Phòng Hợp tác Quốc tế
  
Trang chủ Thông báo
Thông báo
TUYỂN SINH CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT ĐÀO TẠO PDF. In Email
Thứ ba, 02 Tháng 4 2013 08:14

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 02 năm 2013

THÔNG BÁO

TUYỂN SINH CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT ĐÀO TẠO

THẠC SĨ GIÁO DỤC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOUSTON (HOA KỲ)

 

Căn cứ Quyết định số 1233/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2012 về việc cho phép Trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Houston (Hoa Kỳ) thực hiện Chương trình liên kết đào tạo cấp bằng Thạc sĩ Giáo dục về Chương trình và Phương pháp giảng dạy;

Căn cứ Quyết định số 1446/QĐ-ĐHSP ngày 29 tháng 8 năm 2011 về việc Ban hành Quy định hoạt động liên kết của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh;

Căn cứ “Hiệp định hợp tác và giao lưu giữa Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Houston ” kí ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Hiệu trưởng hai Trường, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh thông báo kế hoạch tuyển sinh Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Giáo dục với Trường Đại học Houston đợt tháng 4/2013, theo hình thức xét tuyển như sau:

1. CÁC CHUYÊN NGÀNH TUYỂN SINH

- Giảng dạy tiếng Anh (Teaching English as a Second Language);

- Giảng dạy Văn hóa/Xã hội (Social/ Cultural Education);

- Quản lý Giáo dục (Educational Leadership);

- Công nghệ thông tin trong giảng dạy (Instructional Technology);

- Giảng dạy văn chương Anh – Mỹ (Literacy Education).

2. THỜI GIAN ĐÀO TẠO: 2 năm

- Năm thứ 1: học tại Việt Nam, chương trình gồm 6 môn (18 tín chỉ) do giảng viên của Trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh đáp ứng được các điều kiện của Trường Đại học Houston giảng dạy.

- Năm thứ 2: học tại Trường Đại học Houston, chương trình gồm 6 môn (18 tín chỉ) do giảng viên Trường Đại học Houston giảng dạy.

3. ĐỐI TƯỢNG XÉT TUYỂN

- Cử nhân hệ chính quy hoặc tại chức, có điểm trung bình chung đại học (GPA) là 2.6/4.0 hoặc 6.5 điểm trở lên (tính theo điểm Việt Nam) và có chứng chỉ tiếng Anh 500 TOEFL hoặc 6.0 IELTS (riêng cử nhân tiếng Anh được miễn xét chứng chỉ).

 

Ghi chú: Kết thúc năm thứ nhất thì tất cả các học viên sau khi hoàn thành chương trình 6 môn chung tại ĐHSP TP HCM để được học tại ĐH Houston Hoa Kỳ năm thứ hai phải có chứng chỉ tiếng Anh đạt chuẩn Quốc tế: 550 TOEFL thi viết, hoặc 213 thi trên máy tính, hoặc 79 iBT, hoặc 6.5 IELTS. (Điểm thi không được quá hai năm)

4. ĐIỀU KIỆN XÉT TUYỂN

- Đúng đối tượng và có đủ hồ sơ dự tuyển theo quy định mục 3 và mục 5.

- Hội đồng xét tuyển của Trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh được Trường Đại học Houston uỷ quyền đánh giá năng lực của người dự tuyển bằng tiếng Anh.

5. HỒ SƠ XÉT TUYỂN

- Đơn đăng ký (theo mẫu);

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan/địa phương (theo mẫu);

- Chứng minh nhân dân (bản photo miễn công chứng);

- Bản sao bằng cử nhân và bảng điểm có công chứng;

- Bản sao văn bằng/chứng chỉ ngoại ngữ có công chứng;

- 04 ảnh 3x4;

- Lệ phí hồ sơ và xét tuyển: 88 USD/người.

6. HỌC PHÍ

- Năm thứ 1: 3.000 USD/người/năm (thu tiền Việt theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank tại thời điểm đóng học phí).

- Năm thứ 2: dự kiến 10.000 USD/người/năm (chưa bao gồm phí nhập học ở Hoa kỳ, phí làm thủ tục lưu trú, giáo trình).

