French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Trường Trung học Thực Hành-Khối chuyên ĐHSP
“Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển giáo dục mũi nhọn; rèn luyện năng lực vận dụng sáng tạo của học sinh vào thực tiễn cuộc sống”
  
Bài viết cộng tác
SẮC MÀU TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP PDF. In Email
Thứ ba, 01 Tháng 11 2016 16:40

Sắc màu Trung học Thực hành ĐHSP

Một buổi sáng là bắt đầu của một ngày bận rộn. Đáng lẽ là như thế, một buổi sáng bình thường như bao ngày. Thức dậy, đi đến trường, ăn sáng, cố gắng hoàn thành bài vở như chất đống. Rồi chuông báo hết giờ, rời khỏi trường, về nhà rồi lại cắm đầu vào bài vở. Một ngày dường như là trôi qua thật nhàm chán như vậy! Không, không hề. Những điều tưởng chừng nhỏ bé của Trung học Thực hành, đã trộn lẫn với những việc làm “nhạt nhẽo” thường ngày để tạo nên một ngày khác với ngày hôm qua và chắc chắn sẽ chẳng giống với ngày mai, mỗi một ngày đều đầy những bất ngờ như những món ăn mà tối má nấu, nó khiến ta băn khoăn nhưng tràn đầy sự mong chờ, thèm muốn.

Trung học Thực hành đã mang đến cho tôi những người bạn với những tính cách khác nhau, như một bảng màu đầy những sắc thái từ rực rỡ nhất cho đến u tối nhất, từ những gam màu nóng nhất, cho đến những gam màu lạnh. Mỗi con người, mỗi màu sắc nhưng lại tạo thành một bức tranh chân thật, sống động mà đẹp đẽ biết bao. Từ lúc bỡ ngỡ đặt chân vào ngôi trường này, một con người tìm sự mới mẻ như tôi những tưởng rằng mình sẽ mãi không thể có được những kỉ niệm đẹp nhất thời cấp 3 như tôi mong muốn, những tưởng rằng những gam màu nóng sẽ chẳng thể hòa hợp được với những sắc lạnh để tôi có thể vẽ lên một bức tranh, những tưởng rằng sẽ không có một sự liên kết nào có thể tồn tại. Nhưng tôi đã sai! Trung học Thực Hành mang đến cho tôi những gam màu của hạnh phúc, buồn vui lẫn lộn hay những gam màu kì lạ mà tôi chưa từng biết đến để vẽ nên bức tranh mà tôi ấp ủ, một bức tranh với đầy đủ gam màu mà tôi yêu thương, trân trọng. Tôi gọi bức tranh ấy là “Kỉ Niệm”. Bức tranh ấy mang màu Xanh của cây nhạc ngựa, cái cây thân thương mà chúng tôi hay tập văn nghệ ở đó; màu Đỏ nhẹ nhàng theo làn váy đồng phục của trường, màu Đỏ của lửa trại vào Hội trại của trường, của mùa phượng buồn khi phải chia tay với ghế nhà trường, của cả những đam mê tuổi trẻ. Còn cả những mảng màu hỗn độn tượng trưng cho mỗi con người mà tôi đã từng gặp, những người để lại một kỉ niệm trong tôi. Tất cả đều là những màu sắc của Trung học Thực hành.

Chỉ là trải lòng nho nhỏ khi chẳng biết tương lai rồi sẽ về đâu, liệu tôi còn có thể giữ mãi bức tranh của mình, mang nó theo từng bước đường đời mà những màu sắc tạo nên nó vẫn tươi đẹp mãi? Tôi ước mình có thể, để giữ mãi những nụ cười hay chỉ là phút giây ở Trung học Thực hành…

“ Từ bức tranh

Em có thể gửi tới anh

Màu của nắng?

Màu của gió?

Màu của những nụ cười?...

Em sẽ gửi cả màu đen, màu buồn của ngày ấy

Màu mà em nhìn thấy khi phải tạm biệt nơi đây.

Màu phượng đỏ chia tay, em cũng họa lên nốt

Trên nền xanh hồi hộp, tạm biệt mái trường này.”

Họ và tên: Huỳnh Lê Yến Thảo Lớp: 11.5

Ngày hoàn thành: 10/10/2016

 
CÂU CHUYỆN MÌ ĂN LIỀN PDF. In Email
Thứ ba, 01 Tháng 11 2016 16:38

Tên: Võ Minh Anh

Lớp: 11.5

BÀI VIẾT CỘNG TÁC CHO WEBSITE TRƯỜNG THTH ĐHSP

Câu chuyện về mì ăn liền

Nguồn: http://kenh14.vn/kham-pha/my-an-lien-sieu-phat-minh-cho-cuoc-song-hien-dai-201084115512649.chn

Mỳ ăn liền (instant noodle) được người Nhật coi là biểu tượng về nền văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Trong một cuộc thăm dò, người dân Nhật Bản còn xếp phát minh này lên ngôi số một, trên cả các phát minh lừng danh như karaoke, máy nghe nhạc Walkman, máy trò chơi điện tử Nintendo cũng của người Nhật.

