Sao lại bất nhất thế? In
Thứ sáu, 24 Tháng 12 2010 06:09

Sao lại bất nhất thế?

TT - Một cách đầy bất ngờ, không chỉ với dư luận mà với cả vài trăm trường ĐH trong cả nước khi biết thông tin Bộ GD-ĐT đang âm thầm triển khai thí điểm một phương án tuyển sinh ĐH, CĐ mới cho kỳ thi năm 2011: giao một số trường ĐH xây dựng “phương án tự chủ tuyển sinh”.

Với việc được “tự chủ tuyển sinh”, các trường ĐH do bộ lựa chọn dự kiến được tự ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển... thay vì phải áp dụng “3 chung” như lâu nay.

Nhưng chỉ sau hai ngày, những thông tin về kế hoạch thí điểm giao quyền tự chủ tuyển sinh được báo chí mổ xẻ với nhiều ý kiến khác nhau, Bộ GD-ĐT đã có văn bản thông báo: “Quá trình nghiên cứu phương án đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ đang ở giai đoạn đầu, còn phải qua nhiều bước, sau đó sẽ lấy ý kiến rộng rãi của xã hội và báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi áp dụng”.

Đồng thời bộ cũng khẳng định “phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vẫn giữ ổn định như các năm trước”. Nếu như sự việc dừng ở đó, chắc hẳn dư luận đã có thể tạm yên tâm về sự cầu thị của Bộ GD-ĐT: lắng nghe ý kiến của dư luận, sẵn sàng điều chỉnh để có bước đi thận trọng hơn trong đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nhưng ngay sau đó trên một số tờ báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: thông tin giao quyền tự chủ cho sáu trường ĐH là hiểu nhầm hoàn toàn. Bộ chỉ giao cho các trường nghiên cứu, không có việc bộ giao cho sáu trường ĐH xây dựng và thực hiện phương án “tự chủ trong tuyển sinh”.

Chắc chắn tuyên bố này của lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ lại gây băn khoăn trong dư luận và khiến sáu trường ĐH đã nhận được công văn - do chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ngày 26-11 - phải hoang mang về sự bất nhất của bộ. Bởi trong công văn đó Bộ GD-ĐT đã viết rất rõ ràng: “Bộ GD-ĐT dự kiến trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 giao một số trường ĐH trọng điểm, đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý tốt thực hiện chịu trách nhiệm toàn diện tất cả các khâu của công tác ra đề thi...” và “Để có căn cứ giao nhiệm vụ, Bộ GD-ĐT trân trọng đề nghị trường xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh... gửi về Bộ GD-ĐT chậm nhất là ngày 15-12-2010”.

Và hai trong số sáu trường đã có công văn nhận lời đề nghị của bộ, đồng thời đang khẩn trương xây dựng đề án tự tổ chức tuyển sinh từ năm 2011 của mình. Không lẽ cả mấy trường ĐH này cũng đang “hiểu nhầm” chủ trương của bộ?

Những thay đổi liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ luôn là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm vì liên quan đến hàng triệu thí sinh, vài trăm cơ sở đào tạo và phía sau là cả xã hội. Chính vì vậy, lâu nay đã trở thành một quy ước “bất thành văn”, những chủ trương mới, những thay đổi lớn về phương thức tuyển sinh thường được bộ tuân thủ công bố trước kỳ thi một năm để thí sinh có sự chuẩn bị thích ứng.

Ngay cả những sửa đổi mang tính kỹ thuật trong quy chế hay phương thức thi cử, xét tuyển cũng phải chốt vào dịp hội nghị tuyển sinh tháng 1 hằng năm. Cũng vì mức độ nhạy cảm, liên quan đến số đông nên những chủ trương, thay đổi trong tuyển sinh thường phải được đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ sở đào tạo, các chuyên gia và của xã hội trước khi chính thức ban hành.

Bởi vậy, việc Bộ GD-ĐT lần này âm thầm triển khai một nội dung thí điểm quan trọng, thay đổi hẳn phương thức tuyển sinh so với “ba chung” không thể không gây bất ngờ cho nhiều người.

Giao quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và được xã hội cũng như các trường hoàn toàn ủng hộ, sẵn sàng hưởng ứng. Thực tế đã chứng minh bộ không thể làm thay mãi việc tuyển sinh đầu vào cho tất cả trường ĐH lớn bé, chất lượng đào tạo cao thấp... như hiện nay. Nhưng rõ ràng việc trả lại quyền tự chủ cho các trường phải có một lộ trình rõ ràng, công khai và thận trọng.

Đi liền với việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, bản thân Bộ GD-ĐT cũng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt quản lý nhà nước: một ngân hàng đề thi sẵn sàng cung cấp cho các trường có nhu cầu, một quy chế tuyển sinh phù hợp...

THANH HÀ (Tuổi trẻ)