7. THỜI GIAN NHẬN HỒ SƠ

- Nhận hồ sơ: từ ngày ra thông báo đến hết 16 giờ 30 ngày 29/3/2013.

- Phỏng vấn xét tuyển: dự kiến từ 10 đến 15/4/2013.

8. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

- Địa điểm       : Phòng Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (C710), 280 An Dương Vương, phường 4, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh.

- Điện thoại     : 08. 38352020-(182) hoặc 08.38391077.

- Email            : phongsdh@hcmup.edu.vn

- Website        : http://sdh.hcmup.edu.vn

 

 

 
TUYỂN SINH CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT ĐÀO TẠO THẠC SĨ PDF. In Email
Thứ ba, 02 Tháng 4 2013 08:17

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 02 năm 2013

THÔNG BÁO

TUYỂN SINH CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT ĐÀO TẠO

THẠC SĨ GIÁO DỤC HÁN NGỮ QUỐC TẾ

VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM PHÚC KIẾN (TRUNG QUỐC)

 

Căn cứ Quyết định số 1232/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc) thực hiện Chương trình liên kết đào tạo cấp bằng Thạc sĩ Giáo dục Hán ngữ quốc tế;

Căn cứ Quyết định số 1446/QĐ-ĐHSP ngày 29 tháng 8 năm 2011 về việc Ban hành Quy định hoạt động liên kết của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh;

Căn cứ “Hiệp định hợp tác và giao lưu giữa Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Phúc Kiến” kí ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Hiệu trưởng hai Trường;

Căn cứ “Phương án thực thi Hiệp định hợp tác giao lưu giữa Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến và Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh” kí ngày 7 tháng 9 năm 2009 của Hiệu trưởng hai Trường, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh thông báo kế hoạch tuyển sinh Thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế đợt tháng 8/2012, theo hình thức xét tuyển như sau:

1. THỜI GIAN ĐÀO TẠO: 2 năm

- Năm thứ 1 (Học kỳ 1): học tại Việt Nam, chương trình gồm 4 môn, do giảng viên Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh đáp ứng được các điều kiện của Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến giảng dạy.

- Năm thứ 2 (Học kỳ 1, 2, 3): học tại Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến, chương trình gồm 9 môn (7 lý thuyết, 1 thực hành, 1 chuyên đề), thực tập (tại Việt Nam hoặc Trung Quốc, do học viên tự chọn) và bảo vệ luận văn.

2. ĐỐI TƯỢNG XÉT TUYỂN

- Cử nhân tiếng Trung Quốc, cử nhân các ngành ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc kể cả chính quy và tại chức.

- Độ tuổi dự tuyển: không quá 40 tuổi tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.

3. ĐIỀU KIỆN XÉT TUYỂN

- Đúng đối tượng và có đủ hồ sơ dự tuyển theo quy định mục 2 và mục 4.

- Hội đồng xét tuyển của Trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh được Trường Đại học Sư phạm Phúc Kiến uỷ quyền đánh giá năng lực của người dự tuyển với hình thức vấn đáp bằng tiếng Trung Quốc.

4. HỒ SƠ XÉT TUYỂN

- Phiếu đăng ký (theo mẫu);

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan/địa phương (theo mẫu);

- Chứng minh nhân dân (bản photo miễn công chứng);

- Bản sao bằng cử nhân và bảng điểm có công chứng;

- Bản sao văn bằng/chứng chỉ ngoại ngữ có công chứng;

- 04 ảnh 3x4;

- Lệ phí hồ sơ và xét tuyển: 88 USD/người

5. HỌC PHÍ

- Học kỳ 1: 1.320 USD/người (thu tiền Việt theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank tại thời điểm đóng học phí).

- Học kỳ 2,3,4: dự kiến 8.500 Nhân dân tệ/người/1 học kỳ (chưa bao gồm phí làm thủ tục lưu trú, giáo trình).

