay đọc những lời nhận xét, những dòng đánh giá về hạnh kiểm trong học bạ, cho dù sau này các em không ít người trở thành những người có phẩm cách đáng nể trọng.

Thứ hai, do đạo đức con người là một thứ rất khó đánh giá và định lượng chi tiết, nên cách thức đánh giá hạnh kiểm hiện tại dựa vào sự tuân thủ nội quy, thái độ đối với giáo viên và học lực là cách làm dễ tạo ra kết quả sai lầm.

Ngay cả ở trong đời sống và khoa học, rất khó để đo đạc và đánh giá đạo đức con người. Trên thế giới, ở thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có phát minh nào về đánh giá đạo đức con người phân biệt được người tốt, kẻ xấu rõ ràng. Vậy thì tại sao giáo viên và nhà trường chúng ta lại có thể dễ dàng đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh thành các loại như tốt, khá, trung bình, yếu?...

Thứ ba, kết quả đánh giá hạnh kiểm dễ gây chia rẽ giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh với phụ huynh cũng như các phụ huynh với nhau.

Do việc đánh giá hạnh kiểm thiếu cơ sở khoa học cho nên kết quả tất yếu là không công bằng và thiếu sức thuyết phục. Nhiều học sinh sẽ cảm thấy khó chịu, bất bình khi nhiều bạn “xấu tính”, “không tốt”, “ích kỉ” lại có hạnh kiểm tốt trong khi nhiều bạn “chơi được”, “tốt tính” lại bị xếp hạnh kiểm khá hoặc trung bình.

Cách thức đánh giá hạnh kiểm đầy quyền lực nói trên đã làm cho học sinh có thái độ và hành vi kiểu “hai mặt”. Với thầy cô thì kính cẩn, lễ độ bề ngoài nhưng với bạn bè thì rất có thể lại tỏ ra ích kỉ, bất hợp tác. Phụ huynh cũng dễ nổi nóng khi thấy con mình ở nhà ngoan ngoãn và nhân cách cũng không có vấn đề gì lớn nhưng ở trường lại bị xếp hạnh kiểm trung bình.

hạnh kiểm, học sinh, giáo viên

Hạnh kiểm thường được hiểu là “phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người”...

Do nhiều lý do trong đó có lý do đến từ hệ thống hành chính giáo dục có tính tập quyền mạnh và phương thức vận hành trường học kiểu hành chính, mối quan hệ hợp tác theo chiều ngang giữa giáo viên - giáo viên, giáo viên - phụ huynh, giáo viên - phụ huynh - học sinh, học sinh - học sinh ở trường học Việt Nam rất yếu trong khi tính cạnh tranh lại rất cao.

Thực tế này có hại cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục nên những con người có tinh thần phong phú và lối sống dân chủ. Cách thức đánh giá hạnh kiểm như hiện tại là một chất xúc tác làm cho tính cạnh tranh phát triển mạnh thêm và trong nhiều trường hợp chuyển thành xung đột, đố kị.

Cuối cùng, hệ lụy sâu xa của việc nhà trường, giáo viên can thiệp sâu vào nhân cách của học sinh thông qua áp đặt đánh giá hạnh kiểm về lâu dài sẽ tạo ra những con người ngoan ngoãn giả vờ hay những người sống kiểu đa nhân cách. Học sinh sẽ biết lấy lòng thầy cô hay biết làm thế nào để có được hồ sơ đẹp, hạnh kiểm tốt trong khi thiếu đi cơ hội để mài sắc cá tính và phẩm cách của bản thân...

Trong công cuộc cải cách giáo dục toàn diện hiện nay sẽ có rất nhiều công việc phải làm nhưng trong đó không thể không thay đổi phương thức vận hành trường học, lớp học và đánh giá học sinh. Đánh giá học sinh cũng cần phải thay đổi.

Cần mạnh dạn bỏ việc đánh giá hạnh kiểm đối với học sinh. Thay vào đó là hướng đến giáo dục các em về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, cá nhân và cộng đồng.

Nếu cần đánh giá thì nên đánh giá ở góc độ tuân thủ quy tắc công cộng mà các em đã đồng thuận trước đó và chỉ coi nó là sự đánh giá ở phương diện ấy thay vì coi nó là sự đánh giá về đạo đức.

Không chỉ đối với học sinh mà ngay cả đối với sinh viên, cách thức đánh giá dựa vào “điểm rèn luyện” cũng là một thứ cần bãi bỏ để làm cho hoạt động trường học được hồi sinh.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nen-giu-hay-bo-viec-danh-gia-hanh-kiem-hoc-sinh-375761.html

 
Có thể lùi thời điểm áp dụng chương trình, SGK mới từ năm học 2019-2020 nếu chưa an tâm PDF. In Email
Thứ năm, 01 Tháng 6 2017 09:37

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc biên soạn, thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới phải chấp hành nghiêm nghị quyết của Quốc hội nhưng trên hết là phải bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng, điều kiện thực hiện thì Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị lùi thời điểm thực hiện.