Người sáng chế ra món ăn vô cùng tiện lợi này là ông Momofuku Ando còn được gọi là "Vua mỳ ăn liền" hoặc "Cha đẻ của mỳ ăn liền(Noodles papa). Ông đã từng có tên trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở châu Á do Tạp chí Time Asia bình chọn.

Momofuku Ando là người Nhật gốc Trung Quốc, sinh năm 1910 tại Đài Loan, khi đó là thuộc địa của Nhật.

Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, Ando sống với ông bà, lớn lên cậu bé bắt đầu làm việc trong cửa hiệu bán vải lụa của ông nội tại thành phố Đài Nam, miền Nam đảo Đài Loan.

Năm 22 tuổi, Ando sử dụng tài sản thừa kế từ cha mẹ làm vốn mở một công ty kinh doanh sợi dệt. Hồi ấy, do ít người buôn hàng dệt kim nên công ty của ông có điều kiện ăn nên làm ra. Nhờ thế, một năm sau, Ando đã đủ vốn sang Nhật Bản mở công ty ở Osaka, thành phố lớn thứ hai nước này, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Đồng thời ông cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan ở đây.

Cuối thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, các đợt ném bom rải thảm của quân đội Đồng Minh đã san bằng thành gạch vụn hầu như tất cả các đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật, trong đó có nhà máy và cửa hiệu của Ando.

Nền kinh tế cả nước bị tàn phá thảm hại chưa từng thấy, hàng chục triệu người không có việc làm; lương thực và năng lượng như điện, than, dầu đều vô cùng khan hiếm. Không chịu bó tay chờ sự cứu tế của người Mỹ, Momofuku Ando chuyển sang kinh doanh hàng bách hóa và thực phẩm.

Năm 1948, ông thành lập công ty thực phẩm Nissin. Hồi ấy, Nhật Bản thiếu thốn lương thực, hầu hết ăn bột mỳ do Mỹ viện trợ, mặc dù thực phẩm quen thuộc là  gạo. Chính quyền Nhật đề chủ trương dùng bột mỳ làm thành bánh mỳ và phát động phong trào khuyến khích toàn dân làm và ăn bánh mỳ theo kiểu người Âu Mỹ cho nhanh và tiện, đỡ phải đun nấu tốn thời gian và nhiên liệu, là thứ hồi đó rất khan hiếm. Ando không tán thành cách làm ấy, ông cho rằng nên khuyến khích dùng bột mỳ làm thành một dạng mỳ sợi ăn liền, vì dân Nhật hàng ngàn năm nay đã quen ăn gạo và mỳ sợi rồi.

Những khi thấy người ta xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết để chờ mua một tô mì nóng,Ando cứ băn khoăn với ý nghĩ nếu có thể làm ra một loại mỳ sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay thì tiện biết bao.

Khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay. Một lần để ý thấy bà vợ dùng dầu xào nấu thức ăn, ông nảy ra ý nghĩ mình cũng dùng dầu chiên cho sợi mỳ nở ra thì nó sẽ nhanh chóng hút nước. Nhưng Ando cũng phải thí nghiệm hàng trăm lần mới thành công. Để sợi mỳ có vị ngon, ông ngâm nó vào loại soup nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô.

Cuối cùng vào ngày 25/8/1958, Ando sản xuất thành công lô mỳ ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin Ramen (Chikin nói lái theo "chicken").

Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để một lúc là ăn được ngay, rất tiện cho người Nhật thời buổi khó khăn bấy giờ; vì thế bán rất chạy.

Hơn nữa vào hồi ấy, nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa, ai nấy đều thiếu thời gian, do đó thực phẩm ăn liền ngày càng được tiêu thụ nhiều.

Để sản xuất với quy mô lớn, tháng 12 năm ấy, Ando mở rộng công ty Thực phẩm Nissin Food Products Co. Thật may cho ông, khi đang thiếu vốn thì năm sau, hãng Mitsubishi, một tập đoàn công nghiệp khổng lồ ở Nhật nhảy vào hỗ trợ quảng bá món ăn nhanh này, giúp cho mì Ramen mau chóng tăng sản lượng nhiều lần trong một nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa.

Để giữ uy tín sản phẩm của mình, Ando làm đơn xin đăng ký thương hiệu và bằng sáng chế. Năm 1962, công ty ông được chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mỳ ăn liền. Sau đó Ando gửi công văn cảnh cáo các công ty làm nhái sản phẩm của ông.

Nhưng đến năm 1964, Ando lại có một cử chỉ hào hiệp là chấm dứt độc quyền sản xuất mỳ ăn liền, thành lập Hội Công nghiệp Mỳ sợi Nhật Bản (Instant Food Industry Association) và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi.

Ông bắt đầu nghĩ rộng hơn, tới chuyện bán sản phẩm ra nước ngoài. Trong chuyến thăm dò thị trường Mỹ năm 1966, Ando quan sát thấy người Mỹ khi ăn thì dùng thìa nĩa và đĩa chứ không dùng đũa và bát như người Nhật.

Ông nảy ra ý định đóng gói mỳ ăn liền vào trong những chiếc cốc to bằng giấy dày không thấm nước, đổ nước sôi vào một lúc là ăn được, mỳ ăn liền phiên bản này siêu tiện dụng.

Năm 1970, Nissin mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ. Ngày 18/9/1971, Mỳ ăn liền Nissin đựng trong cốc (Cup Noodle) lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Sản phẩm của Nissin bắt đầu chiếm lĩnh thị trường bên ngoài Nhật Bản. Đến năm 2005 thì toàn thế giới đã tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền, bình quân tiêu thụ mỗi người 12 gói, trong đó Nissin chiếm thị phần lớn nhất, với 10 tỉ gói. Cũng trong năm 2005, công ty Nissin còn cung cấp mì ăn liền cho nhà du hành vũ trụ người Nhật Soichi Noguchi trong chuyến bay trên tàu con thoi Mỹ Discovery lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS.

Ngày 5/1/2007, Momofuku Ando qua đời tại Osaka vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 96 tuổi. Nghe nói cho tới hôm ấy ông hãy còn ăn món Chikin Ramen của mình như thường lệ bao năm qua. Câu nói để đời của Ando là: "Hòa bình sẽ đến với thế giới khi tất cả mọi người có đủ đồ ăn thức uống" và chắc chắn nó sẽ là châm ngôn cho những nhà kinh doanh chân chính mãi về sau.

 
NIỀM TIN TỪ CHUYỆN XƯA THẦY KỂ PDF. In Email
Thứ ba, 01 Tháng 11 2016 16:37

NIỀM TIN TỪ CHUYỆN XƯA THẦY KỂ
-Sưu tầm-

Trong suốt cả đời người học hành, văn võ, tôi là một học trò của nhiều thầy, cô giáo. Năm tháng trôi qua, thế mà từng giọng nói, cử chỉ dạy bảo, rèn giũa của thầy cô trên giảng đường, bãi tập vẫn không bao giờ phai nhạt trong tôi.

Có thầy dạy tôi học chữ, học nghĩa. Có thầy dạy tôi tư thế, tác phong đi đứng, lời chào hỏi thân thiện, cái bắt tay xã giao bạn bè, kính trên, nhường dưới. Tất cả đều lắng đọng trong tôi thật nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được.

Trong số những người thầy dạy chữ, dạy nghĩa, thầy giáo Hoàng Văn Tốt, quê ở thôn Làng Tuống, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã để lại trong tôi dấu ấn thật sâu sắc trong suốt cả đời người mưu sinh ngược xuôi Nam, Bắc.

Thầy Tốt chỉ dạy tôi có một năm thôi, đó là năm học 1964 - 1965. Thời ấy, tôi mới hơn mười tuổi, đang học lớp 4 phổ thông, năm cuối của cấp Tiểu học bây giờ. Đây còn là năm học đầu tiên trường học các cấp toàn miền Bắc phải đối mặt với cuộc chiến tranh ác liệt bằng không quân của giặc.

Để bảo đảm an toàn cho trường, lớp học, với cương vị hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp I Mỏ Tuống, thầy tôi đã quyết định sơ tán cả 4 lớp học của nhà trường vào các hang đá trong núi Sa Choong, một địa danh thuộc xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng để tiếp tục duy trì trường, lớp. Nhờ đó, tôi vẫn còn được học tiếp cho tới mãi những năm sau này.

Hàng ngày đến lớp, thầy trò ai nấy đều phải đội mũ rơm, khoác vành lá nguỵ trang trên lưng để che mắt máy bay địch. Lớp học của tôi và lớp 3, hai lớp lớn tuổi nhất trường được bố trí ở mãi tận một hang đá trên sườn núi dốc đứng khoảng 40 độ, cách mặt đất chừng 200 mét.

Ngày nào cũng vậy, thầy, trò chúng tôi dắt díu nhau cắp cặp sách, vở leo lên, trượt xuống ít nhất hai lần mệt lừ, hổn hển thở ra cả mang tai mà vẫn hồn nhiên, vui nhộn.

Cực nhất là vào những ngày trời mưa, thời tiết ẩm ướt, đường trơn, chẳng may thầy trò trượt chân ngã lấm lem bê bết, rồi cứ thế vào lớp dạy và học. Vậy mà thầy, trò chỉ nhìn nhau cười xòa, thương cảm, chẳng ai ca thán, phàn nàn gì.

Những năm tháng ấy, đời sống vật chất của các thầy, cô giáo thật kham khổ, thiếu thốn nhiều thứ lắm. Hàng tháng, mỗi người chỉ được 13 kg gạo cùng với mấy chục đồng lương Nhà nước cấp. Ngoài ra, chẳng còn khoản thu nhập gì thêm. Thế mà, sự nghiệp làm thầy của các thầy, cô giáo thời đó sao mà công tâm, tận tụy đến thế. Các thầy, các cô luôn coi chúng tôi, những học trò của mình thân thiện, gần gũi như chính con em của thầy, cô vậy.

Bao năm đã qua rồi, mỗi khi nhắc đến thủa học trò là những kỷ niệm xưa lại ùa về thật ấm cúng, sâu sắc. Riêng thầy tôi, thầy Hoàng Văn Tốt, một người thầy giáo có phong cách thật hoạt bát, giản dị, khiêm nhường.

Thầy là một nhà giáo dễ gần, được nhiều học trò yêu mến. Thầy tốt tính như chính cái tên mộc mạc mà các cụ thân sinh đã đặt cho thầy. Với tôi, ông là một thầy giáo dạy giỏi, cởi mở, thương trò, điềm đạm, mát tính.

Được học với thầy, từ những bài giảng sang sảng trên bục tới những lời khuyên bảo nghiêm khắc, độ lượng, nhẹ nhàng sao mà thấm sâu vào lòng người đến thế. Hàng tuần, môn học lịch sử và kể chuyện ngoại khóa của thầy đã tạc khá sâu vào tâm trí của tôi từ thủa thiếu thời.

Với chất giọng ấm áp, truyền cảm, say xưa của thầy, giờ học lịch sử làm cho tôi cứ mường tượng thấy từng bức tranh quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam trên đất nước này từ thời xa, xưa lần lượt tái hiện trở về với bao sự kiện truyền thống văn hiến, kiên trung, quật cường, nhân nghĩa.

Rồi những giờ nghe thầy kể chuyện tưởng chừng như chỉ là một môn phụ để tham khảo, giải khuây thôi, thế mà lại trở thành một kỷ niệm sâu sắc nhất của đời học trò đối với thầy giáo của mình.

Ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ cuối của các buổi học, thầy tập trung cả lớp 3 và 4 lại để kể một đôi câu chuyện lịch sử, cổ tích, dân gian hoặc chuyện cười…

Có chuyện thầy kể thật ngắn gọn, dí dỏm, có chuyện lại khá dài, thầy phải kể đến 4, 5 ngày mới hết. Nhưng chúng tôi ai cũng cứ ngẩn người ra mà nghe như cố nuốt lấy từng lời thầy kể.

Liên miên suốt cả năm học, hết chuyện này, thầy lại có chuyện khác kể ngay. Chuyện nào thầy kể cũng thật là hay, mà thầy chỉ toàn nói vo thôi, không cần tới sách vở.

Các câu chuyện thầy kể, chuyện nào cũng có những nhân vật hung hãn, dữ tợn, đại diện cho giai cấp thống trị xấu xa, mưu mô, gian ác xen lẫn với các nhân vật là những người nông dân lương thiện, bần cùng suốt ngày lam lũ, lặn lội mưu sinh.

Rồi có những chàng trai, cô gái ham học, chăm làm, gồng mình vươn lên vượt qua luật tục, mưu trí, dũng cảm, kiên cường đấu tranh với cái ác, cái lạc hậu để giành lấy tình yêu, hạnh phúc và cuộc sống no ấm cho mình, cho dân làng.

Cái hậu súc tích, nhân văn của các câu chuyện thầy kể là cứ mỗi khi cái thiện, cái ác tranh chấp, giành giật nhau trên bờ vực của đỉnh điểm hiểm nghèo thì các ông tiên, ông bụt và những chàng trai, cô gái của thế giới thần tiên hóa thân thành những chàng, những cô cóc, nhái, rắn, rết… kịp thời đến cứu nhân, độ thế, mang lại hạnh phúc cho dân lành.

Sức mạnh đoàn kết, ý trí kiên cường của người dân bần hàn cùng với quyền lực thần bí của các bậc thần tiên cứ ngày càng thấm sâu mãi trong lòng tôi niềm tin vào những con người trung thực, lương thiện của các câu chuyện thời xưa, và ngày nay ở trên trần gian, dương thế này cũng vẫn luôn được các thế lực siêu nhiên trông coi, bảo trợ.

Mãi cho đến giờ, tôi vẫn luôn tin rằng, trong thế giới trường tồn của vạn vật, nhân sinh, các vị thần tiên thời xưa và những người hiền tài ngày nay luôn có mặt ở khắp mọi nơi để dẫn dắt chúng sinh, kịp thời giải hạn, diệt trừ ác bá, mang lại hạnh phúc cho toàn dân, bách tính.

Nhớ những câu chuyện xưa thầy kể, tôi ước ao mình có cơ hội làm được một việc gì đó có nghĩa cho dân, cho bà con hàng xóm. Thầy Hoàng Văn Tốt, người đã nhen nhóm, đốt lên ngọn lửa rực sáng trong tôi về niềm tin, khát vọng học tập, làm theo những tấm gương hiền tài trong các câu chuyện ngày xưa thầy kể.

Theo Giáo dục & Thời đại

 
PHẢI CHĂNG CUỘC SỐNG LÀ QUÁ TRÌNH TỰ ĐIÊU KHẮC ĐỂ THÀNH NGƯỜI? PDF. In Email
Thứ ba, 01 Tháng 11 2016 16:36

PHẢI CHĂNG CUỘC SỐNG LÀ QUÁ TRÌNH TỰ ĐIÊU KHẮC ĐỂ THÀNH NGƯỜI?

 

Bạn có từng nghe qua quá trình hình thành ngọc trai tự nhiên bao giờ chưa? Người ta cho rằng ngọc trai được tạo ra khi có một vật lạ nhỏ hoặc hạt cát chui vào bên trong con trai biển và nằm luôn trong đó.

