LỊCH SỬ HÌNH THÀNH In
Thứ ba, 04 Tháng 10 2011 08:49

“Trường Câm điếc Lái Thiêu” hay “Cái nôi của Người Câm Điếc”, một cái tên rất thân thương, quen thuộc, gần gũi và gắn bó với người dân sống ở vùng Lái Thiêu vì nó có bề dày lịch sử hơn 100 năm.

Trường đã được Linh mục chính xứ họ đạo Lái Thiêu lúc bấy giờ tên là Azéma, người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris thành lập. Khởi đầu công việc này, Cha đã quy tụ được 5 trẻ điếc để dạy ngôn ngữ và đạo đức. Đến năm 1880 Cha gởi anh Nguyễn Văn Tường, một thanh niên câm điếc sang Pháp để học về phương pháp dung ký hiệu ngôn ngữ điệu bộ. Khi anh Trường trở về, Cha chính thức tuyên bố mở Trường dạy trẻ Điếc vào năm 1886.

Số học sinh mỗi ngày mỗi gia tăng và sức khoẻ Cha cũng mòn dần theo ngày tháng nên đến năm 1903, Chao giao trường cho các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô điều hành. Trong suốt hơn 70 năm do các Nữ tu quản lý có cả ngày ngàn học sinh Câm Điếc từ khắp mọi miền Nam Bắc được nuôi dưỡng, giáo dục và lớn lên – thành đạt từ môi trường này.

Khi đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc, năm 1975 trường được công lập hoá, đặt dưới sự quản lý của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và được đổi tên là “Trung tâm Điếc Thuận An”. Các Nữ tu vẫn tiếp tục phục vụ tại đây nhưng như là cán bộ công nhân viên chức Nhà nước và các Nữ tu cũng được giao phó nhiệm vụ quản lý chuyên môn để điều hành Trường.

Đến tháng 07 năm 1995, trung tâm được chuyển sang Bộ Giáo dục & Đào tạo và tiếp tục hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Đến tháng 07 năm 1997, trung tâm lại được trở thành thành viên của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Qua bao lần chuyển giao, một lần nữa vào tháng 11 năm 1999, trung tâm được chuyển về trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với tên gọi “Trung tâm Giáo dục Trẻ Khuyết tật Thuận An” cho đến hôm nay.