Ngày 30/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết hiện nay công tác biên soạn và các công việc chuẩn bị điều kiện thực hiện CT, SGK đang được triển khai hết sức tích cực.

Chương trình, SGK mới phải khả thi, thực hiện được ngay

Không chỉ tiếp thu ý kiến đóng góp tại nhiều hội thảo, trên các diễn đàn, báo chí, Ban Phát triển CT giáo dục phổ thông tổng thể đã trực tiếp gửi dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến cụ thể của các chuyên gia, nhà khoa học, các sở GD&ĐT, giáo viên, người dân, học sinh...

Các ý kiến đóng góp đã được trao đổi trên tinh thần khách quan, khoa học nhằm mục tiêu xây dựng CT giáo dục phổ thông tổng thể hiện đại, tiếp cận xu thế quốc tế nhưng vẫn tránh quá tải cho học sinh; thiết kế các môn học và hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; chú trọng giáo dục hướng nghiệp, phân luồng…

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông mới khẳng định: Dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm thống nhất những nội dung cốt lõi, bắt buộc với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế.

"CT, SGK mới phải bảo đảm tính khả thi, có thể thực hiện ngay trong điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất hiện có và khả năng vận dụng linh hoạt của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo CT mới, đồng thời tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên và bắt tay ngay vào việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và điều chỉnh phương pháp dạy học chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực để giáo viên làm quen dần với những điểm mới chứ không chờ đến khi có CT mới, SGK mới.

Chất lượng là trên hết

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ GD&ĐT trong triển khai thực hiện đổi mới CT, SGK thời gian qua, đặc biệt là Ban Phát triển CT giáo dục phổ thông tổng thể đã lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên và các tầng lớp nhân dân trên tinh thần cầu thị, khoa học.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phức tạp với khối lượng công việc nhiều và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, có những quan điểm khác nhau, trái chiều thì phải lắng nghe, chắt lọc để tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội.

"Tinh thần là phải chấp hành nghiêm nghị quyết của Quốc hội nhưng trên hết là phải bảo đảm chất lượng. Đây là vấn đề liên quan đến nền giáo dục nước nhà, vì vậy, chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn. Trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng, điều kiện thực hiện thì Bộ GDĐT báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị lùi thời điểm thực hiện so với lộ trình đề ra trong nghị quyết của Quốc hội", Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Đối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề, hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học như phương án phân luồng; số môn học tự chọn, bắt buộc; dạy học ngoại ngữ, tin học; phương pháp giáo dục STEM về những kiến thức khoa học công nghệ có ứng dụng phổ biến trong thực tiễn nhằm hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh; mức độ tự chủ của các trường, địa phương; quan điểm đa dạng, cởi mở trong biên soạn SGK...

Khẳng định ngành giáo dục đang hết sức tích cực, nỗ lực cao nhất để có thể triển khai CT, SGK mới vào năm học 2018-2019 theo đúng nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng nếu lùi thời điểm thực hiện 1 năm thì sẽ có thêm thời gian chuẩn bị cho công tác biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các CT môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; huy động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, góp phần thực hiện tốt chủ trương một CT nhiều SGK.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/co-the-lui-thoi-diem-ap-dung-chuong-trinh-sgk-moi-tu-nam-hoc-2019-2020-neu-chua-an-tam-20170531091206367.htm

 
Đổi mới, sáng tạo để cuốn hút học sinh PDF. In Email
Thứ tư, 17 Tháng 5 2017 11:11
GD&TĐ - Là giáo viên dạy Giáo dục công dân, cô giáo Hoàng Thị Tuyến, giáo viên Trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến. Tâm huyết và gắn bó với nghề giáo gần 20 năm, bằng tình yêu nghề, hiểu và nắm bắt tâm lý học sinh, cô đã biến những bài giảng lý thuyết khô khan trong SGK thành những câu chuyện có thật trong cuộc sống.

Đổi mới, sáng tạo  để cuốn hút học sinh

Cái duyên đến với nghề

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là bộ đội phục viên nhưng ngay từ nhỏ, cô Hoàng Thị Tuyến đã yêu thích nghề dạy học. Năm 1998 tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Giáo dục chính trị, cô xin về dạy hợp đồng tại Trường THPT Hoài Đức A (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Những bước chân đầu tiên đứng trên bục giảng tuy bỡ ngỡ nhưng đã thắp sáng dần ngọn lửa ước mơ hôm nào của cô giáo trẻ. Một năm sau cô thi đỗ công chức được phân công về Mỹ Đức C (Mỹ Đức, Hà Nội).

Năm 2001, để được gần gia đình, cô xin về lại Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội). Mỗi ngôi trường mà cô công tác dù thời gian nhiều hay ít nhưng đến nay vẫn là những ký ức thiêng liêng nhất trong cuộc đời cô. Ở đó không chỉ có trang giáo án mà còn có bạn bè, đồng nghiệp và nhất là những gương mặt thân quen của nhiều thế hệ học trò.