Bị kích thích bởi vật lạ này, con trai tiết ra một chất dịch bao bọc dị vật. Đây là các phản ứng để tự chữa lành những vết thương của loài nhuyễn thể này. Qúa trình này lập đi lập lại nhiều năm để tạo thành viên ngọc đẹp, quý và có giá tri. Trong cuộc sống, chúng ta cũng giống như viên ngọc trai kia không thể tránh khõi những va đập đầy biến động. Liệu chúng ta có sẵn lòng ôm ấp những đớn đau và học cách vươn lên để rồi một ngày tạo nên những viên ngọc trai lấp lánh? Phải chăng cuộc sống này là một quá trình tự điêu khắc để thành người mà chỉ những người đủ bản lĩnh như con ngọc trai biển kia, trong dòng lệ đớn đau bị dị vật xâm nhập vẫn kiên cường, vẫn nỗ lực đến cùng?

Nói một chút về điêu khắc. Điêu khắc gần với kiến trúc theo nghĩa nó gọt đẽo một vật cảm quan. Kiến trúc thỏa mãn công năng, điêu khắc nhỉn hơn ở khả năng thoát bỏ những vỏ bọc vật chất, hình hài, màu sắc, chất liệu để bày tỏ một quan niệm nghệ thuật cũng như thái độ sống của một thời đại. Lịch sử điêu khắc cận đại, hiện đại ghi quá trình mà điêu khắc đã cố gắng mọi nỗ lực để thay đổi , biến hóa gương mặt đô thị hoặc tất cả các trung tâm mà con người tụ sinh để thích nghi với sự đổi mới không ngừng của vũ trụ. Con người cũng giống như điêu khắc, luôn cần biết cách phát huy nội lực chính mình, luôn tự mài dũa học hỏi từ những thất bại, từ những điều tốt đẹp xung quanh ta  để tồn tại và phát triển trong chu kì vận hành riêng  của cuộc đời mà chúng ta quen ví như là quy luật hình sin trong toán học hết thăng trầm bất biến. Ý chí vươn lên từ những thất bại ấy cũng chính là công thức của một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như danh ngôn Nam Phi: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngã về phía sau bạn.” , khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống. Cuộc sống chúng ta không phải lúc nào cũng êm đềm như nắng ấm ban mai mà nó giống như những cơn gió, có khi mạnh mẽ dự tợn, có khi nhẹ nhàng lướt qua. Vì vậy để vượt qua những cơn giông bão đó, đòi hỏi chúng ta phải biết tìm cho mình động lực và niềm tin để đứng dậy sau những lần vấp ngã. Đó là lúc chúng ta tiếp tục nhào nặn cho chất liệu thô là cuộc đời, hướng tới mặt trời để tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp.

Thomas Edison, người đứng thứ ba trên thế giới về số bằng phát minh sáng chế khoa học – đã trải qua hàng vạn những lần thử nghiệm thất bại để tạo ra một phát minh lớn cho nhân loại – những phát minh mà ban đầu chỉ nghe ý tưởng về nó, mọi người đã cho rằng đó là điều “không tưởng” “Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ.” Hay nhà khoa học Đồ U U (Trung Quốc ) – chủ nhân của giải Nobel Sinh Học 2015 – một người phụ nữ tận tụy với liệu pháp điều trị sốt rét  Artemisinin từ thảo dược đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà khoa học đam mê lĩnh vực y sinh. Bà đã dành ra hơn nửa đời người loay hoay với hơn 2000 vị thuốc chiết xuất ra 380 loại thảo dược khác nhau, 200 lần thử thuốc thất bại, thực hiện một công việc tưởng chừng như mò kim đáy bể nhưng bà vẫn chấp nhận là người đầu tiên thử nghiệm công thức chưa hoàn chỉnh. Và cuối cùng bà đã thành công dù trước đó bà chỉ khiêm tốn với chức danh nghiên cứu viên cấp cao tại học viện Trung Quốc.

Gần đây hơn đó chính là tấm gương của người hùng thể thao Việt Nam Hoàng Xuân Vinh. Có ai biết người từng mang về tấm huy chương vàng  đầu tiên cho đoàn thể thao nước nhà, người thiết lập kỉ lục Olympic mới của nội dung 10m súng hơi nam đã từng không ghi nổi điểm nào vì phát súng định mệnh tại ASIAD 16, từng một bài bắn xuất sắc nhất mà cũng đáng tiếc nhất trong sự nghiệp  khi chỉ kém người đạt HCĐ 0,1 điểm ở thế dẫn trước tại Olympic 2012?

Anh đã từng có ý định giải nghệ sau viên đạn tiếc nhất đời ấy” nhưng chính bản lĩnh đã vượt lên tất cả. vất vả , gian khổ của điều kiện tập luyện thiếu thốn, của gánh nặng tâm lý đã chèn ép anh trong nhiều năm ròng rã vì anh luôn tự nhủ rằng: “Mình là vận động viên giành huy chương vàng olympic, rằng anh đã phải vươn lên mạnh mẽ như thế nào để có được ngày hôm nay. Họ kiên cường, họ mạnh mẽ được như vậy không phải là vì bên trong họ tiềm ẩn một sức mạnh thần thánh nào đâu. ọ đơn thuần bướng bỉnh theo đuổi những điều mà người ta cho là điên rồ chỉ vì bỏ cuộc không phải là sự lựa chọn của họ.


Chúng ta hay có xu hướng chờ đợi một Nguyễn Ái Quốc mới xuất hiện để định hướng đường lối phát triển đất nước, đợi một mẹ Terrasa để lan truyền ngọn lửa yêu thương đến cộng đồng mà bỏ qua những câu chuyện cổ tích trong chính cuộc đời chúng ta. Chúng ta sẽ thường biết ngưỡng mộ, ca tụng những Darwin, Enstein, Marie Curie,… như những dẫn chứng “khô khan” trong các bài luận văn thay vì học hỏi, tiếp thu những ngọn lửa đam mê học hỏi của họ và vận dụng vào chính cuộc đời thực. Giá như ai cũng có suy nghĩ: “Khi trưởng thành, tôi hiểu bản thân cần gì, đơn giản là sự say mê, hứng thú với công việc có ích . Tôi không còn cảm giác trông chờ giải thưởng, cũng chẳng muốn cạnh tranh với ai. Hạnh phúc là thế thôi.” (Giáo sư Yoshinori Ohsumi 71 tuổi – Nobel Sinh học 2016) thì có lẽ sẽ không có nhiều người rỗi hơi nhảy lầu tự tử chỉ vì những thất bại tinh yêu , hôn nhân hay căng thẳng trong công việc và  những căn bệnh thế kỷ, những vấn đề thời đại đã sớm tìm ra được chiếc chìa khóa của chính mình từ lâu rồi.
“Hãy luôn khát khao hãy cứ dại khờ” (Steve Job). Cuộc sống chính là như vậy là tập hợp vô vàn những điều biến động, là quá trình điêu khắc để thành người. Bạn sợ sẽ bị tổn thương? Sự va đập của cuộc sống chẳng có gì đáng sợ đâu. Đừng bao giờ cho phép mình quỵ ngã. Dù có lúc tưởng chừng mất tất cả ta vẫn còn những bài học giá từ “cái mất tất cả” đó mà. Một khi chúng ta học cách chấp nhận được đau đớn trong quá trình chuyển hóa những góc cạnh xù xì, chúng ta sẽ trở thành những hòn sỏi đá láng mịn. Khi chúng ta có đủ nghị lực, lạc quan, niềm tin và tinh thần ham học hỏi, hướng đến những điều tốt đẹp ta sẽ như những đóa hoa hướng dương cũng có ngày nhìn thấy ánh nắng mặt trời.

HUỲNH LÊ QUÝ KHOA – 11.5

THTH – ĐHSP Khóa 2016-2017

Ngày 9/10/2016

 
Nhà giả kim – Và mỗi chúng ta hãy sống trọn vẹn mơ ước của mình PDF. In Email
Thứ ba, 01 Tháng 11 2016 16:36

Nhà giả kim – Và mỗi chúng ta hãy sống trọn vẹn mơ ước của mình

(Tự sáng tác)

Trên con đường thực hiện ước mơ, mỗi chúng ta đề sẽ vấp phải những chông gai thử thách, nhưng đứng trước thử thách và dũng cảm vượt qua mới là cách ta tiến gần đến ước mơ của mình hơn. Tôi bắt gặp điều đó trong “Nhà giả kim” của Paulo Coelho. Bằng giọng văn giản dị, ông đã khéo léo truyền đạt những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, ước mơ và tình yêu. Những triết lý của cuộc đời tưởng chừng đơn giản nhưng đôi lúc ta lại chẳng nhận ra.

Chắc hẳn, nhiều người sẽ thắc mắc “Nhà giả kim là ai?”. Họ là những nhà hoá học thời trung cổ, tìm cách tạo ra vàng từ kim lọai bình thường, tìm đá tạo vàng và thuốc trường sinh bất lão, những thứ mà con người ta luôn khao khát thực hiện được. Nhưng nhà giả kim không phải nhân vật chính, ông là nhân vật đóng vai trò quan trọng để nhân vật chính – cậu thanh niên chăn cừu Santiago tiếp tục theo đuổi giấc mơ.

Cả câu chuyện là một chuyến phiêu lưu của Santiago theo đuổi vận mệnh, giấc mơ của mình, trải qua biết bao khó khăn gian khổ để đến với kho tàng trong giấc chiêm bao. Cậu đã không làm một thầy tu mà làm một người chăn cừu để được rong ruổi khắp nơi ngắm nhìn thế giới, để rồi một ngày kia, trong giấc mơ, cậu nhìn thấy kho tàng ở kim tự tháp đang chờ cậu đến khám phá, và cuộc hành trình bắt đầu. Cậu bán cừu sau đó tìm cách lên đường sang châu Phi, bị lừa bịp hết tiền rồi phải đến cửa hiệu pha lê làm việc. Để dành đủ tiền sau đó lại tiếp tục giấc mơ, cậu gặp chàng trai người Anh – người luôn khao khát trở thành một nhà giả kim, rồi cả hai cùng đồng hành với một lữ đoàn tiến về phía sa mạc mênh mông, và cậu đã gặp định mệnh của đời mình tại đây, cô gái có tên Fatima - cô gái của sa mạc.

Một quyển sách không dày nhưng thấm nhuần bao triết lý cuộc sống, như lời ông già xưng là vua xứ Salem đã nói với Santiago khi họ thấy anh chàng bán kem – một người muốn bán kem để dành dụm tiền đi chu du khắp nơi – rằng: “Anh ta không hề hiểu rằng người ta lúc nào cũng có thể thực hiện ước mơ của mình”, và khi ông muốn cậu đổi một phần mười số cừu cậu có để ông chỉ bảo cậu về cách đi tìm kho tàng “Nếu cậu hứa trả bằng cái già mình chưa sở hữu thì rồi sẽ có lúc cậu mất đi ý chí đạt được nó đấy”. Lời của ông dạy tôi một điều rằng đừng bao giờ trì hoãn ước mơ của mình mà hãy lên kế hoạch thực hiện nó. Người bán kem chọn bán kem để kiếm đủ tiền sau này đến được nhiều nơi, điều đó không sai, nhưng nếu anh ta già đi, không còn đủ sức khoẻ nữa, liệu anh ta có còn thực hiện được ước mơ của mình, và giờ chó đến lúc anh ta kiếm đủ tiền là cả một khoảng thời gian dài đằng đẵng, đến lúc đó, liệu anh ấy có còn nhớ về điều mình đã từng ước mơ? Tôi là kẻ giống người bán kem, hay tự nhủ với lòng rằng đợi một thời gian nữa thôi, tôi sẽ thực hiện những điều mình lên kế hoạch, nhưng cuộc sống tất bật luôn để tôi tìm được lý do trì hoãn chúng, và mãi đến hôm nay, chúng chỉ mới là kế hoạch trên giấy và tôi vẫn chưa có bước khởi đầu nào, lâu đến mức tôi dường như chẳng còn nhiệt huyết để thực hiện chúng nữa. Ông còn dạy tôi rằng: bất kì thành công nào, khát vọng nào, muốn có được phải chấp nhận trả giá bằng cái mình đang sở hữu, bởi vì tiếc nuối, nên ta lại có thêm một động lực để thực hiện ước mơ, nếu hứa hẹn về điều gì chưa có, ta sẽ nhanh chóng nản lòng thoái chí, chùn bước trước khó khăn, bởi ta biết mình không mất gì cả.

Bên cạnh những bài học về ước mơ, tôi còn có được bài học về hạnh phúc: “Bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng” trong câu chuyện mà ông vua xứ Salem đã kể cho cậu nghe trước lúc lên đường. Hạnh phúc là khi ta biết tận hưởng cuộc sống nhưng cũng không quên đi trách nhiệm của mình, đơn giản thế thôi nhưng không phải ai cũng làm được đâu nhé! Có người chăm chăm nhìn hai giọt dầu trên muỗng nên đã không kịp tận hưởng những thú tuyệt mỹ, có người mải mê với những thứ tuyệt mĩ mà quên mất hai giọt dầu. Cả hai trường hợp này, con người đều không hạnh phúc bởi lẽ khi người ta dung hoà được cả hai thứ, tìm được điểm cân bằng ta mới thấy lòng nhẹ nhõm và tâm thanh thản biết bao, ta mới sống tốt được với chính mình: không gò ép cũng chẳng bê tha.

Santiago trong chuyến phiêu lưu ấy đã từng bị cướp sạch tiền trên vùng đất mình vừa đặt chân đến, nơi mà cậu chẳng hề hiểu được ngôn ngữ của người bản địa, cũng chẳng quen biết một ai. Một mình cô độc lang thang không mọt xu dính túi ở một mảnh đất xa lạ, con người xa lạ, cậu cũng như bao người, thất vọng chán chường vì đời không như là mưa. Nhưng sau đó, cậu đã cho chúng ta một tấm gương về suy nghĩ tích cực và đứng lên sau khó khăn: “Mình có thể nhìn thế giới hoặc với con mắt của một kẻ khốn khổ bị cướp sạch hoặc của một kẻ phiêu lưu trên đường đi tìm kho tàng” và cậu đã chọn làm kẻ phiêu lưu, chọn đi làm thuê cho một cửa hàng pha lê, chọn học tiếng A-rập, chọn giúp ông chủ của hàng thu hút khách, chọn tiếp tục thực hiện điều mình mong ước. Bạn thấy đấy, hi vọng hay tuyệt vọng đôi khi chỉ do suy nghĩ của chính ta mà thôi!

Và trời không phụ lòng người! Rời khỏi tiệm pha lê, cậu gia nhập đoàn lữ hành tiến về sa mạc, làm bạn với chàng trai người Anh, gặp Fatima và nhà giả kim để rồi tự chiêm nghiệm về những triết lý cuộc đời, những quan điểm về tình yêu hết sức cao đẹp: “trên thế giới luôn có một người chờ đợi mình, dù giữa sa mạc hay trong thành phố lớn. Và khi hai người gặp nhau, và ánh mắt họ nhìn nhau thì cả quá khứ lần tương lai đều không còn quan trọng nữa, chỉ còn có khoảnh khắc ấy và niềm tin tuyệt đối rằng mọi sự dưới bầu trời này đều do một bàn tay ghi sẵn; chính bàn tay này đã làm nảy mầm tình yêu và chọn sẵn một kẻ tâm đầu ý hợp cho mỗi người chăm lo, làm lụng, nghỉ ngơi và tìm kiếm kho tàng dưới gần trời này. Nếu không như thế thì ước mơ của con người thật là vô nghĩa”. Chính Fatima đã dành cho cậu trọn niềm tin tưởng, ủng hộ cậu thực hiện mong ước khi cậu muốn ở lại ốc đảo mãi mãi để bầu bạn cùng cô trọn đời. Người con gái luôn tin tưởng vào sa mạc đã được tặng cho kho báu quý giá nhất – tình yêu của Santiago. Một người vì yêu mà chấp nhận chờ đợi, chờ đợi người mình yêu hoàn thành giấc mộng của anh ấy, đợi anh ấy, tin tưởng anh ấy sẽ quay về với mình. “Nếu em là một phần của vận mệnh anh thì sẽ có một ngày anh trở về thôi” – đó là tình yêu chân thành và đúng nghĩa, cao thượng và biết hy sinh. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho Santiago, để khi gặp được nhà giả kim, nhận đươc nhiều lời khuyên hữu ích từ ông, cậu cuối cùng cũng thực hiện được khao khát bấy lâu. Dẫu cho cuối cùng những tên cướp một lần nữa xuất hiện, cướp đi tài sản của cậu, nhưng có nghĩa gì đâu, tiền bạc lúc này không còn quan trọng nữa. Cậu nhìn kim tự tháp, cảm thấy kim tự tháp nhìn cậu mỉm cười, vậy là đủ. Kho tàng của cậu là những bài học nhận được trong suốt chặng đườn phiêu lưu, là tình yêu chân chính trong đời.

Mỗi chúng ta không phải ai cũng có đủ dũng khí theo đuổi ước mơ của mình, chấp nhận đánh đổi, kiên trì vượt qua, dũng cảm đứng dậy sau nhưng thử thách như Santiago. Chỉ cần sống hết mình vì ước mơ và quyết tâm thực hiện thì một chú bé chăn cừu cũng có thể vượt qua chặng đường dài dằng dặc để đến kim tự tháp. Cuộc sống của con người chỉ vô nghĩa khi không có gì để ước mơ và sợ hãi thất bại còn đau khổ hơn sự thất bại vì một khi sợ hãi, ta đã đánh mất hết dũng khí để tiếp tục chinh phục cuộc hành trình đi đến thành công.

Không những mang ý nghĩa sâu sắc mà mỗi chi tiết truyện còn như một câu chuyện cổ tích, là một cuốn sách nghiêng về biểu tượng, về ngôn ngữ và thế giới vũ trụ. Hình tượng nhà giả kim biến những thứ không thể thành có thể đã là một biểu tượng về nghị lực và quyết tâm theo đuổi ước mơ, không ngừng tiến lên phía trước.

Cuốn sách tuyệt vời này đã dạy tôi bài học về lý trí và cả trái tim, về cách nhìn và cảm nhận mọi thứ quanh mình. Nhân vật Santiago là nhân vật dựa trên tính cách của chính tác giả. Ông đã kiên cường làm một nhà văn thay vì trở thành kĩ sư. “Nhà giả kim” từng là một quyển sách ế ẩm, nhưng ông vẫn kiên trì. Và cuối cùng quả ngọt đã đến với ông khi hàng trăm triệu người trên thế giới đón nhận tác phẩm này như một cây kim chỉ nam cho hành trình phấn đấu của mình. Không cần những lời lẽ hoa mỹ cao thâm. Chính sự nhẹ nhàng pha chút tưởng tượng đã làm “Nhà giả kim” đi vào lòng người một cách chân thành nhất, trở thành quyển sách tâm đắc của nhiều người, trong đó có cả cựu tổng thống Bill Clinton.

 
«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»

Trang 2 trong tổng số 11


 Tin mới: 

Ra quân đội tuyển học sinh giỏi TP 2019

Ngày 4 – 03 – 2019, Trường trung học Thực hành ĐHSP đã có buổi họp mặt các học sinh giỏi trong đội tuyển HSG cấp TP trước ngày ra quân (đội tuyển Trường THTH gồm 106 thành viên gồm các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa lí, Văn, Anh). Kỳ thi học sinh giỏi cấp TP năm 2019 được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Trưng Vương, Trường THPT Bùi Thị Xuân. Đến dự có...

Kết quả cuộc thi thiết kế logo chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường THTH ĐHSP TP.HCM

Kết quả cuộc thi thiết kế logo chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường THTH ĐHSP TP.HCM STT Tên Lớp Giải 1 Lương Tiểu Vy 10CT Nhất 2 Văn Bội Hân 12CT Nhì 3 Văn Bội Hân 12CT Ba 4 Huỳnh Thiên Kim 10CT KK 5 Đào Võ Minh...
 

 Đang truy cập: 

Hiện có 1357 khách Trực tuyến

 Weblink 

 Truy Cập