6. THỜI GIAN NHẬN HỒ SƠ VÀ THÔNG BÁO KẾT QUẢ XÉT TUYỂN

- Nhận hồ sơ: từ ngày ra thông báo đến hết 16 giờ 30 ngày 30/6/2013.

- Phỏng vấn xét tuyển: dự kiến từ 22 đến 27/7/2013.

8. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

- Địa điểm       : Phòng Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (C710), 280 An Dương Vương, phường 4, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh.

- Điện thoại     : 08. 38352020-(182) hoặc 08.38391077.

- Email            : phongsdh@hcmup.edu.vn

- Website        : http://sdh.hcmup.edu.vn

 
TÌNH HÌNH HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA TRƯỜNG ĐHSP TP. HỒ CHÍ MINH PDF. In Email
Chủ nhật, 21 Tháng 7 2013 09:12

TÌNH HÌNH HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA TRƯỜNG ĐHSP TP. HỒ CHÍ MINH

(Bản chi tiết, tính đến tháng 7 năm 2013)

 

1. Khoa Toán liên kết đào tạo ngành Didactic Toán với ĐH Joseph Fourier (Pháp) bậc Thạc sĩ, từ năm 1997. Giảng viên của ĐH Joseph Fourier tham gia vào việc đọc và đánh giá các luận văn Thạc sĩ của sinh viên ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh trong chuyên môn này. Bằng do ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh cấp. Qui trình đánh giá nói trên đang được chuyển giao cho giảng viên của Khoa. Ngoài ra, Khoa còn thường xuyên tổ chức các Hội thảo quốc tế, với sự tham gia của các nhà toán học đến từ nhiều nước, và với sự tài trợ của AUF (Agence Universitaire de la Francophonie - Tổ chức các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp). Nhiều giảng viên của Khoa tham gia các trường hè, các đợt tập huấn và hội thảo khoa học về Didactic Toán được tổ chức tại Pháp, Thụy sĩ.

2. Khoa Pháp liên kết đào tạo ngành tiếng Pháp ở các bậc Cử nhân và Thạc sĩ với ĐH Rouen từ năm 1989. Chương trình đào tạo do ĐH Rouen soạn, giảng viên của khoa Pháp giảng dạy. Đề thi do ĐH Rouen soạn và bài thi của học viên Việt Nam được gửi sang Rouen để chấm đểm. Bằng do ĐH Rouen cấp. Khoa nhận được sự giúp đỡ của các trường ĐH thuộc Vương quốc Bỉ trong các ngành Du lịch và Biên phiên dịch. Khoa nhận được sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Pháp tại thành phố, của tổ chức AUF và Trung tâm tiếng Pháp châu Á-Thái Bình Dương (CREFAP) trong các hoạt động Pháp ngữ. Khoa là đơn vị được ủy quyền của Bộ Giáo dục Pháp trong việc tổ chức các kỳ thi chứng chỉ tiếng Pháp DELF-DALF. Giảng viên của khoa là những thành viên tích cực của Hội thảo Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình dương được tổ chức hàng năm trong khu vực. Trường ĐH Chandrakasem (Thái Lan) là đối tác của Khoa trong việc trao đổi sinh viên Pháp ngữ. Khoa tiếp nhận nhiều sinh viên và giáo viên của các trường đối tác đến giảng dạy tiếng Pháp. Sinh viên của Khoa thường xuyên tham gia các cuộc thi Hùng biện tiếng Pháp do Lãnh sự quán Pháp và Viện trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) tổ chức.

3. Khoa Trung liên kết đào tạo ngành tiếng Trung với ĐH Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc) ở bậc cử nhân (2+2) và Thạc sĩ (1+1) từ năm 2009. Các hệ liên kết này đã thực hiện được 2 khóa, bằng do ĐH Sư phạm Phúc Kiến cấp. Khoa nhận được sự giúp đỡ từ Học viện Văn Tảo (Đài Loan) và một số trường ĐH ở Trung Quốc trong việc giảng dạy tiếng Trung và tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Trung. Khoa còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố trong việc giới thiệu giảng viên Đài Loan sang làm việc tại Khoa. Khoa là đơn vị được ủy quyền tổ chức thi Chứng chỉ năng lực tiếng Trung HSK (phối hợp với Lãnh sự quán Trung Quốc) và Chứng chỉ tiếng Trung cho trẻ em (phối hợp với Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc). Nhiều năm liền, sinh viên của Khoa dành được giải thưởng cao trong các cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ.

4. Khoa tiếng Anh là đối tác của ĐH Cambridge trong việc tập huấn và cấp chứng chỉ về năng lực giảng dạy tiếng Anh, từ năm 2006. Chứng chỉ của ĐH Cambridge. ĐH Sư phạm TP, Hồ Chí Minh mang mã số VN 210 do ĐH Cambridge cấp cho hoạt động này. Với ĐH Canberra (Australia), khoa đã thực hiện liên kết đào tạo ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong 12 năm. Khoa cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia Hoa kỳ theo chương trình Fulbright. Hội đồng Anh và Nhà xuất bản Pearson là những đối tác của Khoa trong việc tổ chức các đợt tập huấn về tiếng Anh và cung cấp tài liệu dạy tiếng Anh. Trong khuôn khổ của Dự án Ngoại ngữ 2020, một số giảng viên của khoa được đi tập huấn về phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy tiếng Anh tại New Zealand.

5. Khoa tiếng Nhật là đối tác của ĐH Mie và ĐH Wakayama (Nhật Bản) trong việc trao đổi sinh viên. Hàng năm, Khoa tiếp nhận học bổng của 2 trường này dành cho sinh viên ngành tiếng Nhật. Khoa nhận được sự giúp đỡ của Tổ chức OISCA (Organization for Industrial, Spiritual and Cultural Advancement) trong việc giảng dạy môn Văn hóa trong kinh doanh, cũng như trong việc phát triển bộ môn tiếng Nhật tại khu vực. Khoa thường xuyên tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Nhật, với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Khoa nhận được sự hỗ trợ tích cực của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, của Tổ chức JICA (Japan International Cooperation Agency) và tổ chức JF (Japan Foundation) trong các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nhân sự giảng dạy và giao lưu văn hóa. Năm 2009, Khoa tiếp nhận phòng Nghe-Nhìn do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tặng, trị giá 67.000 USD. Sinh viên của Khoa giành nhiểu giải thưởng cao trong các cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật được tổ chức tại thành phố.

6. Khoa tiếng Nga là đối tác của Viện tiếng Nga mang tên Pushkin, thuộc Cộng hòa Liên bang Nga. Nhiều năm liền, Khoa mời giáo sư của Viện sang giảng chuyên đề và tập huấn về tiếng Nga, văn học Nga và phương pháp giảng dạy tiếng Nga. Cán bộ của Khoa nhận được nhiều học bổng cho việc tập huấn chuyên môn tại Nga. Trung tâm tiếng Nga, thuộc tổ chức Ruski Mir của Cộng hòa Liên bang Nga, có văn phòng tại trường, và là đối tác quan trọng của Khoa Nga trong hoạt động giảng dạy và giao lưu văn hóa Việt-Nga. Khoa là thành viên tích cực của Hội Hữu nghị Việt-Nga và Nhà Hữu nghị thành phố.

7. Khoa Tâm lý-Giáo dục nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia đến từ Bỉ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, của chương trình Fulbright. Từ 2003 đến 2007, khoa đã thực hiện thành công Dự án Chuyển giao bộ công cụ đánh giá về Trẻ có khó khăn trong môn Toán và Đọc hiểu, với sự tài trợ của Chính phủ Bỉ, và với sự giúp đỡ của ĐH Tự do Bruxelles và ĐH Louvain-La Neuve. Khoa là thành viên của CASP-V (Consortium to Advance School Psychology in Vietnam - Liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường tại Việt Nam). Với sự giúp đỡ của CASP-V, tháng 8 năm 2012, Khoa đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Tâm lý học đường.

8. Khoa Vật lý đón tiếp nhiều giáo sư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp đến khoa để giảng chuyên đề. Hội thảo quốc tế về Thiên văn học đã được Khoa tổ chức thành công vào tháng 11 năm 2011, với sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam, Hà Lan, Hoa Kỳ, Pháp, Indonexia.

9. Khoa Sinh học có đối tác là trường Belgorod (Cộng hòa Liên bang Nga). Năm 2013, Khoa đã mời 2 giáo sư từ ĐH Belgorod sang giảng các chuyên đề Sinh lý thần kinh nội tiết Sinh lý thần kinh cao cấp cho sinh viên năm 3, có tổ chức kiểm tra và đánh giá cuối chuyên đề.

10. Khoa Hóa thường xuyên đón tiếp GS. Baker, thuộc trường Paderborn (CHLB Đức), sang dạy chuyên đề về phương pháp giảng dạy môn Hóa.

11. Các khoa Tâm lý-Giáo dục, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Đặc biệt có nhiều đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel để giảng chuyên đề, tập huấn hoặc tham gia các hội thảo khoa học. Khoa Giáo dục Đặc biệt nhận được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên đến từ Anh, Hà Lan, Na Uy. Khoa cũng nhận được sự giúp đỡ của tổ chức JICA trong việc tổ chức các đợt tập huấn về chuyên môn. Giảng viên của khoa Giáo dục Đặc biệt được mời tham dự các đợt tập huấn và hội thảo tại Israel, Bỉ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada… Tháng 6 năm 2013, khoa Giáo dục Tiểu học đã tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế “Dạy học cho học sinh lớp 1 có khó khăn về đọc”.

12. Khoa Ngữ văn đón tiếp nhiều giáo sư đến từ Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản để tham gia các hội thảo khoa học hay tọa đàm về tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. Khoa là đối tác của ĐH Paris 7 trong việc giảng dạy tiếng Việt. Giảng viên của khoa còn tham gia dạy tiếng Việt tại Đài Loan và Thái Lan. Khoa đã biên soạn bộ sách dạy tiếng Việt cho ĐH Bình Đông (Đài Loan). Tháng 12 năm 2007 Khoa đã tổ chức giao lưu văn hóa giữa sinh viên của Khoa và sinh viên ngành tiếng Việt trường ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc. Tháng 11 năm 2011 khoa đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Những lằn ranh Văn học. Khoa đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Phòng Giao lưu Văn hóa Việt-Hàn tại trường. Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 70 sinh viên nước ngoài học tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Khoa.

13. Khoa Lịch sử đón tiếp giảng viên đến từ Hoa Kỳ để giảng chuyên đề về Lịch sử.

14. Khoa Địa lý, từ 2007 đến 2009 đã tổ chức 4 đợt bồi dưỡng chuyên đề về Didactic Địa lý, với sự giúp đỡ của Viện đào tạo Giáo viên (Pháp) và AUF. Năm 2006, khoa đã đón tiếp nhà du hành vũ trụ người Pháp Jean-Loup Chrétien.

15. Khoa Giáo dục thể chất là đối tác của trường ĐH Semarang (Indonexia). Tháng 6 năm 2012, ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và ĐH Semarang đã ký thỏa ước hợp tác. Theo tinh thần của thỏa ước, ĐH Semarang cấp học bổng ngắn hạn về bảo vệ môi trường và văn hóa cho sinh viên ĐHSP vào tháng 8 năm 2013. Khoa tích cực tham gia các hoạt động giao lưu thể thao với sinh viên Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaixia…

16. Khoa Công nghệ thông tin, vào tháng 6 năm 2013, đã ký thỏa ước xây dựng hệ Liên kết đào tạo với ngành Khoa học Máy tính của trường ĐH Seattle (Hoa Kỳ) và đang xúc tiến việc thống nhất chương trình của hai bên, trước khi xin phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

17. Phòng Sau đại học quản lý 4 hệ Liên kết đào tạo với nước ngoài:

- ngành Công nghệ đào tạo, bậc Thạc sĩ, chương trình 2 năm, do các giáo sư của ĐH Caen (Pháp) giảng dạy. Bằng do ĐH Caen cấp. Chương trình được thực hiện từ năm 2006.

- ngành Hán ngữ Quốc tế, liên kết với ĐH Sư phạm Phúc kiến, bậc Thạc sĩ, chương trình 2 năm, theo phương tức 1+1 (1 năm ở Việt Nam, 1 năm ở Phúc Kiến). Chương trình được thực hiện từ 2009. Đã đào tạo được 2 khóa.

- ngành Giáo dục học, bậc Thạc sĩ, liên kết với ĐH Houston (Hoa Kỳ), theo phương thức 1+1. Chương trình do ĐH Houston soạn, năm đầu do giảng viên Việt Nam dạy (tại Việt Nam), năm thứ 2 do giảng viên của Houston dạy (tại Hoa Kỳ). Chương trình gồm nhiều chuyên ngành khác nhau. Bằng do ĐH Houston cấp. Chương trình được thực hiện từ năm 2012.

- ngành Giáo dục học, bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, liên kết với ĐH Southern Connecticut (Hoa Kỳ), theo phương thức 1+1. Chương trình do ĐH Connecticut soạn, năm đầu do giảng viên Việt Nam dạy, năm thứ 2 do giảng viên của ĐH Connecticut dạy. Chương trình gồm nhiều chuyên ngành khác nhau. Bằng do ĐH Connecticut cấp. Sinh viên năm thứ hai của hệ liên kết với Houston có thể học tại Connecticut, nếu họ có nguyện vọng. Trường đang làm hồ sơ xin phê duyệt của Bộ cho hệ liên kết này.

Phòng Sau Đại học còn quản lý 2 nghiên cứu sinh Hàn Quốc, 1 nghiên cứu sinh Trung Quốc  (cả 3 thuộc ngành tiếng Việt), 1 nghiên cứu sinh Lào ngành Địa lý, 6 sinh viên Lào ở bậc Thạc sĩ thuộc các ngành Phương pháp giảng dạy Vật lý (2 người), PPGD Toán (1 người), PPGD Hóa (1 người), PPGD Văn (1 người), Quản lý Giáo dục (1 người).

18. Phòng Đào tạo quản lý hệ Liên kết đào tạo với ĐH Sư phạm Phúc Kiến, ngành tiếng Trung, bậc Cử nhân, theo phương thức 2+2 (2 năm ở Việt Nam, 2 năm ở Phúc Kiến). Chương trình được thực hiện từ 2009 và đã đào tạo được 2 khóa.

19. Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An nhận được sự giúp đỡ của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản trong việc xây dựng khối phòng can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính, trị giá 2.064.465.000 VND, năm 2010. Tổng Lãnh sự Quán Australia tại thành phố giúp Trung tâm trang bị một máy đo thính lực cho trẻ khiếm thính, trị giá 193.103.000 VND, năm 2011. Tổ chức Quĩ Toàn cầu dành cho trẻ khiếm thính giúp Trung tâm mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hè cho giáo viên của Trung tâm và các tỉnh thành phía Nam, từ năm 2010 đến nay. 

20. Viện Nghiên cứu Giáo dục, từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 2 năm 2013, đã đón tiếp Giáo sư Diana Oliver đến làm việc tại Viện trong khuôn khổ của chương trình Fulbright. Giáo sư đã tiến hành nghiên cứu về Giáo dục tại Việt Nam và đã tổ chức 4 đợt tập huấn về Giáo dục đại học cho giáo viên trong và ngoài trường.

21. Trường Trung học Thực hành đón nhiều đoàn tham quan đến từ Nhật Bản, Anh, Nga.

22. Trung Tâm Văn hóa- Giáo dục Việt Nhật đã có quyết định được hoạt động chính thức vào tháng 6 năm 2013.

23. Phòng Giao lưu Văn hóa Việt-Hàn sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013, sau 1 năm chuẩn bị. Phòng sẽ nhận được sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh và một số trường ĐH Hàn Quốc. Ngoài chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa Việt-Hàn, Phòng còn có nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng giảng viên cho ngành tiếng Hàn mà nhà trường sẽ mở trong tương lai.

24. Khoảng 70 sinh viên nước ngoài đang học tại trường, đa số là sinh viên Hàn Quốc theo học ngành tiếng Việt. Ngoài ra, có một số sinh viên đến từ Pháp, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Lào. Trong hoạt động trao đổi sinh viên, mỗi năm trường đón trên 20 sinh viên đến từ ĐH Mie, ĐH Wakayama, ĐH Gwangzu, và đưa nhiều sinh viên của Trường đi học tại các trường đối tác nói trên.

25. Trường là thành viên của AUF (Agence Universitaire de la Francophonie - Tổ chức các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới), của RIFEEF (Réseau International Francophone des Etablissements de Formation de Formateurs – Tổ chức quốc tế các Trường Sư phạm thuộc Cộng đồng Pháp ngữ).

26. Trường nhận nhiều học bổng từ Ngân hàng Tokyo Mitsubishi, tập đoàn Laurence Ting, tập đoàn AEON, ĐH Mie, ĐH Wakayama, ĐH Gwangju, AMA. Những học bổng này dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đạt thành tích khá, giỏi trong học tập. Trường cũng nhận học bổng của Chương trình Fulbright dành cho giảng viên của Trường đi nghiên cứu tại Hoa Kỳ.

27. Các hệ Liên kết đào tạo của Trường, tính đến tháng 7 năm 2013, đã trao hơn 1000 bằng tốt nghiệp bậc Cử nhân và Thạc sĩ cho học viên thuộc các hệ nói trên.

Tháng 7 năm 2013, Người viết báo cáo
Phó trưởng phòng phụ trách Phòng HTQT

Lê Thị Ánh Hiền

 
Ghi danh tham dự Trại hè bồi dưỡng nâng cao dành cho giáo viên tiếng Hoa năm 2013 PDF. In Email
Thứ hai, 24 Tháng 6 2013 09:42

2013年華語教師進階研習營 報名表
Ghi danh tham dự Trại hè bồi dưỡng nâng cao
dành cho giáo viên tiếng Hoa năm 2013

Đọc thêm...
 
TỔNG KẾT TÌNH HÌNH HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA TRƯỜNG ĐHSP TP. HỒ CHÍ MINH PDF. In Email
Chủ nhật, 21 Tháng 7 2013 09:18

TỔNG KẾT TÌNH HÌNH HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA TRƯỜNG ĐHSP TP. HỒ CHÍ MINH
(Báo cáo tổng quát)

Trong 37 năm xây dựng và phát triển, trường ĐHSP TP. HCM đã ký kết thỏa ước hợp tác với 107 trường đại học trên thế giới.
Những hình thức hợp tác quốc tế là: mời giảng chuyên đề, hội thảo khoa học, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên, tập huấn, liên kết đào tạo, tiếp nhận sinh viên nước ngoài. Trường thường xuyên mời giảng chuyên đề, tổ chức hội thảo khoa học và tập huấn cho các khoa Toán, Văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Công nghệ thông tin, Tâm lý-Giáo dục, Giáo dục Đặc biệt, Giáo dục Mầm non, Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật… Các khoa Giáo dục Tiểu học, tiếng Anh và tiếng Nhật trao đổi sinh viên hàng năm với một số trường đại học Nhật Bản (Mie, Wakayama), Hàn Quốc (Gwangzu), Indonesia (Semarang) và Bỉ (ArteveldeHoogeschool). Các đợt tập huấn đều có phát chứng chỉ.
Trường hiện có 6 hệ liên kết đào tạo: với ĐH Joseph Fourier (Pháp) trong ngành Didactic Toán ở bậc Thạc sĩ; với ĐH Rouen (Pháp) trong ngành Ngôn ngữ học ở các bậc Cử nhân và Thạc sĩ; với ĐH Caen (Pháp) trong ngành Công nghệ Đào tạo ở bậc Thạc sĩ; với Đại học Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc) trong ngành tiếng Trung ở bậc Cử nhân và Thạc sĩ; với ĐH Houston (Hoa Kỳ) trong ngành Giáo dục học ở bậc Thạc sĩ; với ĐH Paris 7 trong việc dạy tiếng Việt. Hiện tại, Trường đang làm hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt hồ sơ liên kết đào tạo với ĐH Southern Connecticut (Hoa Kỳ) trong ngành Giáo dục học bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ và với CityU of Seattle (Hoa Kỳ) trong ngành Công nghệ Thông tin bậc Cử nhân. Phương thức đào tạo của các hệ trên là đa dạng: có hệ được tổ chức tại trường, do giảng viên của phía đối tác sang giảng dạy, có hệ theo công thức 2+2 hoặc 1+1, với một nửa thời gian ở VN, do giảng VN giảng dạy, và một nửa thời gian ở trường bạn, do giảng viên của trường bạn giảng dạy. Đến tháng 7 năm 2013 các hệ Liên kết đào tạo của Trường đã cấp hơn 1000 bằng tốt nghiệp cho các học viên trong và ngoài trường.
Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh là thành viên của tổ chức AUF (Agence Universitaire de la Francophonie – Tổ chức các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp), của RIFEFF (Réseau International Francophone des Etablissements de Formation de Formateurs – Tổ chức quốc tế các Trường Sư phạm thuộc Cộng đồng Pháp ngữ) và của CASP-V (Consortium to Advance School Psychology in Vietnam - Liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường tại Việt Nam). Trường tiếp đón các học giả Fulbright đến giảng dạy và nghiên cứu tại trường, đồng thời nhận học bổng của tổ chức này để cử giảng viên của trường đi thực tập hoặc nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Nhiều giảng viên của trường tham gia các đợt thực tập, tập huấn, trường hè tổ chức tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ, New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan…
Trường có Trung tâm Văn hóa - Giáo dục Việt – Nhật, có Trung tâm tiếng Nga thuộc tổ chức Nga ngữ của Cộng hòa Liên bang Nga. Trường đang xúc tiến việc mở Phòng Giao lưu Văn hóa Việt – Hàn, tiến tới thành lập khoa tiếng Hàn tại Trường.
Trường nhận học bổng từ Ngân hàng Tokyo Mitsubishi, tập đoàn Laurence S.Ting, tập đoàn AEON, ĐH Mie, ĐH Wakayama, ĐH Gwangzu, AMA. Những học bổng này dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đạt thành tích khá, giỏi trong học tập.
Hiện tại, Trường có khoảng 70 sinh viên nước ngoài đang học tập tại trường, ở bậc Đại học và Sau đại học, đa số là sinh viên ngành tiếng Việt của khoa Ngữ Văn. Ký túc xá của Trường thường xuyên đón tiếp giảng viên và sinh viên nước ngoài.

Tháng 7 năm 2013, Người viết báo cáo

Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng HTQT

Lê Thị Ánh Hiền

 
«Bắt đầuLùi1112131415161718Tiếp theoCuối»

Trang 11 trong tổng số 18



 Học bổng cho sinh viên 

Học bổng KOICA năm 2019

Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cấp Học bổng KOICA 2019 gồm 20 chương trình đào tạo thạc sỹ. Mỗi ứng viên chỉ được dự tuyển 1 (một) chương trình. Ứng viên trúng tuyển cần trở về làm việc tại cơ quan công tác ít...
 

 Các đoàn khách quốc tế 

TIẾP ĐÓN ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA INCHEON, HÀN QUỐC

Vào lúc 10 giờ 00 ngày 30 tháng 08 năm 2018, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp và làm việc với đoàn Trường Đại Học Quốc Gia Incheon, Hàn Quốc. Tham dự buổi làm việc, về phía khách có GS. Tae-Hyun Kim - Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản – Đại...
 

 Du học 

Ngày Hội Thông tin Giáo dục Australia

Australia Future Unlimited: Education Roadshow Vietnam 2013 Ngày Hội Thông Tin Giáo Dục Australia: Tương Lai Không Giới Hạn Do Chính Phủ Australia Tổ Chức (vào cửa tự do) Hà Nội 08.30 – 14.00 Thứ Bảy 9/11/2013 Khách Sạn Daewoo 360 Kim Mã, Quận Ba...