Cô Tuyến tâm sự, trước đây, môn Giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường chỉ được học sinh, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên coi là môn phụ. Đến tiết, học sinh rất uể oải và chỉ tìm cách học chống đối, thậm chí tự ý nghỉ tiết.

Bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, môn GDCD được đưa vào bài thi tổ hợp trong Kỳ thi THPT quốc gia góp phần to lớn trong việc thay đổi và nâng tầm vị thế môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời vị thế thầy cô giảng dạy bộ môn GDCD cũng được xã hội nhìn nhận một cách tích cực hơn.

Theo cô Hoàng Thị Tuyến, việc giáo dục đạo đức, nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức tuân thủ và thượng tôn pháp luật, các kiến thức về kinh tế, chính trị xã hội của đất nước, của địa phương cho học sinh cần có một thước đo để làm động lực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDCD tiếp tục phấn đấu.

Tuy nhiên, để học sinh học tốt môn GDCD, giáo viên phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, làm cho học sinh hiểu rõ việc học tập với bản thân là một nhu cầu tự thân, học để hiểu biết, học để chung sống và học để phát triển chứ không đơn thuần là học để thi cử. Nhất là trong điều kiện môn GDCD lần đầu tiên tham gia thi tốt nghiệp THPT.

Sáng tạo trong từng bài giảng

Cô Tuyến cho biết, thực tế, bài giảng GDCD hiện nay đang đơn thuần đưa ra những khái niệm và rao giảng đạo đức bằng lý thuyết suông. Nếu giáo viên dạy rập khuôn theo SGK thì môn GDCD rất khô cứng, giáo điều. Chính vì thế, trong những bài giảng GDCD của mình, cô không đơn thuần đưa ra những khái niệm và rao giảng đạo đức bằng lý thuyết suông mà thay vào đó là những giờ thảo luận thực tế.

“Ví dụ trong một tiết học pháp luật tôi đặt câu hỏi liệu pháp luật có làm mất tự do con người. Phần lớn các em nhận ra không phải vậy. Nó đem lại tự do trong khuôn khổ cho mỗi người. Nhưng có em lại trêu cô, cho rằng mình thấy mất tự do quyền con người.

Tôi lại nhẹ nhàng trao đổi. Vậy khi em tham gia giao thông, thấy tự do khi nào? Đó là khi em gặp CSGT mình có đủ điều kiện, giấy tờ và không vi phạm luật. Cũng như em sẽ tự do làm kiểm tra khi thực sự hiểu bài” - cô Tuyến cho biết.

Để HS hứng thú với môn học này, mỗi giờ giảng cô luôn tìm tòi rất nhiều tư liệu, những câu chuyện có thật trong cuộc sống rồi mới đúc rút thành những khái niệm, vì thế những giờ học GDCD của cô bao giờ cũng cuốn hút các em. Chẳng hạn những bài học pháp luật lớp 12 không thể tách rời việc liên hệ thực tiễn cuộc sống như: Sử dụng các câu chuyện pháp luật, tình huống pháp luật phù hợp với nội dung bài học.

Việc sử dụng các câu chuyện pháp luật sẽ giúp các em có được cái nhìn thiết thực hơn về cuộc sống của bản thân, tạo ra cho không khí giờ học sôi nổi, học sinh rèn luyện cho mình được tinh thần hỗ trợ, tương trợ, hợp tác lẫn nhau để giải quyết nội dung của bài học. Đồng thời, giúp giáo viên giảm bớt được thuyết trình, giảng giải; đồng thời trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm...

Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, việc khai thác các tình huống pháp luật, các video hay các phiên tòa xử án trên mạng Internet đã trở thành một công cụ để đội ngũ giáo viên dạy GDCD có thể vận dụng vào dạy học. Tuy nhiên, để cuốn hút học sinh học tập môn GDCD, theo cô Tuyến điều quan trọng liên quan đến là cả nội dung và phương pháp dạy học.

“Nội dung môn học trong SGK phải thiết thực, gần gũi với học sinh. Phương pháp dạy học phải hấp dẫn, cuốn hút. Giáo viên cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hướng học sinh đến năng lực chủ động tích cực trong việc tiếp nhận kiến thức. Giáo viên cần đưa ra phương pháp dạy học phù hợp với từng nội dung bài học, từng đối tượng học sinh, phát huy việc rèn luyện học sinh chủ động, tích cực nắm bắt kiến thức” - cô Tuyến chia sẻ.

 
Công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới PDF. In Email
Chủ nhật, 16 Tháng 4 2017 08:17

 

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2018-2019; được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho học sinh.

Điểm thay đổi rõ rệt so với từ trước nay, giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được phát triển thường xuyên, bao gồm các khâu xây dựng chương trình, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục phổ thông, đổi mới giáo dục

 

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/du-thao-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-364446.html

 
«Bắt đầuLùi1234567Tiếp theoCuối»

Trang 3 trong tổng số 7


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD